Thận trọng với thông tin trên mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Mỗi công dân Việt Nam khi tham gia mạng xã hội cần hết sức tỉnh táo, thận trọng với thông tin trên mạng để không vô tình tiếp tay cho những phần tử cố tình xuyên tạc, chống phá của các thế lực bất mãn, thù địch.

Ngày nay, các trang mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok,... phát triển rầm rộ, đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”. Từ cán bộ, quan chức đến người lao động, từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến đô thị, từ ông già, bà lão đến con trẻ, “người người lên mạng” - mọi người đều tiếp cận với mạng xã hội ở mức độ khác nhau, có người có tới mấy nick trên mạng xã hội. Mỗi người có thời gian làm việc, thời gian ngủ, nghỉ, nhưng mạng xã hội thì liên tục là một “xa lộ thông tin 24/7”, bất cứ lúc nào cũng không ngơi nghỉ.

Ảnh minh họa: Tư liệu

Ảnh minh họa: Tư liệu

Người ta lên mạng để tìm hiểu thông tin, giao lưu, kết nối bạn bè, quảng bá sản phẩm, làm từ thiện và nhiều công việc hữu ích. Mỗi người chọn cho mình những trang mạng yêu thích, phù hợp. Thật đáng quý, có những bậc học giả, trí thức, có những vị quan chức, nhà báo, thầy thuốc,... Họ là những người hiểu rộng, thận trọng, phát ngôn chính xác, thông qua trang mạng của mình, cung cấp cho xã hội những thông tin rất bổ ích. Nhiều người có thói quen mỗi khi có những thông tin “nóng” lại lên những trang mạng này để tìm hiểu, xác tín. Nhiều người hàng ngày dành nhiều thời gian lên mạng và mạng xã hội trở thành phương tiện không thể thiếu, là “người bạn” thân thiết và hữu ích.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội, bên cạnh mặt tích cực, không ít người, không ít thông tin chỉ với mục đích câu like, câu view. Những dạng clip, bài giật gân, “nóng hôi hổi” như: Vừa khám phá ra “chuyện động trời” của quan tham; sự thật về sân sau ông này, phát hiện khối tài sản khủng của chị kia; nhóm này đang hoạt động ngầm thế nào; nhóm kia “sắp sửa vô lò” ra sao,... cứ y như thật. Thường đó là những trang, những nhóm không minh bạch về thông tin cá nhân, không sử dụng tên thật, địa chỉ không rõ ràng; nhiều trang của đối tượng phản động từ nước ngoài; có những trang trá hình của những kẻ bất mãn, phản động, phá hoại,... Có nhiều thông tin sai sự thật, bịa đặt, có tác động xấu, tiêu cực với dư luận xã hội. Điều đáng quan tâm là những thông tin “sốc”, gây ra sự “hiếu kỳ” này lại thường có sự lan tỏa theo hiệu ứng “đám đông”, có rất nhiều người vào xem, đọc, bình luận, chửi rủa,... Như vậy là vô tình tạo ra một làn sóng dư luận, theo đúng âm mưu của kẻ phát tán.

Thông tin xấu, giả trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Thông tin xấu, giả trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Thông thường, có thể có thể nhận biết một số tin, bài, clip dạng này trên mạng xã hội:

- Lợi dụng những vụ việc vi phạm của những cán bộ đã bị Đảng, Nhà nước, pháp luật xử lý kỷ luật, được thông tin qua các phương tiện truyền thông trong thời gian vừa qua để “vơ đũa cả nắm”, làm cho dư luận hiểu sai, chỉ thấy màu tối, không thấy màu sáng, chỉ thấy tiêu cực, không thấy tích cực về chủ trương, đường lối và bản chất của chế độ ta.

- Các bài, clip theo xu hướng bóp méo và xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự thật về các danh nhân, các vị lãnh đạo cao cấp, phủ nhận truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

- Xới xáo, “mông má lại” những thông tin cũ, nhằm câu like, câu view, để tăng sự tương tác của trang, nhưng lại tạo nên sự hoang mang, bức xúc trong dư luận,…

- Thông tin không đúng sự thật, đổ lỗi cho cán bộ, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, lôi kéo, kích động những bình luận trái chiều và phản cảm trên mạng xã hội.

- Dùng tài khoản của mình chèn vào tài khoản của người khác để quảng cáo lừa đảo, cho vay "tín dụng đen”; công khai rao bán các loại giấy tờ, tiền giả; lừa, chiếm dụng tiền, tài sản, mời tham gia trò chơi, tặng quà, lừa chuyển tiền đặt hàng rồi ăn chặn, khóa tài khoản,... của những người nhẹ dạ cả tin, chưa có kinh nghiệm.

Cảnh giác với các thông tin xấu, độc. Tranh minh họa: Tư liệu

Cảnh giác với các thông tin xấu, độc. Tranh minh họa: Tư liệu

Các chiêu trò ấy không mới, các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, xử lý, nhưng trên không gian mạng có nhiều người chưa có kinh nghiệm nên vẫn còn không ít người mắc bẫy. Nhiều người không phân biệt được đúng, sai, không hiểu rõ ngọn nguồn, cứ thấy “hấp dẫn” là chia sẻ và bình luận. Cũng do chưa hiểu rõ bản chất của sự việc nên bình luận thường hùa theo số đông, thậm chí là thô tục, phản văn hóa. Tất cả những hành vi ấy dù vô tình hay hữu ý đều là cổ súy cho những sai trái, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Mỗi thành viên mạng xã hội, nhất là cán bộ, đảng viên cần hết sức tỉnh táo, thận trọng với thông tin trên mạng xã hội, nhất là những dịp kỷ niệm lớn, những khi có sự kiện nhạy cảm, những thông tin “nóng”, “giật gân”, để không vô tình tiếp tay cho những phần tử cố tình xuyên tạc, chống phá của các thế lực bất mãn, thù địch, cố tình phá hoại cuộc sống yên bình của Nhân dân.

Tin mới