Tàu bị lật úp ở Nghệ An từng chìm ngoài biển Trường Sa

(Baonghean.vn) - Trước đây, tàu VTB 26 đã bị chìm tại vùng biển Trường Sa, chủ tàu phải thuê trục vớt tốn hơn 20 tỷ đồng.

Chiều 21/7, chỉ còn 14 phương tiện tham gia tìm kiếm thuyền viên mất tích của tàu VTB 26. Khu vực tìm kiếm được khoanh vùng từ vùng biển phía nam cảng Lạch Quèn đến bắc Cửa Sót (Hà Tĩnh). Sau 5 ngày cứu hộ, hiện vẫn còn 2 người mất tích gồm Nguyễn Văn Chiêu - sỹ quan boong và Nguyễn Hải Quyết - thủy thủ OS, cùng quê Hải Phòng.

Tàu cứu hộ đang tìm kiếm ở gần Đảo Ngư. Ảnh. T.H
Tàu cứu hộ đang tìm kiếm ở gần Đảo Ngư. Ảnh: T.H

Về phương án trục vớt, ông Vương Đình Minh, Giám đốc Cảng vụ Nghệ An, cho hay sẽ mất thêm nhiều thời gian và quy trình. Trước tiên, phải chờ chủ tàu và công ty bảo hiểm thống nhất số tiền bồi thường. Thống nhất xong, chủ tàu và bên bảo hiểm sẽ tìm và ký hợp đồng với một nhà thầu có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trục vớt tàu. Sau đó, các bên sẽ lên phương án trục vớt, trình qua cơ quan chức năng phê duyệt rồi mới được tiến hành. Phương án trục vớt phải đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến môi trường. Cảng vụ Hàng hải Nghệ An có trách nhiệm giám sát việc trục vớt.

Tàu VTB 26 thuộc sở hữu của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam, hiện đang cho một đơn vị tư nhân tại An Hải, Hải Phòng thuê lại. Đại tá Trần Hải Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Nghệ An, cho hay con tàu này đã từng bị chìm một lần. “Chủ tàu kể rằng, trước đây nó từng bị chìm ở vùng biển Trường Sa. Sau đó họ phải thuê phương tiện trục vớt, rồi kéo về bờ để tu sửa lại, tốn kém hơn 20 tỷ đồng”, đại tá Bình nói.

Con tàu VTB 26 từng bị chìm ở Trường Sa. Ảnh. PV.
Để trục vớt tàu, chủ tàu và các bên liên quan sẽ phải có phương án đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng môi trường. Ảnh: PV.

Trước đó, khoảng 2h ngày 17/7, tàu VTB 26 đang chở 4.700 tấn than phát tín hiệu cấp cứu khi neo đậu tránh bão tại Đảo Ngư. Con tàu sau đó lật úp, nhiều thuyền viên rơi xuống biển. Trong ngày đầu tiên cứu hộ, 7 thuyền viên đã được cứu sống cùng 2 thi thể khác. 4 người còn lại mất tích. Vị trí tàu chìm cách bờ khoảng hơn 3 hải lý, cách Đảo Ngư chừng 800m. Khu vực này có độ sâu khoảng 10m.

Khoảng 600 người gồm nhiều lực lượng cùng tham gia cứu hộ trong 5 ngày qua. Sau khi tàu bị chìm, mặc dù lực lượng cứu hộ nhận định một số người vẫn còn mắc kẹt trong tàu, nhưng không thể huy động thợ lặn tìm kiếm bởi lúc này sóng to. Nước tại khu vực này đục ngầu, che khuất tầm nhìn. Đến ngày thứ 3 tìm kiếm, khi đội thợ lặn vào cuộc, một thi thể bị kẹt trong cabin tầng 2 được tìm thấy. Một ngày sau lực lượng này phát hiện thêm một thi thể nữa bị bùn vùi lấp trong khoang tầng 2.

Do một số hầm, khoang còn lại bị bùn và than vùi lấp, nước đục ngầu, thợ lặn không thể tiếp cận được nữa. Lực lượng cứu hộ đã quyết định dừng tìm kiếm bằng thợ lặn.

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới