Tết này, bản ta có điện

Theo Quyết định số 2095/QĐ-BCT ngày 1/9/2021 của Bộ Công Thương, Khe Nà, Khe Bu, Khe Nóng là 3 bản thuộc xã biên giới Châu Khê, huyện Con Cuông có tên trong 49 thôn, bản, cụm dân cư trên địa bàn 26 xã, 7 huyện của tỉnh sẽ được đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia.

Cùng cán bộ Điện lực Con Cuông khảo sát những vị trí sẽ xây lắp tuyến đường dây đưa điện lưới Quốc gia vào cho những bản Khe Nà, Khe Bu, thấy rõ những khó khăn. Bởi nơi đây đã gần sát vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, chỉ cách biên giới Việt – Lào chừng 15km. Từ trụ sở xã Châu Khê đi xe máy trên cung đường chập chùng núi, thẳm xanh rừng này mất đến hơn 1 giờ đồng hồ.

Trạm biến áp bản Diềm (xã Châu Khê), nơi sẽ đấu nối tuyến đường dây đưa điện lưới Quốc gia về các bản Khe Nà, Khe Bu, Khe Nóng.
Trạm biến áp bản Diềm (xã Châu Khê), nơi sẽ đấu nối tuyến đường dây đưa điện lưới Quốc gia về các bản Khe Nà, Khe Bu, Khe Nóng.

Bản Khe Nà là nơi sinh sống 93 hộ dân đồng bào Thái. Để có ánh sáng về đêm, người dân trong bản phải mua cù (một loại máy phát điện mi ni bằng sức nước) đem lắp dọc khe suối. Dịp này, do ảnh hưởng của các cơn bão số 7 và số 8, vùng Khe Nà thường mưa, nước suối Choăng dâng cao. Sợ nước lũ cuốn trôi nên người dân phải xuống khe, suối kéo cù về. Như ông Lô Văn Thìn (57 tuổi) ở bản Khe Nà nâng chiếc cù dài 1,5m, nặng đến 30kg lên cười nói: “Mình mua cái cù này hết 2,2 triệu đồng, thêm 300 nghìn tiền dây để đưa được cái điện về. Nhưng điện cù yếu lắm, chỉ dùng được một loại đồ điện. Dùng quạt thì thôi ti vi. Dùng ti vi thì thôi thắp sáng. Chỉ khi nào nước khe chảy mạnh thì mới vừa dùng ti vi vừa thắp thêm một ngọn đèn. Còn nước lớn như những ngày này lại phải tháo cù về chứ không đi tong 2,5 triệu…”.

Bản Khe Bu sát kề bản Khe Nà có hơn 190 hộ dân đồng bào Đan Lai, Khơ mú, Thái cùng sinh sống. Vì nước suối dâng cao nên người dân cũng đã mấy ngày nay không có điện cù sử dụng. Như lời bà Hà Thị Hoa thì “Đã mấy hôm rồi không được xem ti vi. Lại còn phải nhờ các anh Bộ đội Biên phòng xạc giúp cho cái đèn tích điện để bọn trẻ con học bài”.

Bởi sự bất tiện của điện cù, nên khi nói ra việc Nhà nước sẽ đầu tư đưa điện lưới Quốc gia về cho nhân dân sử dụng, thì ai nấy đều phấn khởi. “Đưa được cái điện của Nhà nước về cho dân sử dụng thì còn nói làm chi nữa. Nhân dân chờ đợi đã lâu lắm rồi. Mừng lắm chứ…”, ông Lô Văn Thìn hồ hởi. Còn với bà Hà Thị Hoa, dù rất vui nhưng có chút hồ nghi: “Nói đúng nhé. Nói đúng để dân mừng. Lâu ni ti vi đưa về đang mốc ra đó…”. Nhờ Giám đốc Điện lực Con Cuông, anh Nguyễn Văn Sỹ nói rõ hơn lý do của chuyến đi, đồng thời thông tin ngành Điện sẽ phấn đấu để đến ngày 20/1/2022 đóng điện cho nhân dân sử dụng. Bà Hoa phấn khởi: “Thế thì còn gì bằng. Thế là Tết này có điện thắp sáng nhà rồi…”.

Xốp Cháo là 1 trong 10 bản của huyện 30a Tương Dương sẽ được đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia. Để lên đây, có thể theo 2 tuyến đường. Hoặc theo đường thủy, từ bến thượng lưu đập thủy điện Bản Vẽ; hoặc theo đường bộ, khoảng 12km đường núi. Nhưng theo các cán bộ Điện lực Tương Dương thì phải đi đường thủy. Vì “qua vài năm mưa lũ, đường bộ đã tan nát hết. Đi xe máy chỉ được khoảng phân nửa thì phải đi bộ”.

