Thanh niên khởi nghiệp: Bí ở khâu pháp lý

(Baonghean) - Khái niệm “khởi nghiệp” hay “startup” hiện không còn quá mới mẻ, tuy nhiên, chỉ với ý tưởng sáng tạo và nguồn vốn hỗ trợ, nhiều thanh niên vẫn loay hoay chưa biết khởi nghiệp như thế nào và bắt đầu từ đâu. 

Phát động chương trình
Phát động chương trình "Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2021". Ảnh: SGGP

Muôn vàn cái khó

Là ông chủ trẻ của một cơ sở chế biến chè trên địa bàn huyện Thanh Chương, anh Nguyễn Ngọc Phúc đã phải tự tìm tòi, học hỏi nhiều nơi để có những hiểu biết nhất định về các khái niệm liên quan đến vốn điều lệ, thuế, thị trường,... Trở về quê sau thời gian đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, có một nguồn vốn kha khá, anh Phúc bắt đầu nung nấu ý tưởng làm giàu bằng chính tiềm năng sẵn có trên quê hương, đó là cây chè.

Điều mà anh ấp ủ là thành lập công ty chế biến chè búp với quy mô nhà xưởng lên đến hàng nghìn m2. Thế nhưng, huy động vốn như thế nào, các bước thành lập công ty ra sao thực sự là những câu hỏi khó đối với anh. Trải qua thời gian dài học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, hiện anh đã trở thành giám đốc của Công ty TNHH chè Phúc Hưng Thịnh với tổng doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng/năm.

Anh Phúc chia sẻ: “Ban đầu, mình nghĩ rằng chỉ cần có vốn là có thể khởi nghiệp. Nhưng khi thực sự bắt tay vào quá trình hiện thực hóa ý tưởng, mình gặp vô vàn khó khăn do thiếu hiểu biết về những vấn đề pháp lý”. 

Cũng như anh Phúc, nhiều thanh niên khác lâm vào tình cảnh “hụt hơi” khi bên cạnh thách thức vốn có của hoạt động khởi nghiệp lại nảy sinh thêm những cái được cho là “rừng” thủ tục về hành chính hay “núi” giấy phép. Đây thực sự là một rào cản rất lớn trên con đường hiện thực hóa giấc mơ làm giàu của nhiều thanh niên. 

Ngay cả ở các Tổng đội Thanh niên xung phong – doanh nghiệp đoàn thể được thành lập và hoạt động bởi tổ chức Đoàn thanh niên cũng không tránh khỏi sự lúng túng, bị động trong vấn đề pháp lý.

Tổng đội Thanh niên xung phong 8 và Tổng đội Thanh niên xung phong 10 đóng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đang tiến tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm sản xuất nông nghiệp, trong đó có chè Shan Tuyết.

Mặc dù đã có mẫu mã nhưng để sản phẩm có chỗ đứng vững chắc với “thương hiệu” riêng vẫn đang là bài toán đau đầu đối với các Tổng đội Thanh niên xung phong. Xây dựng thương hiệu, chiến dịch quảng bá thương hiệu, các chính sách sở hữu trí tuệ và rất nhiều các khái niệm liên quan đòi hỏi chủ thể doanh nghiệp phải có sự hiểu biết thấu đáo, cặn kẽ. 

Trao hỗ trợ cho mô hình thanh niên đã khởi nghiệp. Ảnh Thành Duy
Trao hỗ trợ cho mô hình thanh niên đã khởi nghiệp. (Ảnh Thành Duy)

Chưa đáp ứng yêu cầu

Nhiều thanh niên cho rằng sự hỗ trợ về tính pháp lý cho quá trình đầu tư, phát triển kinh tế chưa nhiều. Phần lớn nội dung được lồng ghép tại các buổi hội thảo, tuyên truyền, tư vấn về pháp luật nói chung chứ chưa có sự hướng dẫn cụ thể về quy trình, quy định và các chính sách liên quan đến khởi nghiệp. Do đó, thanh niên chủ yếu vẫn đang tự mày mò theo kiểu “vướng đâu gỡ đó”.

Anh Phan Văn Hiển – Bí thư Huyện đoàn Nghĩa Đàn cho biết: “Thời gian qua, các sở, ngành liên quan đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về pháp luật, trong đó có nội dung liên quan đến hành lang pháp lý cho thanh niên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vẫn chưa thực sự đi sâu, đi sát và đáp ứng được cái mà thanh niên hiện nay đang cần”. 

Hàng năm, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Tư vấn phát triển phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên Nghệ An tổ chức các lớp bồi dưỡng khởi sự doanh nghiệp cho thanh niên làm kinh tế giỏi. Song kiến thức về khởi sự nên được phổ biến rộng rãi chứ không chỉ giới hạn cho một bộ phận thanh niên đã có thành công nhất định. Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên Nghệ An cũng cần phát huy hơn nữa vai trò của mình để có thể giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc của thanh niên bất cứ khi nào họ cần.

Anh Phạm Tuấn Vinh – Bí thư Tỉnh đoàn cho rằng: Trên thực tế, lâu nay hoạt động hỗ trợ cho thanh niên lập nghiệp vẫn được các tổ chức Đoàn chú trọng. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận khách quan 2 chiều là nội dung về pháp lý chưa thực sự chuyên sâu và nhiều thanh niên cũng chưa có kiến thức nền tảng căn bản về hành lang pháp lý; dẫn đến những hạn chế, rủi ro trong quá trình đầu tư, kinh doanh. 

Đoàn viên thanh niên tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Nguyễn Cảnh Phương (xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương). Ảnh: Đình Hà
Đoàn viên thanh niên tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Nguyễn Cảnh Phương (xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương). (Ảnh: Đình Hà)

Nói về hướng triển khai hoạt động hỗ trợ sắp tới, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An nhấn mạnh, chưa bao giờ phong trào thanh niên khởi nghiệp được khuấy động mạnh mẽ và lan tỏa rộng khắp như hiện nay. Đây cũng là thời điểm mà tổ chức Đoàn nói riêng và toàn xã hội nói chung tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ thanh niên biến sáng tạo thành hiện thực.

Vì thế, Tỉnh đoàn Nghệ An đã và đang triển khai chuỗi hoạt động khởi nghiệp với nhiều nội dung như tập huấn khởi sự doanh nghiệp, tọa đàm thanh niên tham gia phát triển kinh tế, trao đổi kinh nghiệm khởi sự doanh nghiệp, tư vấn hỗ trợ thủ tục pháp lý... Thông qua đó, hướng dẫn chi tiết và tháo gỡ mọi vướng mắc liên quan đến quá trình khởi nghiệp cho thanh niên khi họ có nhu cầu.

Trăn trở của không ít thanh niên hiện nay là họ muốn làm giàu, muốn khởi nghiệp nhưng họ gần như chẳng có gì trong tay ngoài ý tưởng sáng tạo. Mặc dù kế hoạch kinh doanh của họ có sức thuyết phục đến mấy nhưng nếu ra ngân hàng, chắc chắn sẽ khó được vay vốn vì không có gì để thế chấp. Bởi thế, họ cần có môi trường khởi nghiệp với hệ thống chính sách thông thoáng, minh bạch; phát triển dồi dào các nguồn quỹ khởi nghiệp, có nhiều hơn các văn phòng tư vấn và dịch vụ hỗ trợ.

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN
 

Tin mới