Thanh Chương giảm 179 biên chế trong 3 năm

(Baonghean.vn) - Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, các cấp ủy ở Thanh Chương đã có nhiều giải pháp trong tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy

Theo đó, huyện đã tiến hành sáp nhập từ 3 Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Kỹ thuật - Tổng hợp (trước đây gọi là Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề) và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện, trở thành một đơn vị, gọi là: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Thông qua việc sáp nhập này đã giảm được 2 đầu mối, giảm 2 cán bộ quản lý và tinh giảm 3 người theo Nghị định 108 của Chính phủ. Huyện cũng cho giải thể Đội Quản lý cầu treo Dùng với tổng 6 biên chế thì chỉ có 1 người chuyển về Văn phòng UBND huyện, còn 5 người nghỉ theo Nghị định 108 và chế độ hưu.

Cán bộ thị trấn Dùng trao đổi công việc. Ảnh: Mai Hoa
Cán bộ thị trấn Dùng trao đổi công việc. Ảnh: Mai Hoa
Trong ngành giáo dục - đào tạo, hiện nay có 8 địa phương thực hiện mô hình, một người đảm nhận nhiệm vụ kế toán tại 2 trường mầm non và tiểu học hoặc THCS (trước đây mỗi trường có 1 kế toán); chuyển 41 hợp đồng thư viện và thiết bị các trường THCS đi học văn bằng 2 sư phạm mầm non để tuyển dụng vào giáo viên mầm non; còn nhiệm vụ thư viện và thiết bị ở các trường THCS được giao cho số giáo viên thuộc các bộ môn dôi dư trong trường THCS kiêm nhiệm.

Theo Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đặng Văn Hóa: Với cách làm này, huyện vừa giải quyết dôi dư giáo viên ở một bộ môn bậc THCS, vừa giảm bộ phận phục vụ và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên bậc mầm non. Định hướng sắp tới của ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu để tinh giản ở bộ phận hành chính; nghĩa là đối với các trường có quy mô nhỏ dưới 10 lớp sẽ không bố trí 2 cán bộ quản lý mà chỉ bố trí Hiệu trưởng, không có phó hiệu trưởng. Nhờ vậy từ 2015 đến nay ngành giáo dục - đào tạo huyện Thanh Chương đã giảm hơn 120 biên chế.

Còn tại thị trấn Dùng, đồng chí Phan Thị Thủy - Bí thư Đảng ủy thị trấn, cho biết: Theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND, ngày 27/01/2014 của UBND tỉnh, đơn vị được bố trí 21 chức danh bán chuyên trách. Tuy nhiên, quá trình vận hành, thực tiễn đặt ra nhiều bất cập. Số lượng chức danh nhiều, phụ cấp cho mỗi chức danh quá thấp, làm giảm động lực làm việc và gắn bó của đội ngũ này đối với công việc; thậm chí có chức danh mỗi tuần chỉ lên trụ sở 2 - 3 buổi để giải quyết công việc, cho nên dễ không nhớ việc và thạo việc.
Lãnh đạo huyện Thanh Chương cùng với lãnh đạo HĐND tỉnh giám sát thực tiễn kiến nghị cử tri Thanh Yên. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo huyện Thanh Chương cùng với lãnh đạo HĐND tỉnh giám sát thực tiễn kiến nghị cử tri Thanh Yên. Ảnh: Mai Hoa
Từ thực tiễn đó, thị trấn đã bố trí kiêm nhiệm 2 hoặc 3 chức danh bán chuyên trách do 1 người đảm nhận, như Phó Chủ tịch UBMTTQ kiêm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân; Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ kiêm chuyên trách xóa đói, giảm nghèo; Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn xã kiêm quản lý nhà văn hóa, đài truyền thanh xã… Như vậy, từ 21 chức danh bán chuyên trách, thông qua bố trí kiêm nghiệm, thị trấn đã giảm được 16 chức danh.
Nhờ đó mỗi năm thị trấn tiết kiệm được hơn 100 triệu từ ngân sách để chi hỗ trợ phụ cấp cho đội ngũ này khi chưa thực hiện kiêm nghiệm; tiết kiệm kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Điều quan trọng hơn cả, khi được tổ chức tin tưởng giao đảm nhận nhiều nhiệm vụ, gắn với tăng phụ cấp hưởng 200% chức danh bán chuyên trách (tương đương với mức lương công chức), thực sự tạo động lực để đội ngũ này đầu tư thời gian, chăm lo, nâng cao hiệu quả công việc, có những cán bộ còn chủ động học tập nâng cao trình độ… 

Cùng với cơ cấu lại đội ngũ bán chuyên trách, ở thị trấn còn thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cấp khối. Cụ thể, có 8 bí thư chi bộ kiêm trưởng khối; 8 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận; 8 phó bí thư kiêm trưởng khối. Ở cấp xóm, chức danh  Chi hội phó Chi hội Phụ nữ cũng được kiêm nhiệm cộng tác viên DS - KHHGĐ, trẻ em.

Còn ở xã  Thanh Tiên, xã loại II được bố trí 21 chức danh bán chuyên trách, nhưng qua bố trí kiêm nhiệm đã giảm 8 bán chuyên trách. Song song với đó, ở một số xóm  đã bố trí bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng và Chi hội nông dân chỉ bố trí Chi hội trưởng mà không bố trí chi bộ phó để giảm số lượng người hoạt động ở xóm, giảm gánh nặng ngân sách, tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống.

Đồng chí Nguyễn Văn Loan - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tiên, cho biết, nếu thời gian tới, Trung ương tiến hành sửa đổi Nghị định 92/2009/NĐ-CP và cấp trên cho các đơn vị cấp xã một cơ chế, thì đơn vị sẽ quyết tâm tinh giản biên chế ở khối công chức để tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Hơn 40 năm làm Bí thư - Trưởng thôn, hiện ông Nguyễn Văn Trường ở Thôn Lĩnh Hồng - Thanh Lĩnh vẫn được người dân tin tưởng vì làm được, nói được. Ảnh: Đình Hà
Hơn 40 năm làm Bí thư - Trưởng thôn, hiện ông Nguyễn Văn Trường ở Thôn Lĩnh Hồng - Thanh Lĩnh vẫn được người dân tin tưởng vì làm được, nói được. Ảnh: Đình Hà

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Trọng Anh cho biết,  nhờ quyết liệt trong chỉ đạo, trong 3 năm qua, huyện Thanh Chương đã giảm được 179 biên chế, trong đó có 67 thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 108/NĐ-CP và không bố trí lại 179/378 cán bộ đã nghỉ hưu, nghỉ công tác. Theo đó tỷ lệ tinh giản biên chế từ năm 2015 đến nay đạt 3,1% so với biên chế được giao năm 2015.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, gắn với đề án vị trí việc làm, huyện đang tiếp tục chỉ đạo tinh giảm biên chế ở khối MTTQ và các đoàn thể cấp huyện, mỗi tổ chức từ 1 - 2 biên chế; đồng thời thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã ở những nơi có điều kiện và Văn phòng UBND kiêm Văn phòng Đảng ủy cấp xã...

Thông qua đại hội chi bộ, nhiệm kỳ 2017 - 2020, toàn huyện Thanh Chương có 107/502 bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng, chiếm 20,5%, tăng 96 đồng chí so với nhiệm kỳ 2015-2017; 206/502 đồng chí Phó bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng, chiếm 41%.

Tin mới