Tàu tên lửa tàng hình lỡ hẹn với Hải quân Việt Nam

Trong quá khứ, trước khi đóng mới hàng loạt tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8, Việt Nam được cho là có ý định chế tạo lớp Catran Dự án 20970.

Giai đoạn đầu những năm 2000, lực lượng tàu tên lửa tấn công nhanh của Hải quân nhân dân Việt Nam chỉ có 8 chiếc Osa lượng giãn nước 235 tấn cùng một vài chiếc Tarantul 480 tấn vừa tiếp nhận.

Những tàu tấn công nhanh này sử dụng tên lửa P-15 Termit có tốc độ chậm, tầm bắn ngắn, khả năng vận động linh hoạt không cao, cơ số đạn cho 1 tàu ít, rất dễ bị đối phương đánh chặn từ xa khi tác chiến.

Bên cạnh đó, lớp Osa và Tarantul còn bị đánh giá có thiết kế lạc hậu, không có khả năng tán xạ sóng radar để tiếp cận chiến hạm đối phương trong cự ly gần hơn để phóng tên lửa và rút lui một cách an toàn.

Tàu tên lửa tàng hình lỡ hẹn với Hải quân Việt Nam ảnh 2
Mô hình tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Catran - Dự án 20970

Trong tình cảnh đó, song song với chương trình thuê Viện thiết kế phương Bắc của Nga thiết kế tàu tấn công nhanh BPS-500 và khinh hạm KBO-2000, hay đánh giá lớp Molniya 1241.8 thì Việt Nam còn bày tỏ sự quan tâm tới chiến hạm lớp Catran - Dự án 20970.

Tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Catran - Dự án 20970 là sản phẩm của Viện thiết kế Almaz. Nhà sản xuất đưa ra sẵn 2 cấu hình cho khách hàng lựa chọn.

Tùy theo thiết kế cụ thể mà con tàu có lượng giãn nước 280 - 290 tấn, tốc độ tối đa 35 - 42 hải lý/h.

Vũ khí trang bị gồm 1 pháo hạm cỡ 57 mm hoặc 1 pháo 30 mm 6 nòng AK-306, 4 - 8 ống phóng tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 Uran-E, hỏa lực phòng không có thể là 1 hệ thống pháo-tên lửa phòng thủ Kashtan hoặc 8 tên lửa vác vai Igla.

Tàu tên lửa tàng hình lỡ hẹn với Hải quân Việt Nam ảnh 3
Một cấu hình khác của tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Catran - Dự án 20970

Sau khi được phía Nga giới thiệu, có thông tin phía Nga cho rằng Việt Nam rất quan tâm và mong muốn được tự chế tạo lớp tàu tên lửa tấn công nhanh cỡ nhỏ có tính năng tàng hình cao này để tạo ra xương sống cho lực lượng phòng thủ.

Tuy nhiên sau đó chúng ta đã thiên về phương án chọn lớp Molniya 1241.8, có thể là do lớp Catran có lượng giãn nước quá nhỏ, dự trữ hành trình thấp, không đủ khả năng vươn xa hoạt động tới các đảo.

Bên cạnh đó, cũng có khả năng là rút kinh nghiệm từ Dự án BPS-500 đã khiến Việt Nam chỉ lựa chọn những vũ khí, khí tài đã chứng minh hiệu quả qua thời gian dài hoạt động, bởi vậy lớp Catran - Dự án 20970 đã bị bỏ qua vì nó là thiết kế mới, không sánh bằng Molniya 1241.8 trên mọi thông số kỹ chiến thuật lẫn độ tin cậy.

Tin mới