Thanh niên Nghệ An tìm kiếm cơ hội trong thách thức

(Baonghean) - Dịch Covid-19 đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều tổ chức, đơn vị toàn tỉnh nói chung, đoàn viên, thanh niên nói riêng. Bên cạnh những mô hình kinh tế nguy cơ thất bại vì đại dịch thì vẫn còn nhiều điểm sáng “ngược dòng” tìm kiếm cơ hội.

Tự mình làm "shipper", áp dụng kỹ thuật vào sản xuất

Sở hữu trang trại chăn nuôi tổng hợp rộng hơn 1 ha, đoàn viên Nguyễn Xuân Trung ở xã Thượng Sơn nhiều năm qua là điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Đô Lương nói riêng và tuổi trẻ toàn tỉnh nói chung. Ngay cả khi đại dịch Covid-19 gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống chung thì trang trại của anh vẫn là một trong những mô hình giữ vững hiệu quả chăn nuôi, sản xuất.

Dẫn chúng tôi đến với hệ thống chuồng trại khang trang, sạch sẽ đang được sử dụng để chăn thả hơn 7.000 con gia cầm, anh Nguyễn Xuân Trung chia sẻ: “Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, trường học trước đây là đầu mối tiêu thụ sản phẩm quan trọng của các trang trại chăn nuôi. Vì vậy, khi các cơ sở này đóng cửa, đầu ra bị ảnh hưởng sẽ khiến cho người chăn nuôi đối mặt với nguy cơ thua lỗ bởi sau độ tuổi xuất bán, trọng lượng và chất lượng thịt của vật nuôi sẽ dần suy giảm. Trong khi đó, lượng thức ăn cung ứng mỗi ngày buộc phải duy trì ở mức cao khiến cho giá thành sẽ ngày một leo thang theo cấp số nhân”.

Trang trại của đoàn viên Nguyễn Xuân Trung (Thượng Sơn, Đô Lương) vẫn đều đặn xuất bán gia cầm trong tháng qua. Ảnh: Thanh Quỳnh
Trang trại của đoàn viên Nguyễn Xuân Trung (Thượng Sơn, Đô Lương) vẫn đều đặn xuất bán gia cầm trong tháng qua. Ảnh: Thanh Quỳnh

Đối diện tình hình, với Nguyễn Xuân Trung, việc anh thực hiện đầu tiên đó là tìm hiểu cách thức bổ sung các nguồn thức ăn tự nhiên gồm bột ngô, cám gạo... cho đàn vật nuôi của mình. Nhờ vậy, chi phí thức ăn được giảm đáng kể, trong khi chất lượng thịt ngày càng thơm ngon. Cùng với đó, anh cùng 2 lao động thường xuyên của trang trại tiến hành liên kết với các cơ sở kinh doanh hoạt động trong mùa dịch dưới hình thức giao hàng tận nhà trên địa bàn trong, ngoài huyện.

Nhờ nguồn cung hàng ổn định, chất lượng vật nuôi đảm bảo nên nhiều cơ sở kinh doanh đã lựa chọn anh Trung là đầu mối thân thuộc. Nhờ vậy, gần 1.700 con gia cầm và 5 tạ cá thành phẩm từ trang trại của anh vẫn tiêu thụ đều đặn trong mùa dịch vừa qua.

Thực tế, tuổi trẻ huyện Đô Lương thời gian qua đã có nhiều mô hình sản xuất thành công trong mùa dịch, trong đó phải kể đến những mô hình tiêu biểu như của các anh Nguyễn Công Thân, Đào Danh Huỳnh, Trần Hữu Đức, Hoàng Văn Thái... Các mô hình này vẫn duy trì mức tiêu thụ sản phẩm từ trang trại, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng.

Sự thành công đó không chỉ đến từ sự nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thị trường, tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm mà còn đến từ tinh thần không ngại khó, ngại khổ để hình thành “mạng lưới” khách hàng nhỏ lẻ. Bởi nếu như trước đó, họ tận dụng các đầu mối lớn với đội ngũ tư thương đến tận trang trại thu mua hàng, thì trong mùa dịch, chính họ phải trở thành “shipper” cần mẫn để đi bán thành phẩm.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, mô hình thanh long của đoàn viên Đàm Mạnh Cường (xã Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu) đã tránh được thời điểm ra hoa, kết trái trong mùa dịch. Ảnh: Thanh Quỳnh
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, mô hình thanh long của đoàn viên Đàm Mạnh Cường (xã Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu) đã tránh được thời điểm ra hoa, kết trái trong mùa dịch. Ảnh: Thanh Quỳnh

Ở vùng đất miệt biển Quỳnh Lưu, nhiều đoàn viên thanh niên cũng có cách làm sáng tạo, khoa học để vượt qua khó khăn. Anh Nguyễn Hữu Công - Phó Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Lưu cho biết, nổi bật trên hết đó là sự nhanh nhạy trong áp dụng khoa học kỹ thuật của các mô hình trồng thanh long. Quỳnh Lưu hiện có xấp xỉ 10 ha trồng thanh long tập trung ở các xã: Quỳnh Tam, Quỳnh Đôi, Quỳnh Thuận... Thông thường, chính vụ của thanh long sẽ rơi vào tháng 6 đến tháng 8 và có 2 lứa thanh long trái vụ vào khoảng thời gian còn lại. Trong đó có 1 vụ thu hoạch sẽ nằm trong khoảng thời gian tháng 4.

Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến thanh long ở các tỉnh miền Nam khó xuất khẩu. Vì vậy, để cây ra quả chậm hơn, tránh thời gian đại dịch, các đoàn viên thanh niên cùng gia đình đã tăng công suất tưới lên 3 - 4 lần/ngày và phủ rơm lên gốc để giảm nhiệt độ. Cùng đó, tiến hành điều chỉnh lượng phân bón, chỉ bổ sung phân hữu cơ vi sinh thay vì phân chuồng để cây duy trì sinh trưởng. Nhờ vậy, đa phần các mô hình thanh long tại địa phương đang cho thấy khả năng vững vàng trong mùa dịch này.

Tiếng nói chung của cấp bộ Đoàn

Sau 1 tuần được Ban Thường vụ Huyện đoàn Hưng Nguyên cùng Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế của huyện vào cuộc “giải cứu“ nông sản giúp mô hình của mình, anh Nguyễn Văn Hiếu (xóm 1, xã Long Xá) đã thở phào nhẹ nhõm khi diện tích trồng cà chua của gia đình đã được tiêu thụ toàn bộ.

Từ sự vào cuộc kịp thời của Đoàn cơ sở, gần 1 tấn cà chua mô hình sản xuất của đoàn viên Nguyễn Văn Hiếu (xóm 1, Long Xá, Hưng Nguyên) đã được “giải cứu“ thành công.
Từ sự vào cuộc kịp thời của Đoàn cơ sở, gần 1 tấn cà chua mô hình sản xuất của đoàn viên Nguyễn Văn Hiếu (xóm 1, Long Xá, Hưng Nguyên) đã được “giải cứu“ thành công.

Anh Hiếu cho biết, kể từ năm 2016, để đa dạng hóa các cây trồng nông sản, nâng cao thu nhập, anh đã chuyển đổi diện tích đất trồng ngô sang canh tác một số loại rau rau màu để cung ứng cho thị trường rau sạch trên địa bàn huyện và thành phố Vinh. Những năm qua, mô hình vẫn có lượng tiêu thụ đều đặn, tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lượng xuất bán giảm mạnh; trong khi đó, cà chua bước vào chính vụ lại chín đồng loạt khiến cho gia đình không kịp trở tay.

