Thầy giáo Thái Bá Am và “bài toán” cây na

(Baonghean) - Có một người cả cuộc đời đã coi Toán học là niềm đam mê lớn của mình, đó là thầy giáo Thái Bá Am. Ngay từ khi còn học tại Trường Huỳnh Thúc Kháng, ông đã dành phần lớn thời gian cho niềm đam mê này, tài năng của ông thực sự khiến mọi người mến phục. Đặc biệt, vận dụng tư duy toán học, thầy giáo Thái Bá Am đã tìm ra hướng phục hồi và phát triển các giống cây ăn quả Nghệ Tĩnh như: cam Xã Đoài, cam bù Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch trái vụ, chanh trái vụ, khế ngọt, quất tứ đại đồng đường, hồng xiêm, mãng cầu, gioi xanh… với mong muốn giúp bà con có thể làm giàu ngay trên mảnh đất bạc màu quê nhà...

Na là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, thích hợp với mọi lứa tuổi. Người Trung Quốc rất quý quả na, xem nó là vua của các loại quả; người Anh, người Mỹ cũng rất trọng quả na, gọi nó là quả táo trứng sữa (Custard apple). Còn thầy giáo Thái Bá Am gọi cây na là cây xóa đói giảm nghèo của người Nghệ Tĩnh.

Na là một loại cây có tuổi thọ cao (trên 50 năm), dễ tính, không kén đất, chỉ có một yêu cầu đơn giản là đất cao ráo, thoát nước tốt. Cây na cũng rất chịu phân bón, từ bùn ao, cống rãnh, rác thải đến phân xanh… đều có thể sử dụng. Đối với người trồng cây ăn quả, đặc biệt với người nông dân đây là một lợi thế vì bớt được một khoản đầu tư lớn cho đầu vào. Một ưu điểm nổi trội khác của cây na là ít bị sâu bệnh. Cho đến nay, chưa thấy na bị một thứ sâu bệnh nào phá hoại hàng loạt như ở cam, chanh…, không cần dùng thuốc trừ sâu, trừ bệnh nên môi trường và người sản xuất đều được bảo vệ. Cây na đòi hỏi vốn đầu tư ít, các thao tác kỹ thuật trồng và chăm sóc hoàn toàn phù hợp với trình độ canh tác của người nông dân hiện nay. Sau khi trồng, khoảng hai năm, cây na có thể cho thu hoạch . Đây là những ưu thế không phải loại cây lưu niên nào cũng có.

Vấn đề đặt ra là tại sao với những ưu điểm vượt trội trên nhưng cây na vẫn chưa được chấp nhận làm cây kinh tế hàng hóa? Từ mâu thuẫn đó, thầy giáo Thái Bá Am đã nghiên cứu và phát hiện ra 3 nhược điểm lớn của cây na: Hoa na rất nhiều nhưng tỷ lệ đậu quả thấp; Mùa thu hoạch quả ngắn nên lúc thu hoạch giá trị kinh tế không cao, giống như cây vải thiều ở Lục Ngạn, Hà Bắc; Quả na chín dễ bị dập nát khi vận chuyển.

Lời giải nào cho 3 bài toán nêu trên? Sau hơn 10 năm trăn trở nghiên cứu, ông đã tìm ra lời giải một cách trọn vẹn.

1. Nâng cao tỷ lệ đậu quả

 Thái Bá Am tìm hiểu cấu tạo của hoa na, đó là loại hoa lưỡng tính nhưng không tự thụ phấn được. Thông thường vào mùa xuân, mỗi cây na có từ 500-1.000 búp và hoa, nhưng tỷ lệ đậu quả rất thấp, chỉ từ 1 - 2%. Vào những năm thời tiết không thuận (mưa nhiều, gió Lào), tỷ lệ đó còn thấp hơn nhiều. Hơn nữa, do 3 cánh hoa na kẹp vào quá chặt, hoa lại chúc xuống đất nên o­ng, bướm khó trợ giúp cho sự thụ phấn. Ông đã nghiên cứu khắc phục tỷ lệ đậu quả thấp của hoa na bằng một biện pháp hết sức đơn giản, đó là nuôi kiến để thụ phấn bổ khuyết. Kiến nhỏ tí xíu, lại năng hoạt động, dễ luồn lách vào 3 cánh hoa kẹp chặt. Nuôi kiến tưởng chừng rắc rối nhưng thực ra khá đơn giản, chỉ cần một túm vải màn cũ buộc lên cành na và thỉnh thoảng tưới ẩm lên đó là lũ kiến nhỏ sinh sôi, nảy nở, giục nhau đi hút mật hoa, đồng thời thụ phấn cho những hoa na có trên cành. Thực tiễn cho thấy, với biện pháp này, tỷ lệ đậu quả đạt từ 90 - 100%.

2. Chủ động điều khiển sự ra hoa

Để kéo dài mùa thu hoạch na là đưa năng suất cây na lên 20 - 30 lần so với cây bình thường, ông đưa biện pháp phun chất kích thích sự ra hoa. Ông nắm chắc thời gian từ lúc phun đến lúc ra hoa 30 ngày, từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch 120 ngày. Vì thế, khi chưa đến vụ hay khi hết vụ, người trồng vẫn có na để bán. Tất nhiên, na sớm hay na muộn đều bán được giá. Việc điều khiển được thời gian thu hoạch sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Nhờ vậy, “quả na Thái Bá Am” không ở tình trạng “nhà một giỏ, đỏ cả chợ”.

3. Vận chuyển đi xa

Để quả na đến được các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga…, ông đưa ra biện pháp chỉ thu hoạch na già chứ không thu hoạch na chín. Na già bảo quản ở nhiệt độ 17 - 200C sẽ không thể chín, đến thị trường tiêu thụ mới ủ ở nhiệt độ từ 30-350C cho ra na chín để bán. Với cách làm này, quả na Nghệ An dễ dàng đến với thị trường lớn trong nước và thế giới.

Có thể nói, với những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả, ông đã khắc phục hoàn toàn những nhược điểm của cây na, phát huy những ưu điểm tới mức tối đa, đưa quả na quê ông trở thành một loại quả độc đáo so với các vùng khác và làm chủ được thị trường.

Nhờ năng sử dụng phẩm chất tư duy Toán học, thầy giáo Thái Bá Am đã giải quyết trọn vẹn một chuỗi bài toán liên hoàn về cây na từ A đến Z. Điều thú vị là từ kết quả nghiên cứu, rồi đây cây na  sẽ trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho người dân  vùng đất cát bạc màu Nghi Lộc nói riêng và cả xứ Nghệ nói chung.

Giờ đây, ông tiếp tục niềm đam mê của mình trong nghiên cứu các giống cây ăn quả Nghệ Tĩnh, đặc biệt trong việc phục hồi và phát triển giống cam Xã Đoài, một đặc sản nổi tiếng của xứ Nghệ để làm kinh tế hàng hóa, giúp người nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình.

TS. Nguyễn Thái Tự

Tin mới