Tháng Tư nhớ Pơ Lang

HẾ hệ tôi ở miền Bắc những năm chiến tranh phá hoại, tức là trước năm 1975 ấy, hầu như không ai không biết bài hát “Em là hoa Pơ Lang”. Mà hồi ấy làm gì đã có tivi hay là sân khấu sẵn như bây giờ, toàn nghe hát qua đài. Cái đài là vật dụng rất sang trọng trong nhà. Tối thứ 7 là nhà vui như hội, gia chủ phải chuẩn bị nước, ghế, chiếu… để hàng xóm sang nghe chương trình “kể chuyện cảnh giác” và ngay sau đấy là “Sân khấu truyền thanh”.

Tây Nguyên trong tôi hồi ấy là… hoa Pơ Lang, chứ bài “Bóng cây K’nia” sau này mới có thì phải. Thực ra thì trước đấy Tây Nguyên đã có “Hát mừng anh hùng Núp” nhưng chả hiểu sao nó ít được phát trên đài hơn bài hoa Pơ lang, và cũng ít có mặt trong chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu thính giả” phát lúc 8h30 sáng Chủ nhật. Có thể là bài “Em là hoa Pơ lang” có hình bóng… em, và lại do giọng chị Tường Vi trong veo cao vút hát. Bài anh hùng Núp thì trầm và tốp ca nam do Hữu Nội solo, dù giờ nghe lại bài “ca ngợi anh hùng Núp” vẫn rất hay. Hồi ấy, mà lại có những bài hát nhắc đến nhớ nhau, anh em là ít lắm, đâu như không quá năm bài, như “Những ánh sao đêm”, “Tình ca”, và… bài này: “Em nhắc tên anh đêm ngày trong từng câu nói/ Mỗi bữa cơm em ăn khi đi rừng lên nương./ Tây nguyên ơi, quê hương ơi…/ Dù cách xa anh nhiều em vẫn chờ đợi đấy/ Chẳng như cái lá rừng theo dòng suối trôi xuôi/ Có thương nhau xin nhớ lời./ Anh có biết buôn làng/ lấy tên hoa thật quý của Tây nguyên hùng vĩ/ Mang tên cho từng nàng/ Quê hương ơi, Tây nguyên ơi…/ Anh ơi em sẽ là pơ-lang hoa đẹp nhất thứ hoa buôn làng quý…/Tây Nguyên này bao nhiêu cô gái đều là hoa pơ-lang“. (Thực ra sau này mới biết hồi kháng chiến trong rừng ấy đã có những bài hát rất hay, rất trữ tình chứ không chỉ ùng oàng bom đạn như “Dấu chân trên rừng” của Vĩnh An, “Vui mùa chiến thắng” của Văn Chừng…).

Hay nhất là mỗi người chúng tôi tưởng tượng ra một thứ hoa Pơ lang khác nhau. Người thì như hoa rau muống, rau lang, đứa thì như hoa mua hoa sim, kẻ thì như hoa trảu, hoa sở… là cái thứ chúng tôi hay gặp thời ấy ở nơi sơ tán Thanh Hóa.

Tốt nghiệp đại học, tôi xung phong lên Gia Lai – Kon Tum công tác thì tôi thấy hoa Pơ Lang.

Trời ạ, té ra, tôi đã từng thấy Pơ lang hồi ở… Thanh Hóa.

Nó cũng như cái cây K’nia ấy. Bao khao khát, bao tò mò, đến lúc vỡ òa ra biết rằng, mình cũng từng gặp nó thời nhỏ, ấy là cây… cầy. Ngoài Bắc có những vùng làm quạt giấy (là hạng sang, cao cấp, so với quạt mo, quạt nan… dù quạt giấy nhanh hỏng hơn và… tốn tiền mua, các quạt kia có thể tự làm được, chứ quạt giấy chỉ nghệ nhân làm thôi), thì người ta lấy cái nhựa cây cầy để phết quạt. Nó là loại cây rừng, giờ cũng đang hết, chỉ vào tận rừng sâu mới sót lại vài cây. Có anh Nguyễn Quang Huy, giám đốc chi nhánh Ngân hàng HD Bank Gia Lai đang có nguồn cây giống và hứa tặng cho trường học trên tỉnh Gia Lai mỗi trường 2 cây, mới thông báo trên facebook cá nhân mà đã rất nhiều người đăng ký, không chỉ trong tỉnh. Nhớ năm nào đấy, một thầy hiệu trưởng của một trường học ở thành phố Thanh Hóa cũng nhờ tôi kiếm một cây K’nia về trồng ở trường để học trò khỏi phải tưởng tượng. Kiếm mãi, tôi mua được một cây 6 tháng tuổi rồi gửi xe ra Thanh Hóa, không hiểu giờ này nó như thế nào rồi?

