Thăng trầm những hàng cây phố Vinh

(Baonghean) - Tính đến nay, thành phố Vinh được công nhận đô thị loại I đã tròn 10 năm. Một thập niên qua, rất nhiều điều đã đổi thay, trong đó có cả những hàng cây xanh đã gắn với nhiều thế hệ con người.

Những cao ốc mọc lên, những dòng kênh xanh lại, những con người cũ - mới đến và đi, những dáng cây ngã xuống và vươn chồi non mới, làm nên dáng hình và linh hồn của phố, với bao kỷ niệm bám víu vào ký ức thị dân.

Cây bàng ở khu chung cư cũ. Ảnh: Lê Thắng
Cây bàng ở khu chung cư cũ. Ảnh: Lê Thắng
Ai là cư dân phố Vinh, hay đã trót duyên nợ với mảnh đất này, hẳn ít nhiều đều có những nhung nhớ riêng, dẫu mơ hồ hay đậm sâu về những loài cây nơi đây. Tôi đoán chắc thế, vì khác với nhiều đô thị lớn ở Việt Nam, thành phố Vinh có mật độ che phủ mảng xanh đô thị vào loại khá, nhiều năm nằm trong top 5 cả nước theo bình chọn của Hiệp hội Cây xanh Việt Nam.
Năm 2017, con số này là khoảng 11,5 m2/người. Nghe đâu, bình quân mỗi năm, chính quyền thành phố trích 12 tỷ đồng từ ngân sách (riêng năm 2017 là 17 tỷ đồng) để trồng, cải tạo và bảo vệ hệ thống cây xanh, thảm cỏ, hoa trên các tuyến phố và khu vực công cộng. Thế nên, ở phố Vinh, nói không quá lời thì mở cửa, ra ngõ, chạm đường đã “gặp” cây, đủ hình đủ dạng.
Hàng cây gạo xanh mướt đường Trương Văn Lĩnh. Ảnh: Trung Hà
Cây gạo đến mùa trổ hoa trên đường Trương Văn Lĩnh. Ảnh: Trung Hà
Ít ai biết rằng, ở thành Vinh có những loài cây độc đáo, hiếm lạ. Mỗi ngày, có bao lượt người đi qua tuyến đường Phong Định Cảng - Nguyễn Văn Trỗi, có để ý thấy ở quãng cắt 2 đường có một loài cây cao lớn - được mệnh danh là “cây quốc gia” của Madagascar, một đảo quốc xa xôi trên Ấn Độ Dương? Cây tên gọi là bao báp - vốn tổ tiên ở châu Phi xa xôi và một số nhà thực vật học cho rằng tuổi thọ của cây có thể lên đến hàng ngàn năm (?).
Tôi đã nhiều lần cố nán lại trục đường này, hiếu kỳ dò hỏi người dân bản địa về “quá khứ” của loài cây độc đáo ấy, nhưng chẳng có mấy thông tin hữu ích. Người phố dường như chẳng ai biết tuổi cây, chỉ đồn đoán rằng cây bao báp này là 1 trong 6 cây bao báp hiện đang sinh trưởng tại Việt Nam. Thế thì hiếm lạ quá còn gì, nhưng sự xô bồ của cuộc sống đẩy tất thảy trôi đi rất nhanh, ấn tượng về loài cây độc đáo ấy may chăng còn đọng lại ít nhiều trên bảng tên “Quán cà phê Bao báp” - chốn lui tới quen thuộc của mấy cô cậu sinh viên Đại học Vinh. Nhân viên quán hết lớp người này đến lớp người khác, dường như đều ít nhất một lần nghe khách hỏi: “Sao quán lại lấy tên là Bao báp?” Câu hỏi vu vơ ngờ đâu lại thành sợi dây nhắc nhớ và níu giữ hình ảnh của một loài cây đến từ Phi châu xa xôi, để cây có thêm một lần hữu hình trong trí nhớ thị dân đương thời.
Công viên phủ kín màu xanh. Ảnh: Hải Vương
Công viên phủ kín màu xanh. Ảnh: Hải Vương
Thành phố Vinh nhiều cây, nhưng chưa có loài cây nào được xem là “thương hiệu” phố. Nếu như Hà Nội nồng nàn hoa sữa, Hải Phòng rực màu hoa phượng đỏ, Huế tím mộng mơ sắc bằng lăng... thì thật khó để gọi tên một loài cây, loài hoa để nhận diện phố Vinh. Mảng xanh thành phố thật đúng với câu nói vui: “Mùa nào thức nấy!”
