Tết trong ký ức cựu tù Phú Quốc

(Baonghean) - Niềm Xuân đang tràn ngập khắp mọi miền, già trẻ, gái trai đang náo nức, vui tươi trong cảnh sum vầy, đoàn tụ. Dịp này, những người tù Phú Quốc năm xưa lại bồi hồi nhớ về những cái Tết giữa trùng khơi, nơi từng được ví là “địa ngục trần gian”.

“Chén vui nhớ buổi hôm nay...”      

Năm nay, ông Nguyễn Trường Tộ ở Khối 9, Phường Đội Cung (TP. Vinh) bước sang tuổi 75. Mỗi lần tiễn năm cũ để đón năm mới, ông thường nhớ đến những cái Tết trong nhà giam Phú Quốc gần 50 năm trước, khi đang là tù nhân cộng sản bị Mỹ- Ngụy giam giữ.

Ông Nguyễn Trường Tộ kể về những cái Tết của anh em tù binh ở nhà tù Phú Quốc.
Ông Nguyễn Trường Tộ kể về những cái Tết của anh em tù binh ở nhà tù Phú Quốc. Ảnh: Công Kiên

“Học hết lớp 10, tôi lên đường nhập ngũ, trở thành lính quân y, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, được trao tặng Huân chương chiến công hạng Ba và huy hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ. Ngày 29/5/1968, trong một trận chống càn không cân sức, tôi bị thương và không may bị sa vào tay giặc, bị giam ở Non Nước (Đà Nẵng), mấy tháng sau chuyển ra Phú Quốc (Kiên Giang)”- ông Nguyễn Trường Tộ mở đầu câu chuyện về những năm tháng bị đọa đày nơi tù ngục.

Ở chốn “địa ngục trần gian”, khỏi phải kể lại những thứ nhục hình mà bọn lính cai giáng xuống cơ thể những người tù cộng sản, hàm răng bị gãy và mấy ngón tay bị dập đã nói lên tất cả những gì người tù Nguyễn Trường Tộ phải chịu đựng.

Trong chốn lao tù, ông tiếp tục tham gia sinh hoạt Đảng, dạy văn hóa và tiếp tục với công việc cứu chữa những đồng chí, đồng đội. Có điều, ở đây thuốc thang và các loại vật tư y tế không có sẵn như khi ở chiến trường nên từ mũi kim đến chiếc panh đều tự tạo.

Những năm tháng ấy (1968-1973), ông Tộ đã đón 5 cái Tết ở hòn đảo cực Nam xa xôi này, mỗi cái Tết là một kỷ niệm không bao giờ quên. Sau này, được trở về với gia đình, quê hương, đón những cái Tết sum vầy và đầm ấm, người chiến sỹ ấy vẫn không nguôi nhớ về những cái Tết đạm bạc như ngày thường nhưng đậm tình đồng chí, đồng đội.

Biết là sẽ không có gì khác so với ngày thường nhưng sắp đến giao thừa ai cũng náo nức. Đêm ấy dường như không ai ngủ, những người tù cộng sản thức cùng nhau, chia sẻ những kỷ niệm tuổi thơ, những ngày Tết năm xưa sùm vầy cùng bố mẹ. Rồi cùng ngồi đoán giờ này bố mẹ ở quê đang soạn sửa bàn thờ, dâng lên tổ tiên những sản vật chắt chiu trong sương và nắng, dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù.

Niềm vui đoàn tụ của các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Trường Tộ.
Niềm vui đoàn tụ của các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Trường Tộ. Ảnh: Công Kiên

Sáng ra, cả buồng giam xếp thành hàng ngũ, ngoảnh mặt về phía Bắc để hát quốc ca, dành 1 phút tưởng niệm Bác Hồ và những anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh. Rồi cùng vui đàn hát, các buồng giam khác cùng sang để giao lưu, vì dịp này bọn lính gác có vẻ như nới lỏng, giảm bớt sự hà khắc. Ông Tộ là người mê “Truyện Kiều”, thuộc làu 3.254 câu và thường hay bói Kiều cho những người bạn tù.