Nắm bắt được tình hình ấy, Ban Thường vụ Huyện đoàn Hưng Nguyên cùng Đoàn xã và Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế huyện đã kịp thời hỗ trợ anh trong khâu thu hoạch sản phẩm. Đồng thời, đã tạo kênh tuyên truyền, quảng bá để sản phẩm từ mô hình có cơ hội tiếp cận với đông đảo người dân. Nhờ vậy, chỉ sau 5 ngày, gần 1 tấn cà chua của gia đình đã được xuất bán toàn bộ, số tiền thu về đạt trên 16 triệu đồng đã giúp anh có thêm vốn để quay vòng, phát triển sản xuất.

Nắm bắt được nhu cầu nguồn cung thực phẩm ngày càng lớn của người dân khi các cơ sở kinh doanh, ăn uống trên địa bàn đóng cửa, nhiều cơ sở Đoàn đến từ các địa phương như Tân Kỳ, Nghi Lộc, Diễn Châu... cũng đã có các hoạt động ý nghĩa nhằm hỗ trợ các đoàn viên, thanh niên quảng bá và tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Sự hỗ trợ này thông qua các kênh thông tin chính thống của Đoàn và các buổi sinh hoạt trực tuyến toàn đoàn địa phương.

Câu lạc bộ Thanh niên lập thân lập nghiệp thời gian qua là nơi giúp đoàn viên, thanh niên chia sẻ kinh nghiệm trong làm ăn, sản xuất để cùng nhau chèo lái mô hình kinh tế qua đại dịch. Ảnh: T.Q
Câu lạc bộ Thanh niên lập thân lập nghiệp thời gian qua là nơi giúp đoàn viên, thanh niên chia sẻ kinh nghiệm trong làm ăn, sản xuất để cùng nhau chèo lái mô hình kinh tế qua đại dịch. Ảnh: T.Q

Anh Thái Minh Sỹ - Trưởng Ban Phong trào Tỉnh đoàn chia sẻ, việc hỗ trợ thanh niên xây dựng và duy trì các mô hình kinh tế đã được triển khai hiệu quả trong thời gian qua, đặc biệt là khi đại dịch bùng phát. Chỉ tính riêng trong tháng 3, toàn tỉnh tổ chức 33 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trực tuyến để tháo gỡ những vướng mắc của đoàn viên khi vận hành các mô hình sản xuất.

Đồng thời, hỗ trợ 39 mô hình thanh niên phát triển kinh tế, 10 dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên trên địa bàn tỉnh với số vốn 1.880 triệu đồng. Tiêu biểu như mô hình trồng nấm của kỹ sư trẻ Cao Minh Long (Diễn Châu), mô hình sản xuất dược liệu từ thiên nhiên của anh Trần Trọng Phi (Yên Thành)…

Đối với Đoàn cơ sở các huyện, thành phố và thị xã tiếp tục triển khai hỗ trợ các mô hình thanh niên phát triển kinh tế về ứng dụng khoa học công nghệ, mô hình kinh tế sản xuất xanh, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường và hỗ trợ các cây, con giống. Nổi bật trong đó một số đơn vị như Thanh Chương đã chuyển giao khoa học kỹ thuật thành công cho 20 hộ dân nuôi cá lồng trên sông Lam; Diễn Châu hỗ trợ 2.400 cây giống cho 5 thanh niên có nhu cầu trồng rừng, phát triển trang trại tại các địa phương; hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng cho 2 thanh niên phát triển kinh tế…

Nhiều mô hình kinh tế của đoàn viên đã vượt khó để “khẳng định mình” trong  đại dịch. Ảnh: Thanh Quỳnh
Nhiều mô hình kinh tế của đoàn viên đã vượt khó để “khẳng định mình” trong đại dịch. Ảnh: Thanh Quỳnh

Sau những nỗ lực của đoàn viên, thanh niên và sự vào cuộc kịp thời của các cấp bộ Đoàn đã mang lại nhiều kết quả tích cực để “tiếp sức” cho các mô hình kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn. Chính những thách thức đã tạo nên cơ hội để tuổi trẻ Nghệ An từng bước khẳng định mình và tự tin “lội ngược dòng” để đưa các mô hình kinh tế ngày càng vững mạnh.

Tin mới