Thành phố Vinh cần cơ chế đặc thù để đột phá

(Baonghean) - Thành phố Vinh được xem là đầu tàu phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh, có vai trò lớn trong thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, thực tế hiện nay mặc dù là đô thị loại I, song do phân cấp trực thuộc tỉnh nên TP. Vinh còn vướng nhiều cơ chế, làm giảm sự đột phá. Vấn đề đặt ra là phải có cơ chế đặc thù, tăng tính chủ động cho đầu tàu này phát triển tương xứng vai trò và tiềm năng. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Viết Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh về vấn đề này. 

Đô thị Vinh ngày càng phát triển hướng hiện đại, văn minh.
Đô thị Vinh ngày càng phát triển hướng hiện đại, văn minh.

P.V: Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 2468 về việc phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Việc xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định này được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Viết Thanh: Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 239 phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung bộ. Năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Trong đó xác định rõ: Xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục- đào tạo; cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 2468 về việc phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị (Quyết định 2468) vào cuối năm 2015. 

Với những cơ sở đó, tỉnh Nghệ An giao TP. Vinh phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 2468 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở bám sát mục tiêu mà Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đặt ra đối với thành phố, Quyết định số 52 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050; cũng như thông qua việc rà soát lại những chương trình, đề án thực hiện Quyết định 239 còn phù hợp nhưng chưa thực hiện được. Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 2468 được UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe, cho ý kiến và đã được thông qua.

P.V: Vậy việc thông qua và triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định 2468 có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của thành phố Vinh, thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Viết Thanh: Cần phải xác định, việc xây dựng thành phố Vinh là trách nhiệm của cả tỉnh. Về phía thành phố, chúng tôi cũng phải thể hiện được vai trò của mình đối với sự phát triển của tỉnh. Tinh thần này thể hiện ngay khi có Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, tỉnh và thành phố đã đổi mới nhận thức, cách làm, kịp thời làm việc với các bộ, ngành để triển khai nhiều công việc chứ không chờ đến khi có Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 2468 mới vào cuộc.

Bước sang nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Đại hội Đảng bộ thành phố Vinh khóa XXIII tiếp tục thể hiện tinh thần, quyết tâm cao và cụ thể hóa, đưa nội dung Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị vào cuộc sống. Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, trong đó có các đề án, chương trình cụ thể để tiếp tục xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ trên 10 lĩnh vực như nghị quyết đặt ra. 

Ngã ba đường Trần Phú- Lê Duẩn, ảnh Sỹ Minh
Ngã ba đường Trần Phú- Lê Duẩn, ảnh Sỹ Minh

Có thể thấy, với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các bộ, ngành, cũng như sự thay đổi, quyết liệt trong cách làm của tỉnh, thành phố đã tạo đà cho kinh tế - xã hội Nghệ An, thành phố phát triển, bộ mặt đô thị thay đổi nhanh chóng, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, Vinh đã hình thành các yếu tố trung tâm vùng trên một số lĩnh vực như: Giáo dục và đào tạo phát triển mạnh với 6 trường đại học, 7 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp nghề với tổng quy mô đào tạo trên 92.000 sinh viên; lĩnh vực y tế có 20 bệnh viện và một số trung tâm chăm sóc sức khỏe; lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, trong đó số chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng lên đến con số 25 và đã có 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo hiểm…

Dựa trên nhịp độ phát triển đó, việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định 2468 là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành của tỉnh và thành phố Vinh cũng như các địa phương liên quan tiếp tục phối hợp hiệu quả hơn trong việc cụ thể hóa mục tiêu đã đề ra, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. 

P.V: Có ý kiến cho rằng, thành phố Vinh cần cơ chế đặc thù để tạo đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, có vậy mới thể hiện được vai trò đầu tàu không chỉ của Nghệ An mà cả khu vực Bắc Trung bộ. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Võ Viết Thanh: Đây là ý kiến rất xác đáng nhằm xây dựng thành phố Vinh đạt được mục tiêu đặt ra. Khó khăn hiện nay là yêu cầu vốn đầu tư lớn nhưng nguồn ngân sách hạn hẹp; hướng tháo gỡ được thành phố xác định là kêu gọi đầu tư, xã hội hóa và thực hiện bằng ngân sách. Tuy nhiên, muốn kêu gọi đầu tư phải thực hiện công tác quy hoạch.