Nhớ nhất là cái Tết năm 1972, sau khi chào cờ và mặc niệm, mấy anh em cùng buồng giam bảo ông bói một quẻ Kiều. Và câu Kiều ông Tộ bắt được là: “Chén vui nhớ buổi hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày này năm sau”. Luận ra rằng, đây có thể là cái Tết cuối cùng trong tù, ngày này năm sau có thể sẽ được sum vầy cùng gia đình, và giây phút ấy phải nhớ đến những ngày gian khổ hôm nay.

Ai cũng hò reo vui sướng, ôm chầm lấy nhau hát hò. Qủa vậy, khoảng 1 tháng sau, theo Hiệp định Pa-ri, ông Nguyễn Trường Tộ và các đồng chí, đồng đội được trao trả tại bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Cái Tết sau đó ông được đoàn tụ với gia đình, người thân.

Ông Tăng Đình Thích (SN 1950) ở xã Diễn Đồng (Diễn Châu) cũng từng bị giam giữ ở nhà tù Phú Quốc và đón 4 cái Tết nơi hòn đảo xa xôi này. Trước khi bị bắt, ông Thích là lính đặc công chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ. Năm 1969, trong một lần tiềm nhập vào khu vực Mỹ đóng quân để tìm cách tiêu diệt, ông bị địch phản kích trọng thương và bị giam giữ.

“Vui Xuân không bánh, không qua”

Là người có năng khiếu văn nghệ, mỗi lần đón Tết ông Thích lại có dịp thể hiện tài năng và tâm hồn nghệ sỹ của mình. Đến nay, ông vẫn còn lưu giữ nhưng câu thơ viết gần nửa thế kỷ trước: “Vui Xuân không bánh, không quà/ Không hoa, không pháo, không gà, không heo/ Vui Xuân chân gãy, tay khoèo/ Mặt sưng, mày tím, lòng se hận lòng”.

Ông Tăng Đình Thích bến những tấm huân, huy chương
Ông Tăng Đình Thích bên những tấm huân, huy chương ghi nhận công lao thời đánh Mỹ. Ảnh: Công Kiên

Sau lễ chào cờ vào lúc giao thừa, sáng sớm hướng ra phía biển đón ánh bình minh, thể hiện niềm lạc quan, tràn ngập niềm tin về ngày toàn thắng. Cũng như bao buồng giam khác ở nhà tù Phú Quốc, ông Tăng Đình Thích và các đồng chí tổ chức hát hò và diễn kịch thâu đêm. Người thanh niên của quê hương Phủ Diễn là một nhạc công nổi tiếng khắp nhà tù, các loại sáo, nhị và đàn măng-đô-lin đều do bàn tay tài hoa của ông chế tác từ những miếng tôn và dây thép mà bọn lính canh vứt vung vãi sau vườn.

Ngày thường, để che mắt kẻ địch, ông gác chiếc sáo lên mái tôn, còn nhị và đàn chôn sâu dưới một góc phòng giam chờ dịp vui mới đem ra biểu diễn. Tiếng sáo, tiếng đàn của ông đã khích lệ, động viên đồng chí, đồng đội giữ trọn khí tiết và niềm tin chờ ngày trở về tiếp tục chiến đấu cùng đơn vị và đoàn tụ với gia đình, quê hương. Và dòng âm thanh ấy còn lay động cả trái tim của những tên lính cai ngục, chúng không xông vào giật lấy như trước mà đứng lặng lẽ bên ngoài để lắng nghe, bày tỏ niềm xúc động.

Ông Tăng Đình Thích (trái) cùng người bạn tù ôn lại những kỷ niệm ở nhà tù Phú Quốc
Ông Tăng Đình Thích (trái) cùng người bạn tù ôn lại những kỷ niệm ở nhà tù Phú Quốc. Ảnh: Công Kiên

Ông Nguyễn Trọng Thành- Chủ tịch Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Nghệ An, cũng là một cựu tù Phú Quốc cho biết: “Nhà tù Phú Quốc  là nơi thử thách bản lĩnh và khí tiết của người cộng sản, cũng là nơi tỏa sáng phẩm chất cao đẹp của những người ưu tú nước Việt. Năm 2012, tập thể chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam Phú Quốc được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. 

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới