Thắng

Vậy là vượt qua nhiều ngàn cây số bằng sự lựa chọn phương tiện khác nhau, hai người đàn ông có sức hút truyền thông mạnh nhất hành tinh đã đặt chân đến Việt Nam cùng một ngày. Cả thế giới nghiêng mình về Hà Nội dõi theo nhất cử, nhất động của nhà lãnh đạo tối cao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng như Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Lịch sử hòa bình thế giới có thêm một ngày để nhớ, thêm một địa danh để hằn sâu khát vọng ngàn đời của nhân loại. Thông điệp vì hòa bình được viết bằng chính những nỗ lực thiện lành. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần này chắc chắn không là một cơn bốc đồng cá nhân nào, nó chính là sự chưng cất, dồn nén và cả chắt chiu từng cơ hội của không chỉ một ngày mà nhiều ngày, không chỉ một người mà nhiều người.

Một chút hồi hộp, một chút âu lo và rất nhiều kỳ vọng, hai con người nhưng đằng sau họ không chỉ là hai dân tộc, hai đất nước mà lả cả hàng tỷ trái tim. Khi bài báo này đến tay bạn đọc thì Hội nghị Mỹ – Triều đang diễn ra, có thể chúng ta chưa kịp nghe một tuyên bố chung nào từ bàn nghị sự nhưng tôi không tin đây là một cuộc đấu lý, đấu trí, để rồi một bên òa lên reo vui chiến thắng phía còn lại cúi đầu ra về trong tư thế của kẻ bại trận.

Phải nói là không ai có thể tưởng tượng được quan hệ Mỹ – Triều một trong những bộ hồ sơ đồ sộ nhất về chiến tranh lại có một tiến triển tích cực và mạnh mẽ đến như vậy. Còn mới đây thôi, cả thế giới đã phải toát mồ hôi với những vụ thử hạt nhân rầm rộ, những tuyên bố đỏ lửa, những lời đe dọa sấm sét và cả những sự xưng hô ít tôn trọng mà họ dành cho nhau. “Không loại trừ khả năng dùng vũ lực” “Tên lửa anh hùng của chúng ta sẽ bắn đến tận sào huyệt kẻ thù”, “Mỹ sẽ xóa bỏ họ sau một cái nút bấm” thậm chí Tổng thống Mỹ còn gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là “Rocket man” (Người tên lửa). Vâng, cách đây chưa lâu nếu không nói là rất gần, họ đã dành cho nhau những lời lẽ nồng nặc mùi thuốc súng đến như vậy. Thế giới nơm nớp về một thảm họa chiến tranh khủng khiếp. Thị trường chứng khoán toàn cầu không ít lần rơi vào hoảng loạn. Những phiên “đỏ sàn” kéo dài như bất tận. Hàng trăm tỷ đô la vốn hóa của các ông ty đại chúng trên toàn cầu bị bốc hơi. Sự bế tắc chồng lên bế tắc. Vậy mà, hôm nay họ có mặt ở đây, nắm tay nhau giữa thủ đô của một đất nước yêu chuộng hòa bình, giữa một thủ đô được vinh danh vì hòa bình. Vậy ai đã chấp nhận “thua” để đi đến cuộc gặp lịch sử này? Không, không có ai thua ở đây, tất cả đều thắng, nếu không nói là thắng “đậm”.

Ngày xưa, theo quan niệm và các phương thức tiếp cận lạc hậu thì đã có bên thắng là phải có bên thua. Phần “được” của nên này chính là phần “mất” của đối phương. Giờ thì khái niệm thắng – thua không còn phù hợp ở mọi lúc, mọi nơi nữa. Win – Win (cùng thắng) mới là một trong những phương châm và nguyên tắc cơ bản của đàm phán.

Chúng ta, mà có lẽ không riêng chúng ta đang chờ đợi một bản tuyên bố thượng đỉnh Mỹ – Triều được phát đi từ Hà Nội với những đột phá mới tiến bộ thiết thực và rõ ràng hơn. Mỹ được gì, Triều Tiên được gì, Hàn Quốc được gì và thế giới này được gì sau hội nghị có lẽ còn chờ thêm nhưng chỉ riêng việc hai nhà lãnh đạo dám vượt qua những ranh giới ngoại giao bó cứng để đến được với nhau, xóa đi một nguy cơ chiến tranh cận kề đã là một thắng lợi ngoài tưởng tượng rồi.

Qua hơn bốn ngàn năm lịch sử, Việt Nam quá thấu hiểu sự tổn thất, sự tàn khốc và mất mát của chiến tranh như thế nào. Một đất nước tươi đẹp, một lịch sử hào hùng, một dân tộc can trường đã trở thành một điểm hẹn hòa bình.