Rồi là cây xà nu. Cứ ước ao lên vùng của “Đất nước đứng lên” để gặp ông Núp và cây xà nu. Ông Núp thì tôi đã gặp ngay hôm đầu tiên mới đeo ba lô lên và đã kể trong một bài báo, rằng là tôi đang lang thang “thám thính” xem cái thành phố mình sẽ sống như thế nào thì gặp một ông già mặc áo vét, mặt phúc hậu, râu tóc như cước, cõng một đứa bé trên cổ. Vấn đề là thằng cu ấy nó đái từ cổ ông đái xuống, ông vẫn kệ. Hồi ấy mà áo vét mặc lúc chiều là oách lắm. Mấy hôm sau tôi được giao nhiệm vụ viết bài cho anh hùng Núp, chủ tịch Mặt trận tỉnh đọc chào mừng trong buổi chuyên gia văn học Liên Xô Ni Ku Lin nói chuyện ở nhà văn hóa tỉnh. Yêu cầu là viết nửa trang, chữ to để ông Núp dễ đọc. Tất nhiên là tôi phải đi tìm ông để trao đổi. Và, gặp lại ông già râu tóc như cước hôm trước, vẫn nguyên bộ vét bị cháu đái từ cổ ấy. Sau này, ông khá quý tôi, đi với nhau xuống làng toàn nhường tôi can rượu đầu. Và, kinh hoàng chưa, cây xà nu, tôi suýt ngất khi biết nó chính là… cây thông, thông ba lá. Loại cây này thời ấy lúc nhúc trên Tây Nguyên, giờ hết rồi, kể cả cái làng Xô Man mà tôi tìm về tận nơi cũng chang chang nắng. Và điều này mới vui, cho đến tận bây giờ, không phải tất cả các cô giáo đang dạy văn trên đất Tây Nguyên đã biết cây xà nu chính là cây… thông.

Thì tôi cũng gặp Pơ Lang như thế.

Lại nhớ tôi đã mừng đến như thế nào khi một ngày đẹp trời cách đây hơn hai chục năm, đã gặp nhạc sĩ Đức Minh, tác giả bài hát nổi tiếng mà một thời tôi toàn viết thư yêu cầu được nghe ở chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu thính giả” trên Đài tiếng nói Việt Nam sáng chủ nhật hàng tuần tôi kể trên, là bài “Em là hoa Pơ lang”. Ôi giời, khỏi nói tôi đã mừng đến như thế nào? Và rồi mới biết thêm, ông là tác giả của mấy bài hát tôi thích nữa, đã từng viết thư yêu cầu đài phát nữa, là “Trên biển quê hương” Quý Dương hát, rồi “Cô gái lái tàu” Trần Hiếu hát. Mà lại gặp ngay ở Pleiku, nơi có hoa Pơ lang mới thú. Đặc biệt mới biết, trước khi viết bài ấy, ông cũng… chưa biết hoa Pơ lang là gì!

Và, ngạc nhiên nữa nhé. Pơ lang chính là hoa… gạo, hoa mộc miên đấy ạ.

Cũng như người Kinh, người Tây Nguyên cũng coi cây Pơ lang là nơi ma hay trú ngụ, vì thế nó có nhiều ở các khu nhà mồ. Người Kinh thì các cụ hay có câu “Ma cây gạo cú cáo cây đề”, nên ở các làng Bắc bộ hay có các cây gạo đầu làng, lũ nhóc rất sợ, thường ù té chạy nhanh mỗi khi qua đấy ban đêm.

