Thầy giáo “làng” và tấm bằng tiến sỹ xuất sắc

Bốn năm trước, việc thầy giáo Nguyễn Văn Yên (Trường THPT Yên Thành 3) quyết định làm nghiên cứu sinh khiến nhiều người bất ngờ và hoài nghi. Nhưng, bằng sự nghiêm túc, thầy đã viết nên một câu chuyện đầy khâm phục khi có đến 7 bài nghiên cứu đăng ở các tạp chí nước ngoài uy tín và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ với kết quả xuất sắc.

Vì sao lại quyết định học tiến sỹ – đó là câu hỏi đầu tiên tôi đặt cho thầy giáo Nguyễn Văn Yên khi thầy vừa hoàn thành xong khóa học và trở lại quê lúa Yên Thành với vai trò của một giáo viên dạy Vật lý ở Trường THPT Yên Thành 3. Trả lời cho câu hỏi này là một đáp án khá thú vị “Tôi đam mê nghiên cứu khoa học và muốn tìm hiểu đến tận cùng các kết quả”.

Nghiên cứu khoa học và chặng đường làm tiến sỹ dường như cũng là hành trình để thầy Nguyễn Văn Yên tìm lại được chính con người mình và khám phá những điều mà trước đây thầy nghĩ rằng vốn “không thể” thành cái “có thể”. Nói về câu chuyện này, thầy giáo Nguyễn Văn Yên tâm sự rằng: “Sau khi tốt nghiệp khoa Vật lý – Trường Đại học Sư phạm Vinh, tôi về làm giáo viên cấp III và công việc này hầu như không liên quan đến việc nghiên cứu khoa học. Vì thế, khi tôi quyết định làm nghiên cứu sinh chuyên ngành “Khoa học Vật liệu”, tôi biết đang làm khó “chính mình” và muốn thành công thì chắc chắn phải nỗ lực gấp 5, gấp 10 người khác”.

Trước khi làm tiến sỹ, thầy Nguyễn Văn Yên đã có hai năm học thạc sỹ ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh). Khi  chọn ngôi trường cách xa quê nhà hơn 1000 cây số, thầy Yên cũng chỉ đơn giản nghĩ rằng “đi một ngày đàng học một sàng khôn” và muốn khám phá một môi trường giáo dục mới. Nhưng, như một cái “duyên”, tại đây, thầy được người thầy đầu tiên của mình là PGS Lê Thế Vinh “truyền lửa” và từng bước hướng dẫn thầy đến với các công trình khoa học. Sau khi tốt nghiệp, nhận thấy tố chất và niềm đam mê của chàng thanh niên xứ Nghệ, thầy lại giới thiệu cho anh đến với PGS.TS khoa học Phạm Khắc Hùng và PGS Nguyễn Văn Hồng (Viện Vật lý của Đại học Bách khoa Hà Nội) và khuyến khích anh tiếp tục học nghiên cứu sinh. “Bén duyên” với  nghiên cứu khoa học, thầy giáo Nguyễn Văn Yên đón nhận cơ hội này như một lẽ dĩ nhiên mà không lường trước chặng đường vất vả phía trước: “Hướng nghiên cứu của tôi tập trung vào các vật liệu silicat bằng phương pháp mô phỏng động lực học. Đây cũng là vật liệu đang có tính thời sự, thu hút nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới và nếu thành công sẽ ứng dụng được nhiều trong thực tế để sản xuất gốm, silicat…

Chọn con đường nghiên cứu sinh, thầy giáo Nguyễn Văn Yên nhận được sự ủng hộ của nhà trường và được tạo điều kiện về thời gian để thầy yên tâm học tập tại Hà Nội. Tuy nhiên, với đồng lương ít ỏi của giáo viên cấp III, để sống được ở Thủ đô không dễ dàng. Trong khi đó, ở quê, thầy vẫn đang còn trách nhiệm của một người trụ cột, người chồng, người cha trong gia đình: “Ngay khi đến Hà Nội,  tôi đã tìm đến các trung tâm gia sư xin dạy thêm để trang trải. Đây còn là cách để tôi không bỏ quên kiến thức phổ thông, cập nhật chương trình và tiếp cận với những đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4 năm gắn bó với Hà Nội, “sống” bằng nghề gia sư, thầy Yên cũng đã quen dần với mọi ngõ ngách ở đây và chấp nhận bước vào một cuộc “cạnh tranh” khá khắc nghiệt  với các đồng nghiệp khác: Gia sư ở Hà Nội, không giống như ở quê. Ở đây, phụ huynh, học sinh tự chọn gia sư và họ căn cứ vào các nhận xét, bình luận, căn cứ vào kết quả học tập của các khóa trước để lựa chọn giáo viên và trả lương theo năng lực, trình độ… Để theo kịp yêu cầu, thầy Yên dường như không có thời gian nghỉ, vừa dạy, vừa phải nghiên cứu tài liệu, sách tham khảo. Trong thời khóa biểu hàng ngày của thầy cũng luôn luôn kín lịch. Trong đó, buổi ngày dành cho những bài nghiên cứu, làm thí nghiệm ở trường đại học. Từ 5h chiều trở đi, thầy chạy “sô” cho các lớp gia sư. Nhiều hôm, gần 11 giờ đêm mới về đến phòng trọ và chỉ kịp ăn tạm một gói mì lót dạ.