Bên cạnh việc thành phố quy hoạch phân khu các phường, xã theo Quyết định số 52 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050 thì cũng đề nghị tỉnh quy hoạch dọc Đại lộ Vinh - Cửa Lò, khu vực hồ điều hòa; các trung tâm trục kết nối làm cơ sở cho việc mở rộng không gian thành phố sau này… Trên cơ sở đó, thành phố tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào địa bàn.

Một góc đô thị Vinh.
Một góc đô thị Vinh.

Thành phố cũng kiến nghị tỉnh có chính sách làm sao để đảm bảo Vinh vừa có trách nhiệm với cả tỉnh song cũng có nguồn lực để thực hiện đầu tư trên địa bàn như tăng tỷ lệ để lại trong phần vượt thu ngân sách hàng năm, từ nguồn khai thác quỹ đất do thành phố khai thác trên địa bàn sau khi trừ chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, tiền đất thu từ các dự án đầu tư trên địa bàn…

Mặt khác tăng tính chủ động cho thành phố trong điều hành một số vấn đề liên quan đến cấp phép kinh doanh, quản lý đô thị, cấp phép xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng. Ví dụ như: giao thẩm quyền cho UBND thành phố quyết định việc quản lý, vận hành, khai thác hệ thống giao thông đô thị (trừ các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đi qua địa bàn; cấp phép toàn bộ công trình nhà ở riêng lẻ trên địa bàn…).

Cùng với đó, đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách tái cơ cấu, sắp xếp lại một số đơn vị sự nghiệp trên địa bàn theo hướng tự chủ như: sáp nhập Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Nghệ An với Ban Nghĩa trang; Trung tâm Y tế dự phòng và phòng y tế với Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình; các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp…

Đường Quang Trung,ảnh Sỹ Minh
Đường Quang Trung,ảnh Sỹ Minh

Một vấn đề thành phố đang triển khai mạnh mẽ đó là công tác cải cách hành chính bằng việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý theo hướng xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Vì vậy, thành phố đề xuất tỉnh cho thực hiện thí điểm xây dựng chính quyền theo hướng này và cung cấp đủ nguồn tài chính công để thực hiện các dịch vụ công vì hiện nay mới chỉ cấp được 1/3 so với nhu cầu.

Mặt khác, chúng tôi cũng đang tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ cấp thành phố đến phường, xã. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là ở phường, xã, thành phố đề xuất tỉnh có chủ trương để bố trí 1 công chức văn phòng HĐND - UBND các phường, xã đảm nhận công tác văn phòng Đảng ủy hoặc cho thí điểm mô hình nhập văn phòng ở cấp xã để phục vụ chung. Cuối cùng, thành phố đề nghị tỉnh quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thành phố trưởng thành để không những tạo sự chủ động cho cán bộ chủ chốt của thành phố mà còn là nguồn cán bộ cho tỉnh. 

P.V: Cảm ơn đồng chí!

Ý kiến liên quan:

Ông Lương Bá Quảng - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Nghệ An:

Kiến trúc sư Lương Bá Quảng cho rằng: một trong những động lực chính để xây dựng TP. Vinh đáp ứng được các tiêu chí trung tâm vùng Bắc Trung bộ là phải thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Muốn vậy, Vinh phải thực sự là thành phố đáng sống thì lúc đó “người ta mới muốn đến” để định cư, làm việc, nâng sức cạnh tranh của thành phố. Tuy nhiên, trong điều kiện tài lực còn nhiều khó khăn, không thể so sánh với các thành phố lớn thì phải có cách làm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của TP. Vinh, mà trước hết là sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đang có ở địa phương.

Ông Tạ Khắc Uyên - Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành Nghệ An:

Hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành chủ yếu đưa khách từ Nghệ An đi tham quan còn đưa khách du lịch về thành phố Vinh ít. Du khách về thành phố Vinh cũng chỉ để nghỉ lại rồi đi thăm các địa phương khác. Do đó, muốn khách lưu trú và tham quan, TP. Vinh nên đi theo hướng du lịch mua sắm, du lịch tâm linh, văn hóa, lịch sử. Muốn vậy, trên địa bàn thành phố cần thu hút đầu tư để thêm các trung tâm mua sắm; đồng thời các ngành, địa phương liên quan phải tổ chức quảng bá hình ảnh, các điểm đến như: Đền Quang Trung, Đền Hồng Sơn, hệ thống các bảo tàng vốn rất đa dạng, phong phú các hiện vật...

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới