Thấy gì từ 9 tuyển thủ U23 thi đấu ở Vòng 5 V-League 1-2022?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trong khi câu chuyện mới mẻ “đưa U23 Việt Nam thi đấu tại V-League như một CLB” chưa có được kết luận và quyết định cuối cùng, thì mối quan tâm về việc những cầu thủ U23 nào được các đội bóng sử dụng tại vòng 5 V-League1-2022 vừa qua tiếp tục được dõi theo từng phút, từng giây.

Điều lệ V-League 2022 chưa nêu rõ quy định mỗi trận đấu phải có bao nhiêu cầu thủ U23 đá chính nên mong mỏi này càng xứng đáng được đo đếm và “nói to lên” sau từng cặp đấu vừa qua.

Những gương mặt nổi bật của U23 Việt Nam. Ảnh tư liệu

Những gương mặt nổi bật của U23 Việt Nam. Ảnh tư liệu

Quả vậy, trong số 6 cặp đấu V-League 1-2022, có 3 tuyển thủ U23 Việt Nam được đá chính và chơi trọn vẹn 90 phút. Đó là tiền vệ Hoàng Anh của T. Bình Định trong trận hòa HAGL 1-1. Tiền vệ này vừa gia nhập đội bóng đất võ nhưng ngay từ đầu đã chiếm suất đá chính, vượt qua nhiều tên tuổi gạo cội là điều hiếm thấy và đáng chờ đợi. Đó là hậu vệ Lương Duy Cương của Đà Nẵng trong trận gặp đội khách Hà Nội FC, cùng đồng đội chơi bùng nổ ở hiệp 1, sau đó chỉ để thủng lưới 1 bàn do công của Văn Quyết ở hiệp 2 và giữ được chiến thắng sát nút đầy quý giá (2-1). Cầu thủ thứ 3 được đá chính vốn không quá bất ngờ vì “đẳng cấp” vốn có là Thanh Bình của Viettel trong trận gặp đội khách Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Thanh Bình chơi không tệ nhưng đáng tiếc là cuối trận đội bóng để thủng lưới rất đáng tiếc và không đủ thời gian để gỡ gạc dù ép sân suốt trận.

Một cầu thủ U23 khác được đá chính nhưng chỉ chơi 80 phút là Trần Văn Công của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh trong trận thắng bất ngờ trước Viettel ở những phút cuối. Không góp công trong bàn thắng quý giá của đội khách nhưng tuyển thủ U23 này thi đấu tích cực, cùng toàn đội giữ được thế trận cân bằng cần thiết để sau đó tung đòn kết liễu mọi cố gắng của đội chủ nhà.

Vào sân trong các thời điểm khác nhau của các trận đấu là 5 cái tên thuộc U23 Việt Nam, đáng mừng hay đáng lo chắc không nói thì ai ai cũng biết. Đó là Nhâm Mạnh Dũng cùng Trần Danh Trung chỉ được vào sân từ ghế dự bị ở cuối hiệp 2 trong trận đấu với Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Mạnh Dũng thi đấu đầy cố gắng, có cơ hội làm nên chuyện nhưng không thành công. Tuy nhiên, đây là mẫu cầu thủ của tương lai nhờ có thể hình tốt, thể lực sung mãn, lối chơi hiện đại. Hy vọng Mạnh Dũng sẽ được cọ xát nhiều hơn, thử sức nhiều hơn trong các trận đấu tới, đủ sức chia lửa với các ngoại binh trên mặt trận tấn công của đội bóng áo lính.

Được tung vào sân từ hiệp 2 là tiền vệ Quang Nho của Hải Phòng trong trận thắng Sài Gòn FC (3-0). Khi đội nhà dẫn trước 2-0, Quang Nho vào trận khá thoải mái và góp công trong bàn thắng thứ 3 dễ dàng của đội nhà nhưng điều đó không có nghĩa tiền vệ này đã chơi tốt, thậm chí là ngược lại như chính cầu thủ này thừa nhận.

Hai cái tên trong lứa U23 đến từ HAGL là Võ Đình Lâm và Nguyễn Thanh Nhân cũng được tung vào sân nhưng tận phút 90 của trận đấu hòa nhọc nhằn trước chủ nhà T.Bình Định nên không nói lên được điều gì. Tương tự là Nguyễn Văn Tùng của Hà Nội FC trong trận thua Đà Nẵng trên sân khách, chỉ được vào phút cuối không đủ làm nóng chứ nói gì ghi bàn. Tiền vệ đầy tiềm năng Nguyễn Hai Long thậm chí chỉ có tên trong danh sách dự bị của Hà Nội FC mà không hề được “ngó ngàng” tới trong trận đấu trên sân Đà Nẵng…

Có một cái tên đình đám của U23 Việt Nam vốn đang được cho đội hạng Nhất Đắk lắk mượn và đang được gọi trở lại Viettel là Tuấn Tài. Chưa thể nói trước được điều gì về việc cầu thủ này có được sử dụng hay không ở V-League tới đây. Chỉ biết danh sách chấn thương của Viettel có Tiến Dũng, Đức Chiến… vốn là các trung vệ, có mở ra cơ hội nào cho Tuấn Tài vốn là một hậu vệ biên hay không?

9-10 cái tên U23 Việt Nam có mặt ở một vòng đấu V-League là tín hiệu mở đầu đầy hy vọng, đáp ứng mong đợi của giới chuyên môn và người hâm mộ gần xa. Tuy vậy, có thể nói, đóng góp của các nhân tố trẻ là không nhiều, nếu không nói là rất khiêm tốn ở sân chơi chuyên nghiệp này. Bóng đá Việt đến thời điểm này chưa có sự phát hiện thú vị nào từ cầu thủ trẻ, dù họ chơi khá tốt ở sân chơi châu lục trước đối thủ cùng trang lứa. Sân chơi V-League 1,2-2022 vốn khắc nghiệt, đầy toan tính nên cơ hội thực ra rất hẹp với các cầu thủ trẻ. Khi và chỉ khi những ai biết nắm lấy cơ hội dù nhỏ mỗi lần được tung vào sân thì mới có hy vọng tiến dần, tiến sâu qua từng vòng đấu. Trong trường hợp ngược lại, chính họ phải đi tìm con đường để được cọ xát thường xuyên ở V-League 2 chẳng hạn, nghĩa là lùi một bước để tiến một, hai bước sau này?

Tin mới