Thanh Chương phát triển vùng nguyên liệu sắn

(Baonghean.vn) - Người dân huyện Thanh Chương và một số huyện miền núi đang từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ cây sắn.

Nhiều năm qua, ông Trần Huy Bá và người dân thôn Ngọc Thượng, xã Thanh Ngọc huyện Thanh Chương không có khái niệm nông nhàn. Bởi ngoài trồng lúa, rau màu và chăn nuôi họ đã trồng thêm rất nhiều diện tích sắn nguyên liệu. Hộ ít năm sào, hộ nhiều như ông Bá trồng trên 10 ha.

Theo ông Bá và các hộ trồng sắn, trước đây sau khi thu hoạch lúa hè thu họ chỉ biết ngồi chơi, từ ngày trồng sắn nguyên liệu cho nhà máy, công việc bận hơn rất nhiều nhưng bù lại có thêm thu nhập ổn định, bình quân mỗi ha đạt 26 triệu đồng tiền lãi. Ông Bá chia sẻ: sắn là cây công nghiệp ngắn ngày dễ trồng, chịu hạn đỡ công chăm sóc nên có thể tận dụng được mọi nguồn quỹ đất. Dân chúng tôi gọi đây là cây xóa đói giảm nghèo.

Ông Trần Huy Bá và người dân thôn Ngọc Thượng, xãThanh Ngọc – Thanh Chương đang thu hoạch sắn để bán cho nhà máy.
Ông Trần Huy Bá và người dân thôn Ngọc Thượng, xãThanh Ngọc - Thanh Chương đang thu hoạch sắn để bán cho nhà máy.

Ông Trần Huy Bá và các hộ dân Thôn Ngọc Thượng chỉ là một bộ phận nhỏ trong số hàng chục ngàn hộ trên địa bàn huyện Thanh Chương và các huyện miền Tây Nghệ An đã và đang trồng sắn để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy tinh bột sắn Intimex Nghệ An. 

Nhà máy tinh bột sắn Intimex Nghệ An đang sản xuất ổn định với công suất mỗi năm tiêu thụ từ 120.000 - 180.000 tấn sắn củ. Niên vụ sản xuất 2015-2016 đã thu mua được 173.163 tấn củ tươi, chế biến 40.681 tấn sản phẩm, tổng doanh thu đạt 362 tỷ đồng. Trong đó, của huyện Thanh Chương khoảng 45.000 tấn, Tân Kỳ 30.000 tấn; các huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn mỗi huyện khoảng 15.000 tấn; Con Cuông, Nghĩa Đàn mỗi huyện khoảng 10.000 tấn.

Người dân xã Tái định cư Thanh Sơn– Thanh Chương đã coi cây sắn là cây trồng chính, năm nay xã Thanh Sơn trồng gần 300 ha.
Người dân tái định cư Thanh Sơn - Thanh Chương đã coi cây sắn là cây trồng chính. Năm nay xã Thanh Sơn trồng gần 300 ha.

Giá thu mua được quy định theo hàm lượng tinh bột để khuyến khích người dân thâm canh đúng kỹ thuật. Giá thu mua ở các vùng đều như nhau, vùng ở xa thì nhà máy tính cước vận chuyển cao hơn. Sự phối hợp này giúp nhà máy có nguồn nguyên liệu ổn định. Hiện tại mặc dù giá tinh bột sắn xuất khẩu không cao nên giá đầu vào cũng thấp nhưng Nhà máy vẫn cố gắng để người trồng sắn có lãi. Nhờ vậy mà nhiều nơi có diện tích sắn tăng nhanh như Thanh Ngọc tăng từ 169 ha lên 209 ha, Thanh Sơn tăng từ 207 ha lên 299ha.

Thu mua sắn tại nhà máy
Thu mua sắn tại nhà máy.

Đất trồng sắn chủ yếu là đất đồi núi, cồn vệ bạc màu... trước đây được trồng nhiều loại cây hoa màu phân tán, năng suất thấp. Nay nhờ đưa cây sắn vào trồng tập trung lại được ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất như: giống mới, kỹ thuật thâm canh mới, được nhà máy hỗ trợ một phần vật tư, phân bón và hiệp đồng bao tiêu sản phẩm nên người dân đã đầu tư, thâm canh, không ngừng tăng diện tích và đầu tư nhiều phương tiện máy móc thiết bị vào sản xuất.

Trần Đình Hà

(Đài Thanh Chương)

Tin mới