Việc được lựa chọn làm nơi đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh lần hai Mỹ – Triều (mà thực chất đây mới là hội nghị có đủ thời gian để hai bên đàm phán, thống nhất đưa ra những quyết định quan trọng mang tính đột phá chứ không phải hội nghị có tính chất “trù bị” như lần một) đã đưa Việt Nam lên một vị thế mới. Hai chữ Việt Nam được biết đến và sẽ còn được nhắc đi, nhắc lại hàng tỷ lần trong tâm khảm những người yêu chuộng hòa bình. Không chỉ là cơ hội quảng bá du lịch mà là địa chính trị, không chỉ là hình ảnh mà là biểu tượng, không chỉ là lợi thế mà là vị thế. Mỹ và Việt Nam từng là kẻ thù, nhưng bây giờ không chỉ là bạn mà còn là đối tác quan trọng và tin cậy của nhau. Chỉ hơn 40 năm, ngắn hơn rất nhiều nếu so với thời điểm cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Việt Nam đã sải những bước dài trên con đường tái thiết và phát triển đất nước. Một quốc gia ổn định về chính trị, một nền kinh tế năng động, nơi những con người biết gác lại quá khứ để hướng tới tương lai xứng đáng được chọn làm điểm kết nối hòa bình thế giới. Tôi cứ ao ước giá như trong chương trình làm việc của hai nguyên thủ họ cùng nhau thả bộ dọc quanh hồ Hoàn Kiếm để chúng ta có dịp kể cho họ nghe câu chuyện các thế hệ cha ông đã trả lại vũ khí sau chiến tranh làm sao, người Việt Nam yêu chuộng hòa bình như thế nào. Vâng, họ quá bận, lịch trình dày đặc của họ không thể đủ cho những mong muốn có phần lãng mạn như vậy. Nhưng dù thế nào thì việc họ đến đây, họ chọn chúng ta đã là sự khẳng định. Hình ảnh chủ tịch Triều Tiên hạ kính chống đạn xuống để vẫy tay chào người dân hai bên đường đã cho thấy một Việt Nam xinh đẹp thân thiện và đáng được tin cậy như thế nào. Vài trò và vị thế Việt Nam đã khác, nó chính là thành quả của một chuỗi dài những nỗ lực không ngừng. Chúng ta đã mang lại cho thế giới niềm tin. Chúng ta đã thắng!

Nhân nói về chữ “thắng”, cũng xin được “bàn ngang” vài dòng như này: Thắng, hiểu một cách nôm na là thu được kết quả đã đề ra một cách mỹ mãn nhất, nhanh nhất có thể và tốt nhất có thể.  Trong bài thơ “Dậy mà đi” Tố Hữu từng viết “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại/ Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Để thắng đôi khi chúng ta phải biết chấp nhận, biết cách đứng dậy và đủ dũng khí bước tiếp. Cái thắng đầu tiên và cũng là cái thắng khó khăn nhất chính là thắng chính mình.

Mấy ngày nay báo chí và cư dân mạng rầm rộ bàn về vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê TN. Câu hỏi ai thắng và thắng bao nhiêu được đặt ra một cách khá thô bạo và đầy nghiệt ngã. Có một bộ phận cho rằng vụ ly hôn này là chuyện riêng của gia đình người ta, tôi nghĩ không hẳn như vậy. Cuộc ly hôn nhà ông V không chỉ là đồ vỡ một gia đình mà đổ vỡ một hình mẫu. Sự xung đột trong nhà ông V không chỉ là xung đột của 2 con người mà là của các tầng quan điểm. Ly tán tài sản nhà ông V không chỉ là chuyện 30 hay 70 mà là nguy cơ đổ bể một thương hiệu quốc gia. Người ta có quyền dõi theo để hy vọng về một sự hàn gắn được hồi sinh sau những bí ẩn sâu xa của sự việc được giải mã.

Win – Win (cùng thắng) không chỉ là một nguyên tắc trên bàn đàm phán mà nó nên được ưu tiên trong mọi mối quan hệ khi có thể. Câu chuyện chữ tình, chữ tiền, chữ tài nhà ông V hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, ai sẽ chiến thắng hay cả hai đều sẽ thất bại? Nếu họ bật lên tất cả, ôm nhau giàn giụa rồi kéo nhau về một nhà hàng nào đó của phố núi để mở tiệc đoàn tụ thì không phải là cơ hội tham chiếu cho hàng vạn mối quan hệ đang rục rịch khác hay sao? Có nhiều cách chiến thắng, để thắng không nhất thiết cứ phải… chiến!