"Tham nhũng gây mất ổn định xã hội"

Trước Quốc hội sáng 28/10, lần đầu tiên trong báo cáo, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đưa ra nhận định "lợi ích nhóm" về thực trạng tham nhũng.
Khẳng định đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực, nhưng đại diện Chính phủ, ông Huỳnh Phong Tranh không nêu thông tin cụ thể ở lĩnh vực nào, hay biểu hiện ra sao.
Tuy nhiên, đây là nhận định khác biệt so với báo cáo về thực trạng tham nhũng các năm trước. Ngoài ra, cũng như mọi năm, qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn. 
Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Một số vụ có yếu tố nước ngoài, phần nào ảnh hưởng đến nhìn nhận của quốc tế về tình hình tham nhũng ở Việt Nam. 
“Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội”, đại diện Chính phủ nhìn nhận.
Nhìn lại công tác phòng chống 5 năm qua, Thanh tra Chính phủ cho rằng, trên các mặt công tác đều có sự chuyển biến rõ nét với những kết quả nổi bật. Thể chế, chính sách ở lĩnh vực này được hoàn thiện hơn với việc mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm tra, giám sát,  xử lý vi phạm, đổi mới phương thức chỉ đạo.
Các biện pháp phòng ngừa được đẩy mạnh như rà soát, đánh giá, điều chỉnh phù hợp hơn và ngày càng phát huy hiệu quả phòng ngừa.
Tự phát hiện tham nhũng, vốn khâu yếu trong công tác phòng ngừa, đến nay đã có nhiều tiến triển. Điều đó thể hiện qua công tác kiểm tra và nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng nhiều so với trước.
Cụ thể, năm 2015 thanh tra phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng tham nhũng, trong khi đó bình quân mỗi năm giai đoạn 2011 - 2015 chỉ phát hiện 70 vụ, 104 người. 
Cũng trong năm, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng đạt 55,8%, con sổ nổi bật nếu so với số 22,3%, 10% và dưới 5% của các năm trước đó.
Với những kết quả này, Chính phủ cho rằng công tác phòng ngừa đã có tác dụng nhất định đối với nạn tham nhũng. Tuy vậy, như nhiều năm qua, tình hình vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. 
Chốt lại phần báo cáo, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định, đấu tranh phòng chống tham nhũng là công việc rất quan trọng, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Đảng và Nhà nước đã thấy sớm và đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn 10 năm qua nên kết quả mới được như hiện nay. 
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: Nguyễn Hưng.
"Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và còn phải làm lâu dài, bền bỉ, kiên trì, quyết liệt hơn nữa, với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa. Để hiệu quả hơn, năm 2016 Chính phủ tiếp tục xác định phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành", ông nói.
Trước các đại biểu Quốc hội, đại diện Chính phủ cũng đề nghị xem xét sửa đổi, làm rõ hơn hành vi và bổ sung các tội danh về tham nhũng, chức vụ bảo đảm sự thống nhất giữa Bộ luật Hình sự với Luật Phòng chống tham nhũng (trong đó có việc nội luật hóa những quy định của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng phù hợp với điều kiện Việt Nam); quy định hình phạt thật nghiêm để nhằm trừng phạt, răn đe, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. 
Theo số liệu tổng hợp năm 2015 của Thanh tra từ 19 bộ, ngành, địa phương, 3 bộ, ngành, địa phương đánh giá tình hình tham nhũng trong phạm vi quản lý của mình là rất nghiêm trọng. Năm bộ, ngành, địa phương đánh giá là nghiêm trọng; bảy bộ, ngành, địa phương đánh giá là ít nghiêm trọng và 4 bộ, ngành, địa phương đánh giá là không nghiêm trọnng.
Theo Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, mức khen thưởng tối đa sắp tới cho người tố cáo tham nhũng có thể lên tới 10 tỷ đồnng.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế khảo sát, cho điểm về tình hình tham nhũng của Việt Nam năm 2000 đạt 2,5 điểm. Đến Năm 2010 vẫn chỉ đạt 2,7 điểm (tăng 0,2 điểm sau 10 năm). Năm 2014 Việt Nam đạt 3,1 điểm -tăng 0,4 điểm sau 4 năm, gấp đôi mức tăng giai đoạn 10 năm trước.
Theo Zing.vn
TIN LIÊN QUAN

Tin mới