Tập đoàn FLC có còn gắn bó với bóng đá?

(Baonghean.vn) - Những ngày qua, lãnh đạo Thanh Hóa đã có cuộc làm việc với FLC Thanh Hóa về chiến lược phát triển của đội bóng. Tin chính thức về nội dung cuộc họp không được thông báo nhưng hiện đang dấy lên thông tin FLC dừng đầu tư cho đội bóng xứ Thanh.

Trên nhiều diễn đàn người hâm mộ xứ Thanh đang hướng nhiều đến chủ đề: FLC có tiếp tục cuộc chơi? Không ít ý kiến bày tỏ sự thất vọng, dù tin này chưa được chính thức thông báo. Nhất là khi Cục Thuế Thanh Hóa phát đi công văn: Công ty CP Bóng đá FLC Thanh Hóa đứng đầu danh sách nợ thuế (gần 40 tỷ đồng). 

Chelsea Việt Nam”

Sau 3 năm gắn bó, người hâm mộ xứ Thanh đang nóng lòng muốn biết ai sẽ là ông chủ của FLC Thanh Hóa. Ảnh: Internet
Sau 3 năm gắn bó, người hâm mộ xứ Thanh đang nóng lòng muốn biết ai sẽ là ông chủ của FLC Thanh Hóa. Ảnh: Internet

Tháng 6 năm 2015, FLC tiếp quản Câu lạc bộ Bóng đá Thanh Hóa từ Công ty Cổ phần Bóng đá Thanh Hóa. Theo đó, toàn bộ nhân sự gồm cán bộ, công nhân viên, người lao động, huấn luyện viên, cầu thủ đội 1, các đội bóng trẻ trực thuộc Câu lạc bộ, Ban huấn luyện các đội bóng cũng như toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất thuộc quyền quản lý của Câu lạc bộ như Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, sân vận động... đã được bàn giao nguyên trạng về Tập đoàn FLC.

Bầu Đệ, ông chủ của Xi măng Công Thanh và hàng loạt dự án bệnh viện, khu sinh thái ở xứ Thanh đã chính thức chia tay bóng đá, để lại sự nuối tiếc khôn nguôi của cổ động viên. Công ty Cổ phần Bóng đá FLC Thanh Hóa được thành lập vào ngày 7/9/2015 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập là Tập đoàn FLC (sở hữu 80% vốn điều lệ), ông Doãn Văn Phương (10%) và ông Lê Thành Vinh (10%). Ông Doãn Văn Phương, một trong những người sáng lập FLC giữ chức Chủ tịch hội HĐQT kiêm giám đốc điều hành.

Là ông chủ CLB Thanh Hóa nhưng ông Doãn Văn Phương được người ta biết đến nhiều hơn với tư cách phu quân của Hoa hậu Bản sắc Việt 2016 - Thu Ngân, chênh lệch 19 tuổi, hơn là ông bầu bóng đá. FLC lựa chọn hướng đi giống B.Bình Dương trước đây, không tiếc tiền mua HLV và cầu thủ để nhanh chóng có cúp vàng. Sau khi B.Bình Dương thay đổi chiến lược làm bóng đá thì FLC Thanh Hóa chính là “Chelsea Việt Nam”.

Nguồn tài chính dồi dào giúp đội bóng xứ Thanh có được Vũ Minh Tuấn, Đinh Tiến Thành, Văn Bình, Đình Đồng, Hoàng Thịnh, Trọng Hoàng, HLV Petrovic…Đã có lúc FLC Thanh Hóa ra sân gồm các tuyển thủ quốc gia và cựu tuyển thủ, hệt “đội tuyển Việt Nam” thu nhỏ. Mùa giải năm ngoái, thậm chí FLC Thanh Hóa “khủng hoảng thừa thủ môn” khi trong tay có cả Thanh Thắng, Bửu Ngọc, Tiến Dũng. Không còn cách nào khác, HLV Đức Thắng đành xoay tua thủ môn và khi cần ổn định thì thủ môn Tiến Dũng đã “biếu không” chiếc Cúp Quốc gia cho B.Bình Dương bằng 2 sai sót kiểu thủ môn nghiệp dư.

Nỗi niềm xứ Thanh

Việc đẩy Quốc Phương, cầu thủ do Thanh Hóa đào tạo đi và đem về Minh Tuấn từ Quảng Ninh thi đấu nhạt nhòa cũng khiến nhiều cổ động viên không vui,.... 3 năm qua, dù đầu tư khá nhiều tiền nhưng FLC Thanh Hóa chỉ giành được 2 danh hiệu Á quân V.League và lọt đến chung kết Cúp Quốc gia năm vừa rồi. FLC Thanh Hóa thường hụt hơi vào các thời điểm quyết định khiến nhà tài trợ và cổ động viên thất vọng.

Cục thuế Thanh Hóa phát đi thông báo về khoản nợ thuế của , CTCP Bóng đá FLC Thanh Hóa. Ảnh: Internet
Cục Thuế Thanh Hóa phát đi thông báo về khoản nợ thuế của CTCP Bóng đá FLC Thanh Hóa. Ảnh: Internet

Việc FLC “chịu chơi” đầu tư vào Thanh Hóa là có thật, thậm chí có người còn khẳng định con số họ ném vào sân chơi này không dưới 200 tỷ đồng. Nhưng cái cách mà họ làm bóng đá lại không giống các nhà đầu tư chuyên nghiệp, không mặn mà với đào tạo trẻ, lựa quân rồi mới chọn tướng…khiến không ít cổ động viên xứ Thanh hoài nghi.

Thực ra trước đó ngày 28/12/2016, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC  đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-HĐQT, thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Bóng đá FLC Thanh Hóa. Sau thoái vốn, CTCP Bóng đá FLC Thanh Hóa sẽ không còn là công ty con và cũng không còn là công ty liên kết của Tập đoàn FLC.

Tất nhiên khi đó, FLC cũng sẽ không phải hợp nhất kết quả kinh doanh từ công ty bóng đá này vào hoạt động của tập đoàn và câu chuyện “FLC dừng đầu tư bóng đá” đang được đồn thổi chỉ có ý nghĩa tương đối.

14 năm sau ngày thành lập, FLC mới tiến quân vào lĩnh vực bóng đá và Thanh Hóa là nơi được ông chủ Trịnh Văn Quyết lựa chọn bởi đây chính là nơi ông sinh ra và lớn lên. Nhưng mối lương duyên này có kéo dài hay không, phải vài ngày tới ông chủ FLC Thanh Hóa mới có thông báo chính thức và cổ động viên xứ Thanh vẫn không còn cách nào khác ngoài sự chờ đợi!

Sau 18 năm gắn mác “bóng đá chuyên nghiệp” thì “câu chuyện FLC” không phải chỉ riêng xứ Thanh, hàng loạt CLB sau mỗi mùa bóng lại ngóng về các ông bầu, chờ động tĩnh!

Tin mới