Bản Xốp Cháo.
Bản Xốp Cháo.

Sáng ngày 14/10, sau 1 giờ đi thuyền, chúng tôi dừng tại bến thuyền của dân bản Cà Moong để xem vị trí sẽ đấu nối đường dây tải điện cho bản Xốp Cháo. Từ đầu bản Cà Moong, thấy tuyến đường bộ dẫn sang bản Xốp Cháo chênh vênh bên núi bên sông. Nhận xét: “Địa hình như thế này thì sẽ vất vả lắm đây…”. Giám đốc Điện lực Tương Dương, anh Nguyễn Văn Bình cười: “Từ trạm biến áp của bản Cà Moong sang đến Xốp Cháo khoảng 2,5km. Nhưng đó mới là điểm đầu. Bản Xốp Cháo có đến 4 cụm dân cư, nhìn từ đây chưa thể hình dung hết được cái khó đâu…”.

Rời Cà Moong đi thuyền thêm 15 phút, chúng tôi sang đến bản Xốp Cháo. Bởi được anh Vi Đức Thoại – Phó Chủ tịch HĐND xã Lượng Minh hẹn trước, Trưởng ban Mặt trận bản Xốp Cháo, anh Lô Trung Thông đã có mặt ở bến thuyền để đón. “Mời các anh lên nhà cộng đồng. Toàn bộ Ban cán sự thôn bản đang chờ đấy”, anh Thông hồ hởi. Theo con đường dốc ngược lên nhà cộng đồng, qua nhiều nhà hộ dân đồng bào Khơ mú, thấy có một số ngôi nhà lá nhỏ mới dựng. Hỏi anh Thông: “Đấy có phải là nhà của những hộ mới tách hay không?”. Anh trả lời: “Là lán của nhân dân mấy cụm bản xa dựng cho con trọ học đấy”. Thăm lán của vợ chồng Hùng Văn Thoang và Lo Thị Huyền, cả hai ban đầu tỏ ra ái ngại khi thấy khách lạ. Khi được anh Lô Trung Thông nói đoàn khách đến “tuyên truyền cho nhân dân biết Tết này sẽ đưa điện về” thì mừng ra mặt. “Gia đình em ở bên cụm bản Pùng Meo, có con là Hùng Thị Hùng Ninh học lớp 2, Hùng Nam Phong học lớp 1 ở điểm trường bên này. Vì thế, hai vợ chồng phải sang làm cái lán cho chúng nó ở. Bọn em cũng đang lo đêm hôm không biết sẽ thế nào. Nhà nước cho cái điện thì còn gì bằng nữa. Mừng lắm. Cảm ơn Đảng, Chính phủ đã lo cái điện cho dân nghèo…”, anh Hùng Văn Thoang nói đầy xúc cảm.

Tại nhà cộng đồng Xốp Cháo, ngoài Trưởng ban Mặt trận Lô Trung Thông có thêm Bí thư, Trưởng bản Lô Văn Hưng; Phó bản Lô Văn Danh, Thôn đội trưởng Seo Văn Tuấn, Chi ủy viên Moong Văn Trà. Giữ vai trò chủ trì của buổi gặp gỡ, anh lô Văn Hưng cho biết, Xốp Cháo gồm 4 cụm dân cư, với 110 hộ dân đồng bào Khơ mú. Thời gian qua, Ban cán sự đã được cấp ủy, chính quyền xã Lượng Minh thông tin việc Nhà nước đầu tư, xây dựng hệ thống đường dây cấp điện từ lưới điện Quốc gia để nhân dân sử dụng. Nắm tình hình chung, nhân dân đều rất mừng, rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm. Chỉ có chút băn khoăn là mong quá trình xây lắp đường dây thì không bị ảnh hưởng đến nhà ở, vườn, cây cối…

Nhưng Bí thư, Trưởng bản Lô Văn Hưng trao đổi: “Nhân dân bản Xốp Cháo di dời về đây từ năm 2009. Từ đó đến nay, ở đây vẫn chưa có điện, chưa có sóng điện thoại. Nhân dân khao khát cái điện đã từ lâu. Có thể nói, đưa được điện về, như là đưa được nguồn sáng của Đảng, Nhà nước cho nhân dân vậy. Vì thế, tôi thay mặt cho Ban cán sự thôn bản, xin hứa sau cuộc họp này sẽ tổ chức họp toàn thể nhân dân để tuyên truyền việc tới đây ngành Điện thực hiện xây lắp đường dây đưa điện lưới Quốc gia về, để kêu gọi tất cả nhân dân đồng tình ủng hộ. Để nhân dân hiến đất, hiến vườn, hiến cây cối… xây dựng đường dây. Quyết tâm để Tết năm nay nhân dân được sử dụng điện của Nhà nước…”.

