Tay bắt mặt mừng lần 3: Thiện chí thực sự của Trump - Kim ?

(Baonghean.vn) - Tổng thống Trump hôm nay (30/06) đã khiến cả thế giới chú ý khi ông trở thành vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm lần đầu tiên đặt chân lên đất Triều Tiên và bắt tay với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Những bất ngờ mà hai nhà bên liên tục tạo ra thời gian qua có phải là những tín hiệu thiện chí thực chất của cả hai bên?
Cái bắt tay lịch sử lần 3 của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Nguồn: AP)
Cái bắt tay lịch sử lần 3 của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP
Khiến cả thế giới bất ngờ

Có lẽ chưa có vị Tổng thống Mỹ nào luôn làm dư luận phải đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác như ông Donald Trump. Ngay trước khi sự kiện lịch sử lần này diễn ra, dư luận đã rất tò mò về dòng tweet của Tổng thống Mỹ rằng sẽ gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngay trong chuyến thăm Hàn Quốc và ngay tại khu DMZ. Dù quan tâm nhưng đa phần ý kiến đánh giá khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3 ngay tại khu phi quân sự DMZ là rất khó khả thi vì hàng loạt lý do. Có thể kể đến như vấn đề an ninh, việc hai bên chưa chuẩn bị kỹ càng hay một cuộc gặp vội vàng sẽ không mang lại lợi ích gì...

Cho đến trước cuộc gặp ít phút, CNN còn tỏ ra nghi ngờ khi đặt câu hỏi: “Liệu ông Kim đang ở đâu?” bởi trong khi Tổng thống Trump dù đã có mặt tại khu DMZ cả giờ đồng hồ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự xuất hiện của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Thế nhưng chỉ vài phút sau đó, trang nhất hầu hết các trang báo, hãng tin lớn đã tràn ngập hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tươi cười rạng rỡ và trao nhau cái bắt tay lịch sử ngay tại Khu phi quân sự DMZ chia cắt hai miền Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có bước chân lịch sử đầu tiên sang đất Triều Tiên tại Khu phi quân sự DMZ (Nguồn: AFP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump có bước chân lịch sử đầu tiên sang đất Triều Tiên tại Khu phi quân sự DMZ. Ảnh: AFP
Ông Trump còn khoan thai bước khoảng 20 bước sang phía lãnh thổ Triều Tiên như một hình ảnh biểu tượng phá vỡ thế đối địch Mỹ - Triều từ trước tới nay. Không chỉ bắt tay và nói lời chào hỏi xã giao như dự kiến, hai nhà lãnh đạo còn nhanh chóng tiến hành cuộc hội đàm riêng tại Nhà Tự do với những lời có cánh dành cho nhau.

Nếu như ông Trump bày tỏ sự vinh dự khi bước qua ranh giới liên Triều, ca ngợi tình bạn tuyệt với ông Kim Jong-un thì Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng bày tỏ niềm vui sướng và không nghĩ rằng có thể gặp lại Tổng thống Mỹ ở một địa điểm không ngờ tới như thế này. Mọi việc từ ý tưởng đến thông báo, chuẩn bị và diễn ra chỉ gói gọn trong vòng khoảng 24 giờ đồng hồ.

“Tôi sẽ mời ông ấy đến Nhà Trắng. Rất nhiều điều thực sự tích cực đang diễn ra, thực sự tích cực!. Lời phát biểu này của Tổng thống Donald Trump có lẽ đã khiến dư luận thở phào. Bởi từ sau Hội nghị thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội chưa ra được tuyên bố chung cho đến nay, chưa có bất kỳ dấu hiệu khởi sắc nào trong đàm phán giữa hai bên.

Thậm chí, phía Triều Tiên còn có phần mất kiên nhẫn do phía Mỹ vẫn chưa có tín hiệu nhượng bộ dù sẵn sàng đối thoại. Trong phát biểu của mình, ông Trump còn nhắc lại và nhấn mạnh rằng, nếu ông không đắc cử Tổng thống, có lẽ tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay đã tồi tệ hơn rất nhiều, có thể đối diện tình thế nguy hiểm. Vì thế, những gì mà ông và Nhà lãnh đạo Triều Tiên đang xúc tiến là vì rất nhiều người!