Hồi mới lên Pleiku, tôi nhớ, cữ tháng Tư, khi mùa khô đang rực rỡ nhất, nắng vàng và gió, se lạnh và mênh mang, có một thứ sợi bông trắng muốt cứ là đà bay trong không khí, rắc lên tóc lên vai người như một cách… đánh dấu. Sau mới biết, đấy là bông gòn, một loại cây có họ với Pơ lang. Cũng sau này mới biết, ở Gia Lai có đến mấy loại Pơ lang, hay chính xác là có mấy loài na ná nhau. Loại có bông bay trắng xóa vào dịp tháng ba tháng tư, thân không có gai, và loại hoa đỏ rực như đốt cháy cả bầu trời cũng vào cữ tháng ấy thân có gai, chính là cây gạo. Ngoài ra ở Tây Nguyên mùa này còn một loại cây nữa cũng giống pơ lang, nó là loại vông rừng, hoa cũng rất đỏ, rất rực rỡ.

Người Tây Nguyên bản địa hay dùng Pơ lang để làm cọc nêu hoặc buộc trâu mỗi khi làng có việc, và có tiệc hiến trâu, hoặc bỏ mả. Vì thế người có kinh nghiệm, khi vào làng, chỉ việc đếm các cây Pơ lang rải rác quanh làng, hoặc tập trung ở nhà rông, là có thể ước được số lễ mà dân làng đã làm thời gian qua. Có cây đã thành cổ thụ, có cây mới ra lá. Cây càng cổ thụ thì còn biết thêm một điều là làng đã định cư ở đấy khá lâu rồi, rằng đấy là vùng đất tốt.

Tại Gia Lai có 2 cây Pơ lang nổi tiếng. Chả phải vì nó đẹp hơn các cây khác, cũng chả phải nó linh thiêng gì, đơn giản là bởi, nó đứng ngay bên đường. Cây thứ nhất trên con đường số 7 cũ, con đường gắn với trận đánh mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giờ là đường 25, xuống Ayun Pa, rồi Tuy Hòa, đoạn qua xã H’bông, nó đứng ngay bên đường, mà mỗi lần chạy xe qua tôi đều dừng lại ngắm nó.

Cây Pơ lang thứ 2 to hơn cây ở H’bông, ngay đầu thành phố Pleiku hướng lên Kon Tum. Chỗ ấy, con đường 14 lượn một cú rất đẹp nên có người tán: Lẽ ra con đường chạy thẳng kia, và như thế thì hoặc là cây Pơ lang sẽ bị ủi đi, hoặc là con đường sẽ cách xa cây ấy khiến cho chả ai thấy được nó khi ngồi trên xe. Người thiết kế vì yêu cây đã vạch một cú lượn, và thế là ai đã đi qua con đường 14 nối Kon Tum với Pleiku đều có thể ngắm cây hoa sẽ nở rực vào tháng 4 này. Thì cứ tán thế chả biết đúng hay không?

Vậy nên, Pơ lang ấy, nó không chỉ là cái cây thông thường, không chỉ là cái cọc buộc trâu để ăn, buộc rượu để uống. Nó còn là nơi trú ngụ của các vị thần, hay chính xác là nơi… trung chuyển. Từ cao xanh các vị về nóc nhà rông, về các cây pơ lang cho gần dân, lắng nghe dân. Nó trở thành một phần đời sống tâm linh của người Tây Nguyên…

Hồi ở ngoài Bắc, tôi từng rất nhiều lần lấy những quả gạo tròn vo đục cái lỗ ở giữa, làm bánh xe. Cũng vô cùng ám ảnh những cây gạo cô độc ở các bến đò ngang, cứ rưng rưng đốt lửa trong mưa phùn, trong gió bấc. Cực kỳ ấn tượng với hình ảnh trong một câu thơ của ai đấy đại ý là hoa gạo cứ vừa rơi vừa nở. Tôi ấn tượng với hoa gạo đến mức, trong bài thơ khóc nhà thơ Thu Bồn ngày ông mất, cũng phải lồng hoa gạo vào cho bằng được “gói cõi nhân tình vào chén ngọc/ gieo hoa cau nhặt hoa gạo mang về…”. Ông Thu Bồn cũng là nhà thơ gắn cả đời và thơ mình với Tây Nguyên, mà trường ca “Bài ca chim Chrao” là tiêu biểu. Hoặc câu thơ này, cũng của tôi, ghép mộc miên với hoa gạo cho bằng được, dù tôi đã bắt mộc miên thành… động từ: hoa gạo đỏ mộc miên bến vắng/ khát vọng sông dài ngắn đời người…

Giờ tháng Tư Tây Nguyên, thấy Pơ lang nở lại nhoi nhói về một vùng ký ức…