Tàu cứu nạn biên phòng đang đưa phi công SU 30 Nguyễn Hữu Cường vào bờ

(Baonghean.vn)- Tàu cứu hộ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã tiếp cận với tàu cá của anh Phạm Văn Lệ - người cứu sống  phi công tiêm kích SU30 và đang trên đường đưa vào bờ.

Vị trí phát hiện phi công Nguyễn Hữu Cường.
Vị trí phát hiện phi công Nguyễn Hữu Cường.

Đến 10h25 phút, tàu biên phòng Nghệ An đã tiếp cận được tàu cá cứu sống phi công Nguyễn Hữu Cường. Thiếu tá Cường đã được chuyển tiếp sang tàu biên phòng. Nguồn tin cho biết, sức khỏe phi công Nguyễn Hữu Cường khá ổn định. Tàu biên phòng đang di chuyển về bờ.

Trước đó, sáng sớm, tàu biên phòng  đã xuất phát từ Cảng hải đội 2, Biên phòng Nghệ An, mang theo thuốc men, cán bộ quân y ra biển, tiếp cận tàu cá đã cứu sống phi công tiêm kích SU30  Nguyễn Hữu Cường. 

Tàu biên phòng Nghệ An đang trên đường ra tiếp cận phi công tiêm kích Nguyễn Hữu Cường.
Tàu biên phòng Nghệ An đang trên đường ra tiếp cận phi công tiêm kích Nguyễn Hữu Cường.

Tàu có số hiệu BP 06-12-01, thuộc biên chế Bộ đội biên phòng Nghệ An.

Máy bay trực thăng được huy động để tìm kiếm.
Máy bay trực thăng được huy động để tìm kiếm.

Vùng biển hiện phi công Nguyễn Hữu Cường được cứu sống thuộc tỉnh Thanh Hóa, cách đảo Mắt  khoảng 28 hải lý.

Sáng 14/6, một chiếc Su-30MK2 của Không quân Việt Nam gặp sự cố trên vùng biển Nghệ An. Các lực lượng chức năng đang được huy động để tìm kiếm. Chiếc máy bay mất tích có Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 923 Trần Quang Khải (43 tuổi) và Phó phi đội trưởng Phi đội bay Su-30 Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi). Cả hai đều là những phi công dày dạn kinh nghiệm của Trung đoàn không quân 923.

Sáng 15/6, phi công Nguyễn Hữu Cường đã được một tàu cá phát hiện, cứu sống. 

Phi công lái tiêm kích Su-30 thuộc Trung đoàn không quân 923 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không Không quân). Đoàn 923 (Đoàn Yên Thế) được thành lập ngày 4/8/1965, là trung đoàn không quân tiêm kích thứ hai của Không quân Nhân dân Việt Nam, ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Máy bay Su-30 do Nga sản xuất, được đánh giá có nhiều ưu thế hơn các dòng máy bay tiêm kích chủ lực thế hệ 4 của Mỹ. Việt Nam đã thực hiện 3 hợp đồng mua máy bay chiến đấu đa năng Su-30 MK2, loại hiện đại nhất của dòng máy bay chiến đấu Su-30, với số lượng 32 chiếc.

Đặc điểm của Su-30MK2 là làm nhiệm vụ tập kích đường không để chế áp và làm tê liệt hệ thống chỉ huy, kiểm soát thông tin tình báo. Su-30MK2 có thể ngăn chặn lực lượng tiếp viện chiến đấu của đối phương hoặc tập hợp lực lượng phản công.

PV-CTV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới