Thế giới 24/7: Nhật Bản “tơi bời” trong siêu bão; “Truy tìm” người nói xấu TT Trump

(Baonghean.vn) - Thế giới tuần qua diễn ra nhiều sự kiện quốc tế nổi bật, như: Quân đội chính phủ Syria mở chiến dịch tấn công thành trì phiến quân; "Truy tìm" người viết bài báo nói xấu Tổng thống Trump; Sự tàn phá của bão, động đất ở Nhật Bản; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nga...
Bản đồ syria
Quân đội Syria chuẩn bị tấn công thành trì phiến quân: Quân đội Syria đang chuẩn bị một chiến dịch lớn để giải phóng Idlib, vốn là thành trì cuối cùng của phe nổi dậy. Các lực lượng tăng viện của quân đội Syria đã có mặt tại khu vực tiền tuyến ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Idlib, Latakia ở phía tây bắc và Hama ở miền trung Syria, vốn là ba mũi tiến công trong chiến dịch giải phóng Idlib sắp tới. Ảnh: Phân bố lực lượng giữa quân chính phủ Syria và phiến quân tại Idlib và các vùng lân cận. Đồ họa: IRIN. 
 
Damascus đã chuẩn bị cho cuộc chiến này trong một thời gian dài. Tuy nhiên, Mỹ cảnh báo hành động của Syria sẽ gây ra một bi kịch đẫm máu. Còn Nga nhấn mạnh Idlib là điểm nóng cuối cùng của chủ nghĩa khủng bố và chính phủ của Tổng thống Assad có quyền truy quét khủng bố ra khỏi đất nước của họ. Ảnh: Quân đội Syria tiến hành tấn công chống bọn khủng bố chiếm các cao điểm ở Tulul al-Safa thuộc vùng sa mạc Essaouida ở miền nam Syria ngày 7/9. Ảnh: Sputnik 
Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran kết thúc với bất đồng.
 
Với nỗ lực ngăn cuộc chiến đẫm máu ở thành trì phiến quân Syria, ngày 7/9, Tổng thống của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có cuộc họp Thượng đỉnh tại Tehran để thảo luận về tình hình chiến sự tại tỉnh Idlib. Các bên nhất trí rằng cuộc xung đột tại Syria chỉ có thể chấm dứt thông qua "tiến trình đàm phán chính trị" thay vì các biện pháp quân sự, đồng thời phải kiến tạo những điều kiện an toàn tại Syria để đảm bảo quá trình hồi hương những người tị nạn Syria, đồng thời hợp tác để xóa sổ hai tổ chức khủng bố là "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và Mặt trận Nusra. Ảnh: Reuters 
 
"Truy tìm" người viết bài báo nói xấu Tổng thống Trump: Ngày 5/9, New York Times đăng bài viết hiếm với tiêu đề "Tôi là một phần của phe chống đối trong chính quyền TT Trump" của một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền. Quan chức này nhấn mạnh các quan chức cấp cao tận tụy với đảng Cộng hòa và không đứng về phía phe Dân chủ đối lập. Tuy nhiên, “nghĩa vụ hàng đầu của chúng tôi là với đất nước, và tổng thống đang tiếp tục hành xử theo cách làm tổn hại tới nền cộng hòa của chúng ta”, quan chức giấu tên viết. Tổng thống Trump ngay lập tức công kích bài viết nặc danh là "hèn nhát" và cho rằng người viết bài xã luận chống lại ông trên New York Times phải bị điều tra bởi đây là vấn đề an ninh quốc gia. Ảnh: NYT 

Người ta đều thắc mắc nhân vật tự nhận là quan chức cao cấp của Nhà Trắng kia có thể đạt được lợi ích gì sau màn "phản bội" công khai tổng tư lệnh. Những quan chức đã phủ nhận mình viết bài Op-Ed đăng trên New York Times tính đến ngày 6/9, trong đó có Phó tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Tổng chưởng lý Jeff Sessions , Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin... Ảnh: AFP
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nga: Ngày 5/9 giờ Moscow, tức 16h30 chiều 5/9 theo giờ Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thủ đô Moscow, bắt đầu chuyến thăm chính Liên bang Nga theo lời mời của Tổng thống Nga Putin. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm tại thành phố Sochi hôm 6/9, tập trung trao đổi ý kiến sâu rộng về các phương hướng và biện pháp lớn nhằm tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhất trí nỗ lực cao nhất đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả. Ảnh: TTXVN 
 
Trước đó, chiều 5/9, tại Moskva, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến với Thủ tướng Liên bang Nga, Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất Dmitry Medvedev. Hai bên nhấn mạnh hợp tác kinh tế luôn đóng vai trò rất quan trọng trong tổng thể quan hệ hai nước, nhất trí quyết tâm đưa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn nữa để tương xứng với quan hệ về chính trị, văn hóa và tiềm năng còn rất lớn của hai bên. Ảnh: TTXVN 
 
