Thảo luận tổ 2 HĐND tỉnh: 'Nóng' giải quyết bội chi quỹ BHYT

(Baonghean.vn) - Chiều 11/7, dưới sự chủ trì của ông Hoàng Văn Phi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên, các đại biểu HĐND tỉnh thuộc đơn vị bầu cử TP. Vinh và huyện Hưng Nguyên tiến hành thảo luận tổ.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Thành Duy
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 2. Ảnh: Thành Duy

» Bệnh viện ở Nghệ An 'mất ăn mất ngủ' vì lo bị xuất toán

Ngành Y tế cần thể hiện rõ vai trò trong xử lý bội chi quỹ BHYT

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Thị Hồng Toan - Tổng Biên tập Báo Nghệ An đánh giá, việc thông tuyến trong khám chữa bệnh đã giúp nâng cao chất lượng của các cơ sở y tế và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Tuy nhiên, hiện nay nổi lên vấn đề bội chi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Đánh giá, việc chỉ ra nguyên nhân bội chi quỹ BHTY còn chung chung, chưa đi vào cụ thể; trong khi BHXH Việt Nam đã xác định rất rõ 5 nguyên nhân chính dẫn đến bội chi quỹ BHYT, đại biểu Phạm Thị Hồng Toan đặt vấn đề:

“Chúng ta đã xoáy vào 5 nguyên nhân đó để tháo gỡ cho BHXH, ngành Y tế hay chưa? Nếu chúng ta không vào cuộc một cách thực sự ráo riết, quyết liệt sẽ ảnh hưởng lớn đến người có thẻ bảo hiểm và đặc biệt chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế”.

Dự phiên thảo luận, có bà Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh; ông Trần Văn Mão - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Đi vào cụ thể những bất cập trong xử lý bội chi quỹ BHYT, nhấn mạnh nỗi lo xuất toán đang “bao trùm” lên các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, đại biểu Phạm Thị Hồng Toan cho rằng, việc đặt vấn đề vượt trần, vượt quỹ với các cơ sở y tế là chưa thỏa đáng vì khi thông tuyến thì người có thẻ BHYT có quyền lựa chọn cơ sở y tế để khám, chữa bệnh.

Mặt khác, theo đại biểu Phạm Thị Hồng Toan đánh giá: ngành BHXH lo vượt quỹ, vượt trần, các bệnh viện lo đối phó làm sao khỏi bị xuất toán. Tuy nhiên, ngành Y tế gần như chưa thấy có động thái tham gia về chuyên môn mà đang để cho ngành BHXH, bệnh viện tự thực hiện với nhau.

“Vai trò của ngành Y tế như thế nào trong câu chuyện này? Vì BHXH quản lý nguồn quỹ, kiểm tra, giám sát về thực hiện ở các cơ sở y tế trong khám, chữa bệnh. Nhưng ngành Y tế phải làm trọng tài, tham gia về chuyên môn trong vượt trần, vượt quỹ” - đại biểu Hồng Toan đề xuất giải pháp.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Toan phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Duy
Đại biểu Phạm Thị Hồng Toan phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Duy

Cùng với đó, theo đại biểu Phạm Thị Hồng Toan, một trong những nguyên nhân gây bội chi quỹ BHYT là do tiền lương, tiền công được tính vào giá dịch vụ y tế dẫn đến giá dịch vụ tăng lên. Song giá mức đóng BHYT có tăng không? và nếu có tăng thì đã tương xứng để đảm bảo cân đối được với việc tăng viện phí, dịch vụ y tế.

Tổng Biên tập Báo Nghệ An cho rằng, để giải quyết vấn đề tăng giá dịch vụ y tế và mức đóng BHYT, các văn bản liên quan đang còn áp dụng ở các thời điểm khác nhau, chưa đồng bộ và không bắt nhịp được với tăng giá dịch vụ nên cần phải có giải pháp điều chỉnh các văn bản liên quan một cách đồng bộ ở cấp Trung ương.

Phẫu thuật nội soi ở Bệnh viện đa khoa Thanh Chương. Ảnh tư liệu
Phẫu thuật nội soi ở Bệnh viện đa khoa Thanh Chương. Ảnh tư liệu

Để giải quyết bội chi quỹ BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế, đại biểu Phạm Thị Hồng Toan cũng cho rằng cần xem lại quy định yêu cầu chứng chỉ hành nghề lẻ đối với bác sỹ; đồng thời đại biểu cũng không đồng tình việc ngành BHXH can thiệp sâu trong chuyên môn của các cơ sở y tế.

“Bộ Y tế thẩm định danh mục các thuốc để điều trị một bệnh cụ thể. Tuy nhiên, BHXH Nghệ An có công văn yêu cầu, bác sỹ phải chỉ định loại thuốc rẻ tiền, còn dùng thuốc đắt tiền trong danh mục đó thì bị xuất toán” - đại biểu Phạm Thị Hồng Toan dẫn chứng.

Gom lại vấn đề, đại biểu Phạm Thị Hồng Toan đề nghị: “Tỉnh, ngành Y tế phải vào cuộc rốt ráo việc này, trước hết là ổn định ở các bệnh viện trước nỗi lo xuất toán nhằm đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân”.

Chỉ rõ ngành nào, địa phương làm "tụt" chỉ số cải cách hành chính

Đây là ý kiến của đại biểu Trần Thanh Thủy - Giám đốc Viễn Thông Nghệ An. Nêu lên chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2016 giảm 17 bậc so với năm 2015, vị đại biểu này đánh giá, chỉ số cải cách hành chính chưa bền vững.

Từ thực tế đó, đại biểu Thanh Thủy đề nghị, cần phải nghiêm khắc phê bình, gắn trách nhiệm các ngành, địa phương trong việc thực hiện cải cách hành chính.

Đại biểu Trần Thanh Thủy phát biểu ý kiến. Ảnh Thành Duy
Đại biểu Trần Thanh Thủy phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt phải chỉ rõ: “ngành nào, địa phương làm ảnh hưởng dẫn đến chỉ số này tụt 17 bậc” - đại biểu Trần Thanh Thủy nhấn mạnh và cho biết giải pháp năm 2017 tỉnh sẽ đánh giá xếp loại chỉ số cải cách hành chính của các địa phương, ngành song cần công bố bộ tiêu chí rất rõ ràng.

Mặt khác, vị đại biểu này cũng cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. “Chúng ta có công cụ tốt nhưng các các sở, ban, ngành không vào cuộc thì sự lãng phí lớn” - đại biểu Thanh Thủy bày tỏ.

Các đại biểu cũng thảo luận rất sôi nổi nhiều vấn đề liên quan đến thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm, xây dựng nông thôn mới, xử lý ô nhiễm môi trường, quản lý xây dựng chung cư ở TP. Vinh; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là khi việc phân luồng học sinh đã có những tín hiệu khả quan.

Kết thúc, cuộc thảo luận, ông Hoàng Văn Phi đánh giá cao các ý kiến đại biểu và cho biết sẽ tiếp thu để tổng hợp chuyển HĐND tỉnh trong phiên thảo luận tại hội trường./.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới