Tàu sân bay Mỹ “kiệt sức” vì tàu Nga đeo bám?

Theo trang Politexpert, siêu hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford của Mỹ bất ngờ chết máy sau khi bị tàu do thám Nga lì lợm đeo bám.

Thông tin này được Politexpert dẫn nguồn tin chính thức từ Hải quân Mỹ cho biết, USS Gerald R. Ford - tàu sân bay đắt đỏ nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ đã gặp trục trặc ở hệ thống bánh lái trong lúc bị tàu do thám Nga đeo bám ở khu vực Bờ Đông Mỹ.

Vụ việc này xảy ra từ hồi tháng 1/2018. Thời điểm đó, hàng không mẫu hạm CVN-78 đang trên hành trình thử nghiệm trên biển các hệ thống mới trước khi trở lại xưởng tàu của hải quân Mỹ ở Norfolk, bang Virginia.

Tàu sân bay Mỹ “kiệt sức” vì tàu Nga đeo bám? ảnh 1
Hải quân Mỹ thử nghiệm tàu sân bay USS Gerald R. Ford.

Trang Politexpert cho biết thêm, tại thời điểm xảy ra sự cố với tàu sân bay CVN-78, khu trục hạm USS Cole có nhiệm vụ theo dõi tàu do thám Nga Viktor Leonov, đã buộc phải can thiệp khi con tàu Nga tiếp cận ở khoảng cách không an toàn tàu Ford.

Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Cole đã đi vào vùng nước giữa tàu sân bay Gerald R. Ford và tàu Nga, trong lúc thủy thủ trên chiếc tàu này đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống tên lửa để khai hỏa.

Mặc dù vậy, Hải quân Mỹ khẳng định sự cố chết máy của tàu sân bay USS Gerald R. Ford không liên quan gì đến việc bị tàu do thám Nga đeo bám.

Cùng với thông tin được Politexpert đăng tải, tạp chí Business Insider cũng cho rằng, việc tàu sân bay đắt đỏ này chết máy không phải là chuyện quá bất ngờ bởi ngay từ khi bắt đầu quá trình chạy thử, USS Gerald R. Ford vẫn tồn tại hàng loạt sự cố.

Theo chuyên gia quân sự Mỹ là Roger Thompson của Business Insider, việc cho tàu USS Gerald R. Ford thử nghiệm vào lúc này là hành động khá vội vàng. "Tôi không cường điệu khi nói rằng một nửa hệ thống trên đó không hoạt động. Các phi công của họ có một lịch sử trường kỳ không đủ tiêu chuẩn trong diễn tập chiến đấu.

Ví dụ, cuốn sách của tôi ghi lại nhiều thất bại (của họ) trong các trận không chiến mô phỏng trước các phi công của Israel, Anh, Canada và Australia. Đó là một đống rác lớn", chuyên gia Roger Thompson nhấn mạnh.

Trong cuốn sách của mình, ông Thompson bình luận chiếc tàu sân bay mới là "một thứ của quá khứ" và "di tích của Thế chiến 2", đồng thời kêu gọi Lầu Năm Góc tập trung vào những con tàu phù hợp hơn cho các cuộc chiến tranh hiện đại.

"Không có cường quốc nào trên thế giới vận hành nhiều tàu sân bay như vậy nữa. Người Nhật không vận hành các tàu sân bay nữa. Nhiều nước từng vận hành nhiều tàu sân bay như Canada và Australia cuối cùng cũng từ bỏ chúng vì chúng không đáng đồng tiền bỏ ra", ông nói.

Cuối cùng, vị chuyên gia này nhấn mạnh rằng, việc Mỹ chi hơn 13 tỷ USD để đóng 1 chiếc tàu như USS Gerald R. Ford là một sai lầm không thể sửa chữa.

Tin mới