Thế giới 7 ngày qua - những tin tức nổi bật

(Baonghean.vn) - Tổng thống Mỹ gửi thông điệp bí ẩn tới Bình Nhưỡng; Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi UNESCO vào cuối năm sau; Catalan ký tuyên bố độc lập nhưng hoãn thi hành; UNESCO có tân tổng giám đốc;... là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

1. Tổng thống Mỹ gửi thông điệp bí ẩn tới Bình Nhưỡng
Ảnh: Express
Ảnh: Express

Tổng thống Donald Trump vừa lên mạng xã hội Twitter nói rằng 25 năm thương lượng với Triều Tiên đã thất bại và "chỉ một thứ duy nhất có hiệu quả".

Theo hãng tin CNN, trong hai thông điệp trên Twitter chiều 7/10 (giờ địa phương), ông Trump khẳnh định các thỏa thuận trước đây với Bình Nhưỡng đều đã bị vi phạm.

"Các tổng thống và chính quyền của họ đã thương lượng với Triều Tiên  trong 25 năm, các thỏa thuận được ký kết và một lượng lớn tiền tiêu tốn... không hề hiệu quả, các thỏa thuận bị vi phạm ngay trước khi mực khô, làm mất mặt các nhà đàm phán Mỹ" - ông Trump viết. "Xin lỗi, nhưng chỉ có một thứ sẽ hiệu quả!".

Sau đó, khi được các phóng viên hỏi về thông điệp "bí ẩn" kể trên, ông Trump chỉ nói: "Rồi các bạn sẽ sớm biết thôi".

2. Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi UNESCO vào cuối năm sau

Mỹ quyết định rút khỏi UNESO vào ngày 31-12 tới. Ảnh: Getty Images
Mỹ quyết định rút khỏi UNESO vào ngày 31/12 /2018 tới. Ảnh: Getty Images

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm nay 12/10 cho biết Washington sẽ chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) từ ngày 31/12/2018.

“Quyết định này không thể xem nhẹ, trong đó phản ánh mối quan ngại của Mỹ về các vấn đề tồn đọng ngày càng tăng tại UNESCO, cũng như sự cần thiết của việc cải tổ về cơ bản khâu tổ chức và tâm lý thiên vị chống Israel tại UNESCO”, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Theo thông báo, sau khi rút tư cách thành viên khỏi UNESCO, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục theo dõi các hoạt động của tổ chức này với tư cách là quốc gia “quan sát viên” nhằm đóng góp “quan điểm, tầm nhìn và chuyên môn” của Mỹ cho tổ chức.

3. Catalan ký tuyên bố độc lập nhưng hoãn thi hành

Người ủng hộ Catalonia độc lập khỏi Tây Ban Nha tụ tập xem bài phát biểu tại Barcelona. Ảnh: AFP.
Người ủng hộ Catalonia độc lập khỏi Tây Ban Nha tụ tập xem bài phát biểu tại Barcelona. Ảnh: AFP.
Ngày 10/10 (giờ địa phương), lãnh đạo Catalonia đã ký kết tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha nhưng đã quyết định hoãn thi hành để đối thoại với Madrid về tương lai của khu vực. Đây là động thái tạm thời xoa dịu bất ổn tại đất nước được mệnh danh là trái tim của khu vực đồng euro.
Lãnh đạo Catalonia, ông Carles Puigdemont cho biết trong bài diễn văn: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước và các tổ chức quốc tế công nhận cộng hòa Catalan là một quốc gia có chủ quyền và độc lập. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Catalan đưa ra các biện pháp cần thiết để giúp cho bản tuyên bố độc lập này có hiệu lực đầy đủ và có biện pháp trong luật để thành lập nước cộng hòa”.

Trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Catalonia nói: “Chúng tôi giành quyền để trở thành một quốc gia độc lập. Các lá phiếu cho thấy sự ủng hộ độc lập và đây là điều mà tôi sẽ theo đuổi”. 
 

4.  Cháy rừng nghiêm trọng nghiêm trọng ở California, Mỹ,  35 người thiệt mạng

Ngọn lửa đã thiêu rụi 77.000 ha rừng ở California, Mỹ. Ảnh: Reuters.
Ngọn lửa đã thiêu rụi 77.000 ha rừng ở California, Mỹ. Ảnh: Reuters.
Ngày 9/10, một vụ cháy rừng nghiêm trọng đã xảy ra ở miền Bắc California (Mỹ) khiến ít nhất 35 người thiệt mạng, 20.000 người phải sơ tán, thiêu rụi hàng trăm ngôi nhà và cơ sở kinh doanh. 
Đây là thiệt hại về người lớn nhất trong một vụ cháy tại tiểu bang trong khoảng 1 thập kỷ qua. Hiện hàng trăm người hiện vẫn chưa được tìm thấy sau khi hàng nghìn người được sơ tán tại một trong những khu vực sản xuất rượu vang lớn nhất nước Mỹ.
Hiện khoảng 25.000 người dân đang lâm vào tình cảnh không nhà cửa. Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ cảnh báo tình trạng thời tiết dễ gây cháy vẫn tiếp tục trong 3 ngày tới. Nguyên nhân của các đám cháy vẫn đang tiếp tục được điều tra nhưng khả năng là do gió lớn làm đứt các đường dây điện gây cháy./.

