Thảo luận tại hội trường: Nhức nhối vấn đề bạo lực học đường

(Baonghean.vn) - Sáng 15/12, tại phiên thảo luận tại hội trường, trả lời các ý kiến của cử tri, đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT giải trình về vấn đề giáo viên dôi dư và bạo lực học đường.

» Giáo viên dôi dư dạy mầm non: 'Nhân văn' nhưng bất cập?

 » Nghệ An đang dôi dư hơn 1.500 giáo viên

 » Lời giải nào cho vấn đề ngăn chặn bạo lực học đường?

Giải trình về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi đã trả lời về một số nội dung liên quan đến giải quyết giáo viên dôi dư và tình trạng bạo lực học đường xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây.

Riêng vấn đề thực hiện mô hình trường học mới VNEN và xã hội hóa giáo dục sẽ trả lời trong phiên chất vấn buổi chiều.

v
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi: "Thời gian qua, Sở GD&ĐT và các ban, ngành liên quan đã tham mưu bổ sung 2.500 chỉ tiêu để góp phần giải quyết giáo viên dôi dư ở bậc tiểu học, THCS".

Đối với vấn đề giáo viên dôi dư, đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, Sở GD&ĐT cũng như các ban, ngành đã có những cân nhắc trong tìm giải pháp giải quyết, và việc triển khai đã được công khai đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở các phiên họp HĐND tỉnh. Tuy nhiên chưa thể giải quyết triệt để. Đại biểu Kim Chi nói rõ: “Đây chỉ là 1 giải pháp, thậm chí là giải pháp tình thế, mà đã là giải pháp tình thế thì có cái được và chưa được. Nhưng tại thời điểm này, đây là giải pháp hợp lý nhất”.

Thời gian qua, Sở GD&ĐT và các ban, ngành liên quan đã tham mưu bổ sung 2.500 chỉ tiêu để góp phần giải quyết giáo viên dôi dư ở bậc tiểu học, THCS trong xu thế khi bậc Mầm non còn thiếu rất nhiều giáo viên, còn giáo viên Tiểu học và THCS trong những năm tới không tăng thêm biên chế theo chủ trương tinh giản biên chế của Chính phủ. Vì thế, hiện đang xảy ra tình trạng thiếu cục bộ, chủ yếu thiếu giáo viên dạy âm nhạc, tiếng Anh, Tin học, không thiếu giáo viên dạy Văn, Toán.

c
Cô và trò trường Tiểu học Huồi Nhao, xã Nậm Càn, Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu.

Vì thế, nếu không giải quyết vấn đề giáo viên dôi dư tại thời điểm này ở Tiểu học và THCS thì chỉ có 2 phương án xử lý là cắt hợp đồng hoặc thực hiện theo cách đã và đang làm.

Nếu cắt hợp đồng sẽ gây thiệt thòi cho giáo viên, nhất là với những giáo viên đã hợp đồng trên 10 năm, gây bất an trong xã hội. Tuy đây là cách làm đúng quy định, và một số địa phương khác trong nước đã thực hiện. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi cũng cho biết, đối với những trường hợp đặc biệt như quá nhiều tuổi (trên 45 tuổi) hoặc giáo viên nam thì Sở sẽ có những tư vấn về bố trí việc làm hợp lý hơn.

Giải thích về nguyên nhân xảy ra hiện tượng bạo lực học đường gia tăng, đại biểu Kim Chi cho biết, do mặt trái của cơ chế thị trường. Qua kiểm tra của ngành, của sở, thấy rằng đối tượng tham gia đánh nhau thường là các em đã có biểu hiện cá biệt, bỏ học nhiều lần, thậm chí đã không còn theo học trong nhà trường. Gia đình, thầy cô, giáo viên chủ nhiệm cũng đã nhiều lần giáo dục, bảo ban, nhắc nhở nhưng cũng không có hiệu quả. Nguyên nhân nữa là do những em này thường có hoàn cảnh gia đình đặc biệt không được giáo dục thường xuyên, bố mẹ đi làm ăn xa hoặc không có bố, mẹ, ở với ông bà… nên việc quản lý chăm sóc từ gia đình lỏng lẻo.

Hình ảnh đánh bạn của học sinh Trung tâm GDTX huyện Đô Lương.
Hình ảnh đánh bạn của học sinh Trung tâm GDTX huyện Đô Lương. 

Trong 24h/ ngày thì nhà trường chỉ theo sát quản lý học sinh được 6 tiếng trên lớp, còn 18 tiếng nữa là phụ thuộc vào cộng đồng, xã hội. Vì thế, ngoài trách nhiệm của ngành Giáo dục, đại biểu Kim Chi cho rằng cần có sự “chung sức, chung lòng của gia đình, nhà trường, xã hội và các cơ quan chức năng cùng phối hợp, rèn luyện, giáo dục học sinh, nếu có trường hợp vi phạm thì phải xử lý nghiêm”.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nêu ý kiến, bạo lực thực sự là tình trạng báo động, cần phải có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội, đặc biệt là ngành Giáo dục và ngành Văn hóa.

Trả lời về vai trò, trách nhiệm của ngành VH -TT&DL về vấn đề bạo lực học đường, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng: Bạo lực học đường là vấn đề bức xúc của xã hội. Việc đưa ra các giải pháp hạn chế, ngăn chặn vấn đề này đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và có nhiều câu trả lời cho việc trách nhiệm thuộc về ai.

Ngành VH-TT&DL đã nhận thấy được trách nhiệm của mình. Vì thế, ngành sẽ tăng cường phối hợp với ngành Giáo dục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở các địa phương; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. 

Tuy nhiên, đại biểu Cường cũng cho rằng, việc thực hiện trường học thân thiện, học sinh tích cực thời gian đầu triển khai tốt, có hiệu quả nhưng hiện nay đang có chiều hướng giảm sút. Vì thế, đề nghị Sở GD&ĐT cần tham mưu lại chương trình phối hợp giữa các ngành về xây dựng bộ quy tắc giáo dục, ý thức đạo đức cho học sinh để cùng thực hiện. Bên cạnh đó, các nhân tố liên quan như việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội cũng cần phải xem xét, quan tâm. Đặc biệt lưu ý hạn chế các tác động của mạng xã hội, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, hành vi ứng xử văn hóa cho học sinh…

Nhóm PV

Bạn đọc có thể gửi ý kiến tới Kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 17

[kien_nghi_hoi_dong]

TIN LIÊN QUAN

Tin mới