Thế giới 24h/7: Nguy cơ xung đột Nga - Ukraine; Nhiều vấn đề chia rẽ “phủ bóng” G20

(Baonghean.vn) - Nguy cơ xung đột sau khi Nga bắt 3 tàu của Ukraine; Nhiều vấn đề chia rẽ "phủ bóng" tại Hội nghị thượng đỉnh G20; Quân đội Mỹ sử dụng khí cay ngăn chặn người di cư tại biên giới với Mexico; Tranh cãi về thí nghiệm tạo em bé biến đổi gen ở Trung Quốc... là những tin tức nổi bật của thế giới tuần qua.
Tàu tuần tra Nga bao vây tàu hải quân Ukraine gần eo biển Kerch. Ảnh: RT
Nguy cơ xung đột Nga - Ukraine: Sáng 25/11, lực lượng tuần duyên Nga đã tạm giữ 3 tàu hải quân của Ukraine tại Biển Đen, gần bán đảo Crimea. Moscow cáo buộc 3 tàu của Kiev vi phạm Điều 19 và 21 trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, khi cố tình xâm phạm lãnh hải Liên bang Nga. Phía Ukraine cũng cáo buộc Nga vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển khi cản trở tự do hàng hải. Trong ảnh: Tàu tuần tra Nga bao vây tàu hải quân Ukraine gần eo biển Kerch. Ảnh: RT
Thủy thủ tàu chiến Ukraine (giữa) bị đặc nhiệm Nga dẫn ra khỏi tòa án ở Crimea hôm 28/11.

Ngày 26/11, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch ban bố tình trạng thiết quân luật trên biên giới với Nga. Đây là lần đầu tiên Kiev ban bố thiết quân luật kể từ khi xung đột với Nga từ năm 2014. Đáp lại, quân đội Nga lên kế hoạch triển khai một trạm radar có khả năng phát hiện các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình từ khoảng cách xa tại khu vực gần cảng Sevastopol, nơi đặt căn cứ Hạm đội Biển Đen của Moskva. Trong ảnh: Thủy thủ tàu chiến Ukraine (phải) bị đặc nhiệm Nga đưa tới một tòa án ở Crimea hôm 28/11. Ảnh: Reuters

Các máy bay phản lực của Nga bay qua cây cầu nối liền đất liền với bán đảo Crimea

Ukraine liên tục hối thúc Mỹ, NATO và các nước châu Âu phản ứng mạnh mẽ với hành động của Nga. Tuy nhiên, lãnh đạo NATO, EU và Đức cũng chỉ lên tiếng phản đối việc Nga nổ súng bắt tàu chiến Ukraine mà không đề cập đến bất cứ hành động trên thực địa nào để phản ứng. Tổng thống Mỹ Donald Trump thì không trực tiếp chỉ trích Nga mà chỉ tuyên bố ông có thể hủy cuộc gặp với Putin bên lề hội nghị G20 sắp diễn ra. Trong ảnh: Tàu hàng của Nga chắn ngang lối đi qua eo biển Kerch vào ngày 25/11. Ảnh: Reuters

Lãnh đạo G20

Nhiều vấn đề chia rẽ "phủ bóng" G20: Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 diễn ra trong 2 ngày (30/11-1/12), với chủ đề chính “Xây dựng đồng thuận vì sự phát triển công bằng và bền vững”, nước chủ nhà Argentina hy vọng đây là cơ hội để các nền kinh tế thành viên thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nóng của thế giới, hướng tới việc đạt được một tuyên bố chung chú trọng tới phát triển cân bằng và bền vững. Trong ảnh: Lãnh đạo các nước trong khối G20 tại Hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: Reuters

Thái tử Mohammed bin Salman nói chuyện với Tổng thống Putin trong buổi khai mạc.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay là một trong những hội nghị căng thẳng nhất trong lịch sử các cuộc gặp của G20 khi bị phủ bóng bởi một loạt căng thẳng từ cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, cũng như căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, sự hiện diện của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay cũng gây ra một tình thế khó xử cho các nhà lãnh đạo, trong bối cảnh vẫn còn những tranh cãi liên quan vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 2/10. Trong ảnh: Thái tử Mohammed bin Salman nói chuyện với Tổng thống Putin trong buổi khai mạc. Ảnh: Reuters

Biểu tình "áo vàng" diễn biến phức tạp tại Pháp: Từ sáng sớm 1/12, những người mặc "áo khoác vàng" lại xuống đường theo định kỳ cuối tuần, tuần thứ ba liên tiếp. Đụng độ gần như lập tức diễn ra, chủ yếu tại quảng trường Ngôi sao, khi nhóm biểu tình quyết chí gây sức ép để giữ nhịp cho phong trào phản đối quyết định tăng giá nhiên liệu của chính phủ trong khi lực lượng chức năng không muốn thủ đô một lần nữa bị quấy rối. Ảnh: Reuters

Cảnh sát Pháp đã phải dùng tới bình xịt hơi cay, lựu đạn khói để giải tán đám đông người biểu tình "áo vàng" quá khích tìm cách phá các hàng rào an ninh trên Đại lộ Champs Elysees. Đến chiều 1/12, Sở cảnh sát Paris cho biết hơn 115 người biểu tình đã bị tạm giữ; gần 10 người bị thương xung quanh đại lộ Champs-Elyseés, trong đó có 3 cảnh sát. Ảnh: Reuters