Ai đi qua, về lại dọc tuyến đường Lê Mao mà không biết bấy lâu nay, đường nổi tiếng với dãy xà cừ cổ thụ? Mấy chục năm “tuổi cây”, mấy mươi năm “tuổi phố”, hàng xà cừ gắn bó và chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm, trở thành một phần của tuyến nội đô này. Khi những cây xà cừ chưa kịp khép tán trên vỉa hè quãng phố cũ, đường Lê Mao đã tự hào là phố có công trình hiện đại “thế hệ đầu” là Nhà văn hóa Lao động tỉnh với bao sự kiện văn hóa nghệ thuật, khánh tiết lớn nhỏ diễn ra ở đây.
Rồi khi đường được thực hiện phóng tuyến kéo dài vào khu đô thị mới Vinh Tân, với hàng bao chung cư, nhà tầng, quán xá mọc lên như nấm, dãy xà cừ chứng kiến những nhịp chuyển ngược xuôi nơi phố mới. Nắng lên, mưa xuống, bóng lá lấp lóa sắc vàng mơ màng bồ câu hay ướt đẫm màu trời mù, thì hàng xà cừ vẫn đứng đó, lặng yên và ghi nhớ tất thảy vào ký ức xanh của mình.
Sắc đỏ phượng vĩ chớm hè ở chung cư Quang Trung. Ảnh Thành Cường
Sắc đỏ phượng vĩ chớm hè ở chung cư Quang Trung. Ảnh Thành Cường
Gọi tên những loài cây ở thành Vinh thì gọi sao cho xuể: bàng, phượng vĩ, bằng lăng, lộc vừng, xà cừ, cau vua, rồi đến cả xoài, mưng, cọ, sao đen, so đo cam, ngô đồng... Cữ trung tuần tháng 3 lại nay, đi dọc nhiều tuyến phố, khẽ xao lòng khi bắt gặp hình ảnh cây lộc vừng mùa thay lá. Khúc giao mùa giữa những tầng lá xanh, ngả vàng cam rồi đổ thẫm đỏ lao xao tạo nên khung cảnh lãng mạn, nên thơ khó tả. Lộc vừng không được trồng thành hàng, thành lối hay xuất hiện dày đặc ở một tuyến phố nhất định mà chỉ có rải rác ở một đôi đường như Lê Lợi, Đại lộ Lê nin, Hồ Goong...
Sự ít ỏi ấy lại trở thành điểm xuyết đầy bất ngờ và đáng nhớ cho thị dân phố quen, một ngày chuyển mùa bất chợt dừng lại, ngỡ ngàng nhận ra những tán cây ngày nào mình cũng lướt qua hóa ra lại đẹp đến vậy! Mùa “thay áo” của lộc vừng không kéo dài, độ hơn tuần lễ, nhưng ấn tượng về “rừng” lá đỏ mang lại cảm giác xao xuyến về một thành Vinh thật khác.
Hoa bằng lăng tím một góc phố. Ảnh: Trung Hà
Hoa bằng lăng tím một góc phố. Ảnh: Trung Hà
Xung quanh sắc xanh thành Vinh cũng có nhiều chuyện vui, buồn. Mấy năm về trước, trong câu chuyện ngoài lề với lãnh đạo đơn vị phụ trách trồng, chăm sóc cây xanh thành phố, vị này than thở: cây cho bóng mát, cây tạo cảnh quan, nhưng không phải người dân nào cũng thích cây, yêu cây, tôn trọng công sức của người chăm cây! Không nhiều, nhưng vẫn có một số hộ dân tự động chặt bớt tán, tỉa cành lá... vì tâm lý cây lớn sẽ che phủ làm “tối” nhà họ, hoặc gia chủ cho rằng không hợp với loại cây đó nên tìm cách “tiêu diệt”.
Chuyện thật như đùa là có người dân đêm đêm mang dầu nhớt, chất thải bẩn đổ xuống, hoặc đóng đinh vào gốc cây để cây “hết đường” sinh trưởng. Sao có thể hành xử như thế với cây xanh - bạn đồng hành thiết thân của thành phố, mà nếu không có nó, đô thị này hẳn sẽ chỉ là những khối bê tông không hồn cốt, không mênh mang kỷ niệm!
Nói không quá lời, thì những hàng cây đã trở thành một phần linh hồn của thành phố này. Hãy tưởng tượng những tuyến đường như Ngư Hải, Đinh Công Tráng, Lê Mao, Lê Hoàn, Duy Tân, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu... không có một bóng cây, thì còn đâu vẻ đẹp của những nét đường nội đô, còn gì để người đi xa hoài niệm phố? Phố vẫn âm thầm ngày ngày mọc lên. Giờ, nhiều tòa nhà đã cao hơn tất cả mọi cây cối trên đời. Nhưng dẫu hơn thế nữa, thì có gì thay thế được vẻ đẹp của những tầng xanh kỳ diệu ấy?

Tin mới