Tập trung nguồn lực nâng cấp hạ tầng đảm bảo phòng, chống thiên tai

(Baonghean.vn) - Trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để có thể ứng phó, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Lễ hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN quản lý thiên tai được tổ chức trang trọng vào sáng 13/10/2021 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì buổi lễ. Buổi lễ còn có sự hiện diện của các tổ chức Liên hiệp quốc; Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID; Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA; Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam...
Phía Nghệ An, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự và chủ trì, cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan. 
Năm 2020, thiên tai trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, dị thường với tổng số gần 500 đợt thiên tai lớn, trên diện rộng ở quy mô quốc gia và khu vực; số lượng cơn bão trên khu vực Đại Tây Dương trong năm vượt mức kỷ lục với 30 cơn bão (13 cơn đạt trạng thái cuồng phong), trong đó nghiêm trọng nhất là siêu bão Eta đổ bộ vào Trung Mỹ vào đầu tháng 11; mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia...
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - UVBTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi lễ tại đầu cầu Nghệ An. Ảnh: Tiến Đông
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại đầu cầu Nghệ An. Ảnh: Tiến Đông

Ở trong nước, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, vượt mức lịch sử trên khắp các vùng miền. Cả nước đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long…

Đặc biệt, chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2020, mưa lũ lớn lịch sử xảy ra tại 7 tỉnh ven biển Miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Ngãi với tổng lượng mưa phổ biến từ 1.000 - 2.500mm.

Do mưa đặc biệt lớn kéo dài ngày kết hợp với địa hình đồi, núi dốc đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét ở nhiều nơi. Nghiêm trọng nhất tại công trình Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; xã Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My và xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, cán bộ, chiến sỹ và phá hủy nghiêm trọng nhiều cơ sở hạ tầng. 

Các cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân trong vụ sạt lở núi tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế). Ảnh: Tư liệu BNA
Các cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân trong vụ sạt lở núi tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế). Ảnh: Tư liệu BNA

Tại Nghệ An, năm 2020 là một năm thiên tai diễn biến rất phức tạp, đã xảy ra 11 đợt nắng nóng, hạn hán; 30 đợt giông, lốc, sét, mưa đá. Mùa mưa bão năm 2020 đã xảy ra 3 đợt thiên tai lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 5 (từ 17-19/9); mưa lớn, ngập lụt từ ngày 15 đến ngày 20/10 và hoàn lưu bão số 9 từ 28-31/10. Thiên tai cũng đã làm chết 17 người; bị thương 13 người; 54 nhà bị sập; 3314 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 1.506 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; nhà bị ngập 19.865 nhà; số hộ dân phải di dời do ngập lụt và ảnh hưởng của sạt lở đất 8.326 hộ/62.444 người dân. Gây ra nhiều thiệt hại lớn về sản xuất nông lâm nghiệp và công trình hạ tầng, với tổng thiệt hại khoảng 1.327,019 tỷ đồng.

Tại Nghệ An năm 2020
Tại Nghệ An năm 2020 thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ước tính tổng thiệt hại khoảng 1.327,019 tỷ đồng. Ảnh: Tư liệu BNA

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng BCĐ Quốc gia về phòng, chống thiên tai nhấn mạnh, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mùa mưa bão đã đến, vì thế yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các địa phương tập trung nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng đảm bảo ứng phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai.

Các địa phương thường xuyên hứng chịu thiên tai cần phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để sẵn sàng ứng phó, nhằm giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra. Thay mặt BCĐ Quốc gia về phòng chống thiên tai, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng cam kết thực hiện đầy đủ các điều ước đã ký kết trong phòng, chống thiên tai, hỗ trợ tuyệt đối các tổ chức quốc tế trong hỗ trợ, cứu trợ Việt Nam khi thiên tai xảy ra.

Buổi lễ được trực tiếp từ Hà Nội. Ảnh: Tiến Đông
Buổi lễ được trực tiếp từ Hà Nội. Ảnh: Tiến Đông 

Tại buổi lễ này, Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng đã vinh dự đón nhận Huân Chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch Nước trao tặng. Chủ tịch nước cũng tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tiến sĩ Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban BCĐ Quốc gia về phòng, chống thiên tai. 

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã trao tặng Bằng khen cho 14 tập thể, cá nhân đã có thành tích trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả của thiên tai. 

Tin mới