Thành phố của Đức tê liệt vì biểu tình: Hôm 3/9, phe cánh tả biểu tình ở thành phố Chemnitz chống nạn kỳ thị chủng tộc và kỳ thị giới tính, kêu gọi chính phủ giám sát chặt chẽ đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD), tổ chức theo đường lối dân túy, công khai ủng hộ những cuộc biểu tình của phe cực hữu. Nhiều chính trị gia cũng đang xem xét việc có nên coi AfD là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia hay không. Ảnh: Reuters 
 
Trước đó, hôm 2/9, hàng nghìn người theo chủ nghĩa cực hữu tại Chemnitz xuống đường hô vang khẩu hiệu bài ngoại, đồng thời tấn công những người có vẻ là người ngoại quốc. Đảng AfD được cho là ủng hộ những cuộc biểu tình bạo lực này. Ảnh: AP 
 
Cảnh sát Chemnitz đã phải từ chối cấp phép cho nhóm những người thuộc phe cực hữu được biểu tình hôm 3/9 vì thành phố không còn bất cứ khoảng trống nào để hàng trăm người nữa xuống đường. Sự đối đầu đã khiến Chemnitz tê liệt trong nhiều ngày qua, đường phố bị hạn chế lưu thông, phương tiện công cộng ngừng hoạt động và mạng di động liên tục gặp sự cố. Hàng trăm cảnh sát đã được huy động nhằm bảo vệ trật tự trên đường phố trong bối cảnh đối đầu leo thang. Ảnh: AP
Bão Jebi
 
Thiên tai tàn phá Nhật Bản: Cơn bão mạnh nhất trong vòng 25 năm đã bắt đầu đổ bộ vào Nhật Bản từ hôm 4/9, mang theo gió mạnh và mưa giông nguy hiểm khiến nhiều người buộc phải sơ tán. Bão Jebi có sức gió mạnh đến 216 km/h, đồng thời là trận bão mạnh nhất kể từ năm 1993. Sau một ngày hoành hành miền Tây Nhật Bản, siêu bão Jebi đã khiến ít nhất 6 người thiệt mạng, 150 người bị thương, 300.000 người phải di tản và hơn 1,6 triệu hộ dân bị mất điện. Ảnh: Kyodo 
 
Nhiều thành phố lớn như Osaka, Kyoto và Kobe hoàn toàn tê liệt trong ngày 4/9 khi nhiều tuyến đường bị cấm lưu thông, hàng loạt xưởng sản xuất và các phương tiện công cộng phải tạm ngưng hoạt động. Theo ước tính hơn 800.000 hộ dân bị mất điện. Ảnh: AFP
 
Trong lúc Nhật Bản vẫn đang nỗ lực hồi phục sau cơn bão Jebi thì ngày 6/9 đã xảy ra trận động đất mạnh 6,7 độ tại đảo Hokkaido gây sạt lở nghiêm trọng, ít nhất 30 người chết, 120 người bị thương, nhiều người mất tích, chôn vùi nhiều ngôi nhà ở chân núi thị trấn Atsuma. Ảnh: Reuters 
  
Thủ tướng Shinzo Abe cho biết 4.000 binh sĩ đã tham gia vào chiến dịch giải cứu và con số này có thể tăng lên tối đa 25.000 người. Ông nhấn mạnh việc cứu người là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Trong ảnh: Nhân viên cứu hộ tìm kiếm những người sống sót từ một căn nhà bị hư hại do sạt lở đất gây ra bởi trận động đất tại thị trấn Atsuma, Hokkaido. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi ngày 3/9 ở Bắc Kinh
 
Ông Tập trấn an các nước châu Phi: Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi kéo dài hai ngày ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố những khoản đầu tư của Trung Quốc vào các nước châu Phi "không kèm theo ràng buộc chính trị". "Việc Trung Quốc hợp tác với châu Phi rõ ràng nhằm khai thông các nút thắt cổ chai trong quá trình phát triển". Tại các quốc gia châu Phi, Trung Quốc đầu tư vào đường bộ, đường tàu, cầu cảng và các dự án cơ sở hạ tầng khác. Giới phân tích cảnh báo các dự án này đang biến một số nước châu Phi thành con nợ lớn của Trung Quốc. Ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi ngày 3/9 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. AFP
 
Myanmar kết án hai phóng viên 7 năm tù vì xâm phạm bí mật nhà nước: Trong phiên tòa ngày 3/9, hai phóng viên của hãng thông tấn Anh Reuters là Wa Lone, 32 tuổi và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, bị kết tội vi phạm Luật về Bí mật Chính thức của Myanmar, đạo luật hà khắc có từ thời thuộc địa Anh với mức án cao nhất lên tới 14 năm tù, AFP đưa tin. "Hai bị cáo đã cố ý gây tổn hại đến lợi ích nhà nước", thẩm phán Ye Lwin tuyên bố. "Mỗi người lĩnh án 7 năm tù". Hai phóng viên phủ nhận mọi cáo buộc và cho biết họ đã bị cài bẫy khi đang phanh phui vụ sát hại 10 người Hồi giáo Rohingya ở ngôi làng Inn Din, thuộc bang ven biển phía tây Rakhine, hồi tháng 9 năm ngoái. Theo họ, những người này bị giết mà không thông qua xét xử. Ảnh: Reuters 

Tin mới