Trump - Kim tính toán gì?

Có vẻ dư luận đã lạc quan phần nào, bởi cả ông Donald Trump và ông Kim Jong-un đều khẳng định về một mối quan hệ cá nhân, một tình bạn tốt đẹp giữa hai bên. Đây có thể sẽ là nền tảng tốt để hai bên xúc tiến các bước đi tiếp theo. Biểu hiện là phát biểu với báo chí ngay sau cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Trump cho biết sẽ cử phái đoàn để nối lại đàm phán giữa hai bên vốn đang bế tắc. Các kế hoạch chi tiết sẽ được thực hiện trong khoảng 2-3 tuần tới.

Xúc tiến hàng loạt động thái tích cực này, lẽ dĩ nhiên, Tổng thống Trump sẽ đạt được không ít mục tiêu vào thời điểm này. Trước hết, ông đã thể hiện rất tốt và lấy điểm của cử tri khi trở thành nhân vật quan trọng, có thể gặp, bắt tay với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất cứ lúc nào và ở đâu. Điều này chưa từng Tổng thống Mỹ nào có thể làm được từ trước tới nay. Dễ thấy, đây cũng sẽ là di sản quá ấn tượng mà ông Trump sẽ ghi lại trong lịch sử nước Mỹ, dù ông có tiếp tục hay không đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo.

Thứ hai, việc gặp gỡ, bắt tay và cả hội đàm với Nhà lãnh đạo Triều Tiên ngay tại Khu phi quân sự cũng đã trở thành biểu tượng quan trọng trong tiến trình thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thực tế đúng như lời ông Trump đã phát biểu, trong hơn 2 năm ông lên nắm quyền, hai bên đã duy trì được bầu không khí không có chiến tranh. Dù chưa thể tiến tới những điều khoản rất chi tiết và cụ thể thì những kết quả cho đến thời điểm này cũng đã là đáng ghi nhận. Hơn nữa, ý tưởng gặp gỡ Mỹ - Triều bất ngờ lần này rất có thể cũng bắt nguồn từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa diễn ra bên lề Hội nghị G20 tại Nhật Bản. Thử nghĩ, chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà ông Trump lại có quyết định đình chiến thương mại tạm thời với Bắc Kinh vào thời điểm hiện nay!

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm dài 50 phút và nhất trí khởi động lại tiến trình đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên (Nguồn: New York Times)
Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm dài 50 phút và nhất trí khởi động lại tiến trình đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ảnh: New York Times
Trong khi đó về phía Triều Tiên, khát khao đẩy nhanh đàm phán, được dỡ bỏ trừng phạt và phát triển kinh tế có lẽ vẫn là động lực lớn nhất để ông Kim Jong-un ngay lập tức đáp lại lời mời gặp vốn chỉ trên Twitter của Tổng thống Mỹ. Chẳng còn câu nệ về hình thức ngoại giao, một cuộc gặp phá vỡ mọi nguyên tắc truyền thống có khi lại là một cánh cửa mở rộng cho đàm phán phi hạt nhân hóa! Đó là chưa kể, đồng ý gặp ông Donald Trump cũng là thông điệp Bình Nhưỡng muốn gửi tới Bắc Kinh rằng, Triều Tiên đang có những tiến triển ngoại giao tốt đẹp với Washington.

Thế nhưng trở lại tuyên bố của Tổng thống Trump sau cuộc hội đàm phán, dù khẳng định sẽ nối lại đàm phán nhưng ông cho biết sẽ không vội vàng để đạt được thỏa thuận với Triều Tiên. Qua tuyên bố này, có lẽ dư luận cũng hiểu rằng, với phía Mỹ, cuộc gặp bất ngờ lần 3 là cần thiết nhưng đó chưa thể là hồi kết! Chỉ có lạc quan hơn 1 chút là hai bên có lẽ sẽ chọn lựa những gói đàm phán, nhượng bộ nhỏ hơn để cả hai có thể chấp nhận được trong giai đoạn tới đây. Và rằng, bất chấp thiện chí có thực sự hay không của hai nhà lãnh đạo Trump - Kim, cho đến khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra êm xuôi vào năm tới, thì đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều vẫn sẽ còn giằng dai chưa dứt!./.

Tin mới