Ngày 1/9/2021, tại Quyết định số 2095/QĐ-BCT, Bộ Công Thương phê duyệt Thiết kế – bản vẽ thi công – dự toán xây dựng công trình Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 -2020, phân kỳ 2021. Theo Quyết định này, sẽ có 49 thôn, bản, cụm dân cư trên địa bàn 26 xã thuộc 7 huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Thanh Chương được xây dựng công trình Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia.

Với dự toán công trình hơn 173,2 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách Trung ương cấp năm 2021 và nguồn vốn của chủ đầu tư (EVNNPC), quy mô xây dựng gồm đường dây trung thế trên không 35kW có tổng chiều dài 106,305km; xây dựng mới 44 trạm biến áp với tổng dung lượng 2.850,5 kVA; xây dựng mới tuyến đường dây hạ áp sau các trạm biến áp với tổng chiều dài tuyến 103,184km; lắp đặt mới 4.043 công tơ. Mỗi hộ gia đình ở các thôn, bản sẽ được lắp đặt thêm 1 bảng điện, một bóng đèn và dây đấu nối từ công tơ về đến hộ gia đình.

Theo các ông Nguyễn Văn Bình – Giám đốc Điện lực Tương Dương, Nguyễn Văn Sỹ – Giám đốc Điện lực Con Cuông trao đổi, công tác xây dựng công trình Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vì vậy, ngành Điện sẽ phấn đấu hoàn thành theo đúng kế hoạch. Với trách nhiệm của cơ quan Điện lực đóng tại địa bàn, các anh sẽ tập trung thực hiện thêm một số nội dung công việc để trong quá trình đồng bào sử dụng điện được an toàn. Trong đó, sẽ đề nghị các thôn bản lựa chọn, cử đại diện tham gia tập huấn, học tập bài bản kỹ thuật sử dụng, thay thế thiết bị hư hỏng, sửa chữa khi xảy ra sự cố nhỏ… “Ở vùng cao đã từng có một số sự cố chập cháy dẫn đến thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân. Vì vậy, cũng với việc xây lắp đường dây thì đây là một nội dung hết sức quan trọng, cần thiết. Với trách nhiệm của đơn vị Điện lực đóng trên địa bàn, chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm với bà con…” – Giám đốc Điện lực Tương Dương, anh Nguyễn Văn Bình trao đổi.

Khảo sát địa hình bản Xốp Cháo.
Khảo sát địa hình bản Xốp Cháo.

Thông tin từ Công ty Điện lực Nghệ An, trong năm 2020, ngành Điện đã hoàn thành xây dựng công trình Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia cho 32 thôn, bản, cụm dân cư trên địa bàn 12 xã thuộc 4 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong và Quỳ Châu theo đúng tiến độ đề ra. Năm nay, sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2095/QĐ-BCT ngày 1/9/2021, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công – dự toán xây dựng công trình Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia cho 49 thôn, bản, cụm dân cư trên địa bàn 7 huyện của tỉnh, ngành Điện đã khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai các công tác để đảm bảo đưa được nguồn điện Quốc gia cho hơn 4.000 hộ dân đúng tiến độ.

Giám đốc Điện lực Tương Dương, anh Nguyễn Văn Bình (ngoài cùng, bên trái) trao đổi với Ban cán sự bản Xốp Cháo.
Giám đốc Điện lực Tương Dương, anh Nguyễn Văn Bình (ngoài cùng, bên trái) trao đổi với Ban cán sự bản Xốp Cháo.

Cụ thể, trong tháng 10/2021 sẽ làm việc với chính quyền 7 huyện về công tác hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Phấn đấu đến ngày 20/11 sẽ hoàn thành công tác đào đúc móng đường dây và trạm biến áp. Đến ngày 22/12/2021 sẽ hoàn thành công tác kéo dây trung thế và lắp thiết bị TBA. Hoàn thành công tác kéo dây 0,4kV và lắp đặt công tơ, đấu nối dây dẫn vào cho các hộ dân ngày 29/12/2021; để đến ngày 10/01/2022 sẽ nghiệm thu đóng điện đường dây trung thế và TBA; và đóng điện hạ thế cấp điện cho các hộ dân ngày 20/01/2022. Ông Phạm Công Thành – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An trao đổi: “Ngành Điện sẽ tập trung cao độ cho công tác xây dựng công trình Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia đối với 49 thôn, bản, cụm dân cư vùng sâu, vùng xa như Bộ Công Thương đã phê duyệt tại Quyết định số 2095/QĐ-BCT. Phấn đấu hoàn thành theo đúng tiến độ, đưa nguồn điện lưới Quốc gia về cho nhân dân đúng ngày 20/1/2022”.