'Thật giả lẫn lộn' trong thực hiện chính sách thương binh

(Baonghean) - Trong số 277 hồ sơ thương bệnh binh ở Nghệ An phải truy thu chế độ chính sách, có rất nhiều thương binh đã gửi đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền vì cho rằng mình là đối tượng “người thật việc thật” và thông tin: có nhiều người không là thương binh mà không bị đình chỉ. Vấn đề thật giả lẫn lộn này gây nhiều tranh cãi.    

» Hành trình đòi danh dự của các cựu binh bị đình chỉ chế độ
 

Thời gian này, nhiều cán bộ xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành) đang phải rốt ráo xác minh trường hợp ông Nguyễn Th (xóm Ngọc Thành) có phải là thương binh thật hay không. “Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện có văn bản đề nghị xã xác minh để kết luận chính xác, nhưng chúng tôi không đủ chuyên môn”, ông Trần Trọng Tiêm - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Thành nói. 

Ông Võ Văn Sâm (phải) và ông Minh cho biết, 2 ông đã đưa mỗi người 2 triệu đồng để nhờ ông Th “chạy” chế độ. Ảnh: Nguyên Tùng
Ông Võ Văn Sâm (phải) và ông Minh cho biết, 2 ông đã đưa mỗi người 2 triệu đồng để nhờ ông Th “chạy” chế độ thương binh. Ảnh: Nguyên Tùng

Hơn 1 tháng trước, một số lá đơn đề “Ban lãnh đạo Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Thành” được gửi đến nhiều cơ quan chức năng, tố cáo ông Th là thương binh giả vì ông này không hề trực tiếp chiến đấu và không bị thương. Ngoài ra, ông này còn được cho là nhận tiền của nhiều người khác để “chạy” chế độ chính sách, sau đó không “chạy” được nhưng vẫn không trả lại tiền.

Theo ông Tiêm, mặc dù xác định đơn tố cáo này là mạo danh, nhưng Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Thành vẫn tổ chức kiểm tra, kết luận vụ việc. “Ban lãnh đạo Hội Cựu chiến binh đã tìm hiểu qua một số kênh từ người dân, chi hội cựu chiến binh và đi đến kết luận, nhiều nội dung tố cáo là có thật, trong đó có việc ông Th đã nhận tiền của người dân để “chạy” chế độ chính sách”, ông Tiêm nói. Và ông Thái Huy Hoàng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành cho hay, lãnh đạo xã cũng đã cử cán bộ đến gặp ông Th để tìm hiểu, nhưng ông này không hợp tác. 

Về việc ông Th nhận tiền để “chạy” chế độ chính sách, ông Võ Văn Sâm (74 tuổi, ở Vĩnh Thành) nói rằng, ông là một trong những “nạn nhân”. “Khoảng 6 năm trước, ông Th có đến liên hệ để làm hồ sơ chất độc màu da cam. Tôi nghĩ mình chiến đấu ở chiến trường đó, lại đúng vào những năm tháng có chất độc bị rải xuống nên xứng đáng được công nhận bị chất độc màu da cam. Nên nhờ ông Th làm giùm”, ông Sâm kể và cho hay, sau đó gia đình ông đưa cho ông Th 2 triệu đồng để “chạy”. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, vẫn chưa có kết quả. Nhiều lần đến đòi lại tiền từ ông Th nhưng không được. 

Trong khi đó, liên hệ với ông Th, ông cho biết, tháng 11/1978 ông nhập ngũ, vào chiến đấu ở gần biên giới với Campuchia. Và chỉ ít ngày sau, trong trận đánh thứ hai kể từ khi tham gia ngũ, ông bị thương nặng. “Trong lúc chiến đấu, tôi bị nhiều mảnh đạn găm vào người, bất tỉnh, sau đó phải nằm viện hơn một tháng”, ông Th kể.

Sau khi xuất viện, tiếp tục trở lại đơn vị, một lần nữa ông lại bị thương. Tuy nhiên, vết thương lần này nhẹ hơn. “Sau đó, tôi được đưa đi giám định thương tật. Với kết quả tỷ lệ thương tật chỉ là 31%, tôi nghĩ giám định không đúng. Vì tôi bị thương nặng hơn nên tôi không đồng ý với kết quả đó, đề nghị được giám định lại. Tuy nhiên, tháng 7/1983, tôi được đơn vị cho xuất ngũ. Lúc đó, tôi vẫn chưa được giám định lại mặc dù có đầy đủ  giấy chứng thương, giấy ra viện”, ông Th cho biết thêm. 

Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi có chủ trương giải quyết chế độ cho người có công, ông Th nói rằng, lúc đó ông đã mang toàn bộ giấy tờ gốc này cho một hàng xóm nhờ làm giùm. Tuy nhiên, khi chưa kịp làm hồ sơ để công nhận thương binh thì người hàng xóm này qua đời.

Toàn bộ giấy tờ gốc gồm giấy chứng thương và ra viện của ông Th cũng “mất tích”. Mãi đến năm 2004, ông Th mới quyết định đi làm hồ sơ để được xác nhận là thương binh. Dựa vào lý lịch quân nhân còn lưu tại một số đơn vị và các giấy tờ khác, năm 2006 ông Th chính thức được công nhận là thương binh với tỷ lệ thương tật 33%; hiện mỗi tháng ông được hưởng gần 1,5 triệu đồng tiền trợ cấp. “Tuy nhiên, cũng từ đó người ta bắt đầu nghi kị tôi. Họ nói tôi là thương binh giả, chạy chọt”, ông Th nói… 

Những trường hợp thật giả lẫn lộn không chỉ diễn ra trên địa bàn huyện Yên Thành mà ở hầu hết các địa phương. Ông Đinh Bạt Tiến (xã Nghi Công Bắc, Nghi Lộc) dù đã nhiều lần đệ trình hồ sơ lên các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được xét duyệt chế độ thương bệnh binh dù hồ sơ của ông đã đầy đủ theo quy định. “Vì bị mất hết giấy tờ gốc nên từ những năm 2004 tôi đã phải nhờ một ông quê tận Hà Tĩnh làm giúp. Mất 4 triệu đồng, nhưng làm mãi chả được”, ông Tiến nói.

