Thay đổi trong quan hệ đối tác ODA

(Baonghean) - Cho tới thời điểm hiện nay, đã có những thay đổi trong quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ nguồn vốn đầu tư phát triển chính thức - nguồn vốn ODA và vay ưu đãi. Đó là sự thay đổi về chính sách viện trợ, về cơ cấu nguồn vốn và về phương thức hợp tác phát triển.

Lãi suất sát với thị trường vốn
Theo các chuyên gia kinh tế, cụ thể của những thay đổi ấy trước hết là về chính sách viện trợ. Theo tập quán viện trợ phát triển quốc tế, viện trợ với những điều kiện ưu đãi dành cho các nước nghèo, chậm phát triển thu nhập thấp chính là tính chất ưu đãi viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi. Cơ cấu nguồn viện trợ cũng cho thấy, nột số nhà tài trợ điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn ODA cung cấp cho Việt Nam theo hướng giảm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và các khoản vốn vay ưu đãi, mở các kênh tín dụng mới có các điều kiện cho vay kém ưu đãi hơn với lãi suất sát với lãi suất thị trường vốn, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ ngắn hơn. Về phương thức hợp tác phát triển, một số nhà tài trợ chuyển đổi hình thức quan hệ hợp tác phát triển chính thức với Chính phủ Việt Nam sang hỗ trợ trực tiếp để phát triển quan hệ hợp tác giữa các đối tác của hai bên. Một số nhà tài trợ có thể chấm dứt chương trình cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam.  
Nhà máy nước ở Nam Giang (Nam Đàn) sử dụng nguồn vốn ODA Phần Lan.  Ảnh: Hoàng Vĩnh
Nhà máy nước ở Nam Giang (Nam Đàn) sử dụng nguồn vốn ODA Phần Lan.  Ảnh: Hoàng Vĩnh.

 Sự thay đổi tiếp theo ở cách tiếp cận và mô hình tài trợ phát triển, với việc tăng cường áp dụng tiếp cận chương trình, ngành, hỗ trợ ngân sách chung và hỗ trợ ngân sách có mục tiêu; khuyến khích sự tham gia vào quá trình phát triển của các tổ chức phi chính phủ; hỗ trợ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển các lĩnh vực công, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH; phân công lao động và bổ trợ lẫn nhau trên cơ sở lợi thế so sánh giữa các nhà tài trợ. Những thách thức trong việc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn cũng cho thấy xu thế nguồn vốn ODA giảm dần và vốn vay ưu đãi tăng lên, tùy thuộc vào năng lực hấp thụ nguồn vốn này của các đối tác Việt Nam. Đây là một thách thức đòi hỏi các cơ quan thụ hưởng Việt Nam phải tăng cường năng lực và cải tiến mạnh mẽ tình hình thực hiện dự án để thúc đẩy giải ngân. 

Nguồn nội lực có vai trò quyết định
Trong tầm nhìn đến năm 2020 và những năm tiếp theo, cần nhận thức rõ rằng để phát triển bền vững trong môi trường trong nước và quốc tế đang thay đổi với nhiều khó khăn và thách thức đan xen, Việt Nam nhận thức rằng nguồn nội lực có vai trò quyết định. Dựa vào nội lực là quan điểm rất quan trọng, cùng với sự tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài. Việt Nam mong muốn thông qua mối quan hệ hợp tác phát triển với các nhà tài trợ để tăng cường mạnh mẽ sự hợp tác trực tiếp giữa các đối tác của Việt Nam, bao gồm các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học, các cá nhân với các đối tác tương ứng của các nhà tài trợ để đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. 
 Trong đó, lời hứa sẽ sử dụng tập trung hơn nguồn vốn hỗ trợ phát triển, đặc biệt là vốn vay kém ưu đãi để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội quy mô lớn, có giá trị và tạo ra tác động lan tỏa đối với sự phát triển chung của cả nước, cũng như của các Bộ, ngành và địa phương là điểm quan trọng nhất. 
Trong định hướng sử dụng tối đa các khoản vay ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới, Việt Nam dự định sử dụng vốn ODA không hoàn lại để thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ chính sách, phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người; hỗ trợ trực tiếp cải thiện đời sống kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân, nhất là người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; chuẩn bị chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. 
Hình thành các trung tâm kinh tế biển lớn
Về các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Việt Nam đã đưa ra các nguyên tắc quan trọng, đó là: tập trung ưu tiên thực hiện 3 đột phá lớn; hỗ trợ thực hiện Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước giai đoạn 2011-2020. Ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án đầu tư công quan trọng khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân, sử dụng các nguồn vốn vay thương mại. Đồng thời, sử dụng nguồn vốn này như một giải pháp khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua nhiều mô hình và phương thức khác nhau trong đó có hợp tác công - tư (PPP).  
Cảng Cửa Lò (ảnh minh họa)
Cảng Cửa Lò (ảnh minh họa).
Trên cơ sở các nguyên tắc trên, điều quan trọng là nguồn vốn này sẽ được sử dụng để phát triển các tuyến đường cao tốc, ưu tiên phát triển hệ thống đường bộ ở những vùng có dung lượng hàng hóa lớn, các địa bàn thuộc các cực tăng trưởng, kết nối với các địa phương, vùng miền, với khu vực và quốc tế, tạo ra tác động lan tỏa mạnh, thúc đẩy tăng trưởng của cả nước. Xây dựng mới, hiện đại hóa và nâng cao năng lực các dịch vụ tổng hợp của một số cảng biển nước sâu của quốc gia; hình thành các trung tâm kinh tế biển lớn. Xây dựng một số sân bay quốc tế, nâng cấp và xây mới một số tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị, kể cả metro ở một số thành phố lớn. Phát triển nhanh hệ thống nguồn điện, lưới điện truyền tải và phân phối; phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, các công trình phòng chống thiên tai và hiện đại hóa hệ thống thông tin, để đáp ứng yêu cầu phát triển và giảm nhẹ thiên tai... 
Sông Hồng 

Tin mới