Canada, Mexico, Mỹ ký thỏa thuận thương mại mới: Ngày 30/11, lãnh đạo các nước Mỹ, Mexico và Canada đã chính thức ký Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). USMCA đã có những thay đổi kỹ thuật căn bản về các quy tắc sản xuất ôtô và xe tải, vấn đề mở cửa thị trường ngành công nghiệp sữa Canada, phạm vi trải rộng của tác quyền và quy tắc giải quyết tranh chấp… Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto tham dự lễ ký kết USMCA.. Ảnh: Reuters

Quân đội Mỹ sử dụng khí cay trong đụng độ tại biên giới với Mexico: Ngày 25/11, tại biên giới Mỹ - Mexico đã xảy ra đụng độ giữa quân đội Mỹ với những người di cư Trung Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết những người xin tị nạn sẽ không dễ dàng để nhập cảnh vào nước Mỹ. Một nhóm người di cư được cho là đã lao về phía hàng rào biên giới. Nhân viên Hải quan và Biên phòng Mỹ đã phóng đạn hơi cay sang Mexico để chặn dòng người di cư từ Trung Mỹ. Ảnh: Reuters

Lính Mỹ dựng hàng rào thép gai để ngăn đoàn người di cư tại biên giới Mexico. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Lầu Năm Góc đã nhận được yêu cầu từ Bộ An ninh Nội địa kéo dài thời gian triển khai binh sĩ tại biên giới với Mexico vốn sẽ kết thúc vào ngày 15/12, Reuters ngày 1/12 dẫn nguồn tin từ các quan chức giấu tên Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết vẫn đang nghiên cứu yêu cầu từ Bộ An ninh Nội địa. Nếu đề xuất được chấp thuận, binh sĩ Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn đoàn người di cư tại khu vực này đến hết tháng 1/2019. Ảnh: Reuters

Cá voi chết hàng loạt tại New Zealand: Bộ Bảo tồn New Zealand cho biết những con cá voi mắc cạn lần này thuộc một đàn cá voi 80-90 con được nhìn thấy tối 29/11 trên bờ biển của Đảo Chatham, cách Đảo Nam 800 km về phía Đông. Khi lực lượng cứu hộ tới hiện trường, 50 con cá voi đã chết, chỉ có một con mắc cạn còn sống trong khi số còn lại đã tự trở lại biển. Tuy nhiên, con cá voi còn sống ở trong tình trạng sức khỏe rất xấu và đã được cho chết nhân đạo. Ảnh: Reuters

cá voi hoa tiêu mắc cạn ở new zealand

Đây là vụ cá voi mắc cạn thứ 5 tại New Zealand trong chưa đầy một tuần trở lại đây. Trước đó, ngày 26/11, các nhà chức trách New Zealand cho biết có tới 145 con cá voi đã chết vì mắc cạn tại hòn đảo nhỏ Stewart, nằm cách Đảo Nam của nước này khoảng 30 km. Ngoài ra còn có vụ mắc cạn của một nhóm 12 cá voi lùn sát thủ tại vùng bờ biển phía Bắc của New Zealand; 2 vụ riêng rẽ một cá nhà táng và một cá nhà táng lùn mắc cạn tại Đảo Bắc. Trong ảnh: 145 con cá voi hoa tiêu chết vì mắc cạn tại hòn đảo nhỏ Stewart. Ảnh: Reuters

Tranh cãi về thí nghiệm tạo em bé biến đổi gen ở Trung Quốc: Hôm 25/11, nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê tuyên bố dự án thử nghiệm của ông đã tạo ra cặp song sinh có ADN kháng nhiễm HIV đầu tiên trên thế giới. Việc điều chỉnh gen được thực hiện trên phôi thai trong quá trình thụ tinh nhân tạo cho các cặp đôi tình nguyện mà người chồng có H. Ông Hạ nói kết quả thử nghiệm là đột phá trong nghiên cứu y học. Tuy nhiên, tuyên bố của ông vấp phải vô số chỉ trích từ cộng đồng khoa học trong và ngoài Trung Quốc. Trong ảnh: Nhà khoa học Hạ Kiến Khuê tham dự Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về chỉnh sửa hệ gen người tại Đại học Hồng Kông ở Hồng Kông, Trung Quốc ngày 28 tháng 11 năm 2018. Ảnh: Reuters
Ngày 29/11, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu nhóm nghiên cứu biến đổi gen người dừng hoạt động. Thứ trưởng Khoa học - Công nghệ Trung Quốc Từ Nam Bình cho biết bộ này cực lực phản đối cuộc thử nghiệm diễn ra hồi đầu tháng. Ông Từ gọi hành động của nhóm là bất hợp pháp và không thể chấp nhận, và cho biết một cuộc điều tra đang được chính phủ tiến hành. Trong ảnh: Nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê giới thiệu "Bộ gen của con người", một cuốn sách do ông biên tập, tại công ty Genomics Direct ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc Ảnh: Reuters

Tin mới