Giấy chứng nhận phục viên là giấy tờ gốc duy nhất mà ông Đinh Bạt Tiến còn giữ được. Ảnh NVCC
Giấy chứng nhận phục viên là giấy tờ gốc duy nhất mà ông Đinh Bạt Tiến còn giữ được. Ảnh NVCC

Khi ông Tiến lên huyện đội hỏi thì được trả lời vì chữ ký trong quyết định xuất ngũ và giấy chứng thương cùng một màu mực, nên ông cần có thêm những thủ tục pháp lý khác để chứng thực. Sau đó ông đã đích thân đi ra tận đơn vị cũ cấp sư đoàn để khôi phục, may mắn cũng đã có đủ giấy tờ theo yêu cầu nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận.

Khi được hỏi về người nhận làm hộ ông Tiến, ông cho hay đây là một người trong quân ngũ, có nhiều mối quan hệ, nên ông ấy nhận sẽ ra tận sư đoàn tìm giấy tờ gốc giúp, và những thủ tục khác ông ấy cũng hứa sẽ có cách. “Nên dù “người thật việc thật” nhưng vì điều kiện sức khoẻ nên tôi muốn nhờ một người thạo việc này giúp cho”, ông Tiến nói. Cũng theo ông Tiến, ông này cũng đã giúp nhiều đối tượng trong xã làm được hồ sơ thương binh “trót lọt” bằng đường dây riêng”.

Hay như nhiều trường hợp ở TP. Vinh tuy đươc thanh tra của Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội ra quyết định đình chỉ trợ cấp vì còn một số sai khác so với danh sách quân nhân tại sư đoàn, hoặc trong hồ sơ thủ tục của các thương binh có nhiều điểm nghi vấn, thì trong số 132 thương binh bị đình chỉ trợ cấp có nhiều thương binh cho rằng họ “bị oan”. Đơn cử như trường hợp của ông Thái Khắc Ba (phường Hưng Dũng).

Ông Thái Khắc Ba cho rằng mình bị oan trong kết luận giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ thương bệnh binh. Ảnh: K.N
Ông Thái Khắc Ba cho rằng mình bị oan trong kết luận giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ thương bệnh binh của Sở LĐTB&XH. Ảnh: K.N

“Lúc nhận được quyết định đình chỉ trợ cấp của Sở LĐ-TB&XH từ tháng 4/2015, với tội danh làm giả hồ sơ để hưởng chế độ thương binh tôi bủn rủn hết chân tay, không hiểu họ lấy căn cứ đâu để cho rằng tôi làm giả giấy tờ”. Rồi ông kể, ông từng là lính của Binh chủng Tăng thiết giáp. Tháng 12/1978 ông có lệnh được điều đi chiến đấu ở nước bạn Campuchia. “Lúc chiến đấu ở chiến trường Campuchia chúng tôi đâu nghĩ đến chuyện được trở về, tiểu đội tôi có 22 xe tăng thì chỉ còn 7 xe, đồng chí Đại đội trưởng hy sinh thì tôi được cấp trên cử làm Đại đội trưởng thay thế.

Quá trình chiến đấu anh em chúng tôi hầu hết đều bị thương, riêng tôi sau khi xuất ngũ đã được giám định tỷ lệ thương tật 38%. Thế nhưng bây giờ bảo tôi làm giả thì quả thật tôi không biết làm cách nào để minh oan cho mình. Chế độ là một chuyện nhưng danh dự của người lính lại là chuyện khác”,  ông Ba giãi bày.

Quyết định bị đình chỉ trợ cấp chế độ thương binh của Sở LĐTB & XH đối với ông Thái Khắc Ba. Ảnh NVCC
Quyết định bị đình chỉ trợ cấp chế độ thương binh của Sở LĐTB & XH đối với ông Thái Khắc Ba. Ảnh NVCC

Ông Trần Đình Lan - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nghệ An cho rằng,  vì các thông tư trước đây có lúc còn chưa chặt chẽ. Chỉ cần có hai đối tượng làm chứng là đủ tính pháp lý, nên đã tạo điều kiện cho một số đối tượng làm hồ sơ thương binh giả. “Trong khi đó, cũng có nhiều đối tượng “người thật việc thật” vì không còn giấy tờ gốc nên cũng phải “chạy” theo các đường dây này để hy vọng được công nhận thương binh. Vì thế việc thật giả lẫn lộn là thực tế đang diễn ra và việc phân loại đối tượng đang cần nhiều giải pháp khoa học hơn. Hiện có nhiều đối tượng bị đình chỉ chính sách hỗ trợ nhưng họ là thương binh.” Ông Lan cho biết. 

Khi được hỏi làm thế nào để giúp những người tham gia kháng chiến bị thương được phục hồi chế độ, ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cho biết: “Đến nay chúng tôi cũng chưa nhận được văn bản, chủ trương của cấp trên trong việc xác minh lại những hồ sơ của đối tượng bị đình chỉ nhưng chưa bổ sung được chứng lý. Vì vậy dù biết có tình trạng thật giả lẫn lộn nhưng chưa thể vào cuộc để làm sáng tỏ vấn đề này ”.

(Còn nữa) 

Khôi Nguyên - Hiến Tùng

TIN LIÊN QUAN
 

Tin mới