Tập huấn chuyên sâu về các quy định mới trong xử phạt vi phạm hành chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chiều 22/7, Sở Tư pháp tổ chức tập huấn chuyên sâu về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ.

Bà Tạ Thị Tài - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp phổ biến các nội dung tập huấn. Tham dự có đại diện lãnh đạo, công chức làm công tác pháp chế tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh; báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh. Cấp huyện có lãnh đạo, công chức các phòng Tư pháp, phòng Thanh tra, Chi cục Thi hành án dân sự.

Những khó khăn vướng mắc của nghị định cũ

Những vướng mắc, bất cập của nghị định cũ trong thực tiễn là cơ sở để sửa đổi, bổ sung bằng nghị định mới. Cụ thể, về quy định hành vi vi phạm, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP còn có một số nội dung cách hiểu, cách áp dụng chưa thống nhất, hoặc chưa được đồng thuận, gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm hành chính.

Ngày 15/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2000/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. (Có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2020).

Nghị định này thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 (Nghị định số 110/2013/NĐ-CP) và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐCP (Nghị định số 67/2015/NĐ-CP).

Quy định pháp luật về một số lĩnh vực như bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình chưa rõ ràng, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực được thanh tra như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thi hành án dân sự chưa có chế tài xử phạt.

Về quy định mức phạt tiền trong các lĩnh vực, mức phạt đối với một số hành vi vi phạm tại Nghị định số 110/2013/NĐCP, Nghị định số 67/2015/NĐ-CP chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, chưa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và chưa đủ tính răn đe đối với các hành vi vi phạm. Từ đó, dẫn đến tình trạng tuy không phổ biến nhưng một số cá nhân, tổ chức có tâm lý chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính vẫn có lợi hơn so với phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về lĩnh vực đó.

Hoặc có một số hành vi vi phạm có tính chất, mức độ giống nhau, nhưng lại quy định mức tiền phạt khác nhau là chưa phù hợp. Do đó, cần sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong các lĩnh vực như luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, chứng thực, hộ tịch, quốc tịch, thi hành án dân sự.

Về hình thức xử phạt bổ sung, căn cứ theo báo cáo của các địa phương, hình thức xử phạt thường xuyên được áp dụng là hình thức cảnh cáo và phạt tiền, trong đó, hình thức phạt tiền được áp dụng nhiều hơn, tuy nhiên, do mức phạt tiền còn thấp nên việc xử phạt tiền chưa mang tính răn đe cao.

Bà Tạ Thị Tài - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp phổ biến các nội dung tập huấn. Ảnh: HT

Bà Tạ Thị Tài - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp phổ biến các nội dung tập huấn. Ảnh: HT

Một bất cập nữa là việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong thực tiễn trong thời gian qua được áp dụng không nhiều, chủ yếu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hộ tịch. Nguyên nhân, do hành vi vi phạm phát hiện ít có hành vi vi phạm quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Mặt khác, quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả còn bất cập dẫn đến việc thi hành còn khó khăn.

Những điểm mới cơ bản

Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 gồm 9 Chương 91 điều, có các điểm mới cơ bản yêu cầu các đại biểu tham gia hội nghị tập huấn cần nắm rõ để áp dụng vào thực tiễn công tác. Cụ thể: Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định có các quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hòa giải thương mại, thừa phát lại; bồi thường nhà nước.

Mặc dù tại Điều 1 phạm vi của Nghị định vẫn quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong 05 lĩnh vực, gồm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự và phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, tuy nhiên, trong từng lĩnh vực cụ thể, Nghị định có bổ sung thêm một số hoạt động so với các nghị định cũ. Cụ thể, trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp bổ sung thêm hoạt động hòa giải thương mại, thừa phát lại, trong lĩnh vực hành chính tư pháp bổ sung thêm hoạt động bồi thường nhà nước.

Điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hòa giải thương mại (Mục 7 Chương II, từ Điều 28 đến Điều 30) quy định hành vi vi phạm quy định về việc thành lập, đăng ký hoạt động trung tâm hòa giải thương mại, chi nhánh trung tâm hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự tập huấn. Ảnh: HT

Các đại biểu tham dự tập huấn. Ảnh: HT

Ngoài ra, Nghị định 82 cũng có những điểm mới trong quy định về đối tượng xử phạt; hình thức xử phạt hành chính và hình thức xử phạt bổ sung; biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền lập biên bản; thẩm quyền xử phạt…

Điều khoản thi hành

Các điều khoản thi hành được quy định tại Chương 9 của Nghị định, bao gồm các điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.

Cụ thể, về điều khoản chuyển tiếp, Nghị định 82 quy định đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực và sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm để xử lý. Trường hợp Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi đã xảy ra thì áp dụng các quy định của Nghị định này để xử lý.

Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành, hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ.

Tin mới