Khó khăn hơn cả, trong quá trình làm nghiên cứu sinh chính là áp lực về các bài báo đăng ở tạp chí nước ngoài. Thầy Yên còn nhớ, sau khi bài viết đầu tiên của thầy gửi cho một tạp chí chuyên về Vật lý ở nước ngoài, thầy mất hơn hai tuần chờ đợi. Nhưng, đáp lại là một bức thư trả lời với rất nhiều câu hỏi chỉ ra những điều chưa hợp lý, thiếu cơ sở. Sau những lần đó, thầy với các giáo viên hướng dẫn của mình lại tiếp tục miệt mài trong phòng thí nghiệm. Đôi khi, chỉ một kết quả, thầy và trò cũng  phải làm đi làm lại hàng chục lần, mất hàng tháng trời mới hoàn thành. Bài báo đăng trên hệ thống tạp chí ISI đầu tiên, thầy giáo Nguyễn Văn Yên làm cùng nhóm với PGS. Nguyễn Văn Hồng. Sau này, có được bài báo thứ nhất, thầy tự tin làm chủ và có động lực viết tiếp bài thứ hai, thứ ba và bao giờ kết quả của những bài sau cũng đầy đủ và hoàn chỉnh hơn, nhận được sự đồng tình cao của giới chuyên môn: “Mỗi một lần gửi đi là một lần hồi hộp và chờ đợi. Nếu bị từ chối lại càng thất vọng hơn. Tuy nhiên, khi đọc lại kỹ những gì họ phản biện, chỉ ra những hạn chế của mình, tôi thấy quả là có lý, và bắt đầu lại từ đầu… Nói sửa lại  nhưng cũng có nghĩa là gần như làm lại toàn bộ: thay mẫu, thí nghiệm lại, xây dựng bài viết và gửi đi một tạp chí khác, cũng trong hệ thống ISI” – thầy giáo Nguyễn Văn Yên nhớ lại.

Kết thúc 4 năm làm nghiên cứu sinh, thầy giáo Nguyễn Văn Yên đã có 7 bài báo ISI với tổng chỉ số trích dẫn (IF) là gần 10, trong đó có 2 bài đạt chỉ số Q1 (tạp chí chiếm vị trí cao nhất về chỉ số trích dẫn), 3 bài Q3, 2 bài Q4. Trong số 7 bài báo ISI của thầy thì có 2 bài ở Ba Lan, 2 bài ở Anh, 1 ở Canada, 2 bài ở Singapore.

Với “kỷ lục” có 7 bài báo ISI, thầy Yên cũng trở thành một trong những nghiên cứu sinh có kết quả học tập tốt nhất ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2018, tại lễ trao giải thưởng Luận án tiến sỹ xuất sắc của trường, thầy giáo Nguyễn Văn Yên là 1 trong 2 người được trao thưởng. Giải thưởng Luận án tiến sỹ xuất sắc được xét dựa trên những tiêu chí như: kết quả bảo vệ xuất sắc với tối thiểu 6/7 thành viên Hội đồng đánh giá xếp loại xuất sắc, kết quả công bố của luận án trong tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI-Scopus, chất lượng uy tín của tạp chí nơi NCS công bố; Luận án bảo vệ đúng hạn.

Kết thúc khóa học, trở về với Trường THPT Yên Thành 3, thầy giáo Nguyễn Văn Yên tiếp tục trở về với công việc đứng lớp hàng ngày và bắt nhịp lại với môi trường và những người đồng nghiệp cũ. Xa trường gần 7 năm, thầy Yên cũng cho biết, môi trường của một trường THPT và một trường đại học không giống nhau. Công việc hiện tại của một giáo viên dạy Vật lý lớp 10 – 11 – 12 và một nghiên cứu sinh cũng có những điểm khác biệt buộc mình phải dung hòa. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đứng trên bục giảng hơn 15 năm, với tư duy của một người làm khoa học, thầy Yên khẳng định, mình sẽ phải đổi mới và áp dụng được những giải pháp tiên tiến vào giảng dạy ở nhà trường…

Câu chuyện của người giáo viên “làng”, đam mê và làm nghiên cứu sinh thành công cũng tạo động lực và thổi lên một luồng gió mới cho đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường THPT Yên Thành 3 và trong toàn ngành giáo dục Nghệ An. Riêng thầy Yên, trò chuyện với chúng tôi trước lúc chia tay, thầy tâm sự: “Có nhiều người nói rằng, làm giáo viên cấp III thì không cần phải nỗ lực nhiều, không cần phải quá chú trọng về bằng cấp, học vị. Nhưng tôi thì nghĩ khác, vì học thì sẽ “được một sàng khôn”, giúp tôi có cơ hội “khám phá” bản thân và được khẳng định mình. Tôi cũng nhận ra, giáo viên, ở trường “làng” dù thực sự không lớn, không to tát nhưng nếu nỗ lực thì vẫn có thể làm nên những thành công và nếu tự tin thì cứ mạnh dạn vươn ra biển lớn, để được một lần khám phá bản thân.