5. UNESCO có tân tổng giám đốc

Bà Azoulay được chọn làm tân tổng giám đốc UNESCO. Ảnh: Reuters.
Bà Azoulay được chọn làm tân tổng giám đốc UNESCO. Ảnh: Reuters.

Sau 5 ngày ganh đua quyết liệt và trải qua 5 vòng bầu cử, tổ chức giáo dục-khoa học-văn hoá của Liên Hợp Quốc UNESCO đã bầu được người sẽ đảm nhận cương vị Tổng giám đốc tổ chức này trong 4 năm tới, là Audrey Azoulay, ứng cử viên đến từ Pháp.

Trong vòng 5 cuộc bầu cử của Hội đồng chấp hành UNESCO diễn ra vào cuối giờ chiều ngày 13/10, bà Azoulay giành được 30 trên tổng số 58 phiếu, hơn 2 phiếu so với đối thủ là nhà ngoại giao Qatar, Hamad Al-Kawari.

Việc chỉ định bà Azoulay sẽ cần được 195 thành viên của tổ chức này thông qua vào ngày 10/11, trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Theo thông lệ, người được chọn sẽ chính thức trở thành tân tổng giám đốc.

Bà Azoulay, người gốc Morocco, 45 tuổi, từng là bộ trưởng văn hoá Pháp dưới thời cựu tổng thống Francois Hollande.

6. Nga tuyên bố chuẩn bị khởi kiện Mỹ
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc gặp tại Washington hồi tháng 5. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc gặp tại Washington hồi tháng 5. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Sergei Lavrov ngày 12/10 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Rex Tillerson và thông báo rằng Nga đang chuẩn bị khởi kiện Mỹ để đòi lại các cơ sở ngoại giao của Moscow từng bị Washington tịch thu bất hợp pháp.

Đây không phải lần đầu tiên Nga lên tiếng về khả năng khởi kiện Mỹ. Hồi đầu tuần, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã yêu cầu Mỹ trả lại khu nhà ngoại giao của Moscow bị Washington thu giữ trái phép, đồng thời cảnh báo Nga có quyền thực hiện hành động pháp lý và biện pháp đáp trả.

Mỹ hồi tháng 8 đã yêu cầu Nga đóng cửa lãnh sự quán tại San Francisco và hai tòa nhà khác ở Washington và New York. Trước đó, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ cũng đã tịch thu các cơ sở ngoại giao của Nga ở nước này sau khi cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Cũng trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Tillerson, Ngoại trưởng Lavrov cho biết việc giới chức Mỹ hạ cờ Nga khỏi các cơ sở ngoại giao của Moscow tại Mỹ là hành động “không thể chấp nhận được”.

7. Ông Trump giáng đòn mạnh vào Thỏa thuận hạt nhân Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran được P5+1 ký kết  với Tehran trong năm 2015.  Ảnh: Indian Express
Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran được P5+1 ký kết  với Tehran trong năm 2015.  Ảnh: Indian Express

Thay đổi chính sách này được loan báo trong bài diễn văn ngày 13/10, qua đó Tổng thống Mỹ Donald Trump chi tiết hóa một phương án đối đầu hơn với Iran vì các chương trình tên lửa đạn đạo-hạt nhân của Tehran cũng như sự hậu thuẫn của nước này đối với các tổ chức cực đoan ở Trung Đông.

Tổng thống Trump tố cáo Iran không đáp ứng tinh thuần thỏa thuận hạt nhân và cho biết mục tiêu của ông là phải làm sao bảo đảm Tehran không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tuy không đích thân rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, nhưng ông Trump lại để cho Quốc hội Mỹ có 60 ngày để quyết định nên hay không tái ban hành trừng phạt kinh tế với Iran vốn được tháo dỡ theo thỏa thuận 2015.
Quyết định nói trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm leo thang căng thẳng với Iran và đặt Washington vào thế bất đồng với các nước khác cùng tham gia ký kết thỏa thuận như Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, và Liên minh Châu Âu. Quan điểm cứng rắn của ông Trump với Iran lại được Israel hoan nghênh.

Thái Bình

(Tổng hợp)

Tin mới