Thăm, tặng quà thân nhân các liệt sĩ hy sinh tại cầu Cấm (Nghi Lộc)

(Baonghean.vn) - Chiều 14/4, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Nghi Lộc đã tổ chức 6 đoàn công tác đến thăm, tặng quà, động viên gia đình các liệt sĩ hy sinh tại cầu Cấm.

Đây là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động tổ chức Lễ công bố huyện đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử đặc biệt Lăng Mộ và Đền thờ Nguyễn Xí, Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia địa điểm cầu Cấm.

Đồng chí Phạm Hồng Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy trao quà cho gia đình ông Hoàng Văn Cương (Tổ dân phố 6, thị trấn Quán Hành) là em trai của liệt sĩ Hoàng Văn Phong. Ảnh: Huy Cường
 Đồng chí Phạm Hồng Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy trao quà cho gia đình ông Hoàng Văn Cương (Tổ dân phố 6, thị trấn Quán Hành) là em trai của liệt sĩ Hoàng Văn Phong. Ảnh: Huy Cường

Dịp này, huyện Nghi Lộc đã đến thăm, tặng quà, động viên gia đình 30 liệt sĩ trên địa bàn huyện, mỗi suất quà trị giá 1.300.000 đồng.

Tại các gia đình, các đồng chí lãnh đạo đã ân cần thăm hỏi, động viên, chia sẻ những hy sinh, mất mát, những khó khăn trong cuộc sống của thân nhân các liệt sĩ. Đồng thời, mong muốn các thân nhân liệt sĩ tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, luôn là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Lãnh đạo huyện Nghi Lộc trao quà cho gia đình ông Trần Ngọc Liễu, xóm Bắc Kim Hòa, xã Nghi Thuận, là em trai của liệt sĩ Trần Ngọc Kim. Ảnh: Huy Cường
Lãnh đạo huyện Nghi Lộc trao quà cho gia đình ông Trần Ngọc Liễu, xóm Bắc Kim Hòa, xã Nghi Thuận, là em trai của liệt sĩ Trần Ngọc Kim. Ảnh: Huy Cường

Cầu Cấm được xây dựng bắc qua sông Cấm thuộc địa bàn 2 xã Nghi Yên và Nghi Quang, huyện Nghi Lộc. Đây là nút giao thông huyết mạch của Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam và đường thủy. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, địa điểm cầu Cấm là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, là trọng điểm đánh phá của không quân, pháo binh quân đội Mỹ nhằm cắt đứt sự chi viện từ Bắc vào Nam. Đồng thời, đã chứng kiến sự chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân và dân ta nhằm bảo vệ cầu, bảo vệ giao thông huyết mạch Bắc - Nam.

Nơi đây có 172 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh; trong đó có 30 người con của quê hương Nghi Lộc. Với những ý nghĩa lịch sử đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng địa điểm lịch sử cầu Cấm là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Tin mới