Thế giới nói gì về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch?

(Baonghean.vn) - Đại dịch Covid-19 diễn ra ở cấp độ toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, truyền thông thế giới vẫn lạc quan rằng, nếu biết tận dụng những lợi thế riêng biệt, nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức mà đại dịch đặt ra, trở thành điểm đến của nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài.

SỞ HỮU NHIỀU THẾ MẠNH

INTHEBLACK - tạp chí kinh doanh của CPA Australia được xuất bản hàng tháng tại 100 quốc gia và có cả ấn bản số trong một bài viết vào tháng 8 nhận định, những đặc điểm nhân khẩu học và nền tảng sản xuất mạnh mẽ được phát triển trong 2 thập kỷ qua đã giúp Việt Nam ở thế thuận lợi để ứng phó với những thách thức hiện nay.

Ngân hàng Thế giới dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 (trong ảnh: Một góc thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Tư liệu
Ngân hàng Thế giới dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 (trong ảnh: Một góc thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Tư liệu

Theo đó, trước dự báo của Ngân hàng Thế giới về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 ở ngưỡng 6 - 6,5%, Warrick Cleine - Giám đốc Điều hành KMPG Việt Nam cho rằng đó không phải là con số khó tin, và phân tích thành công có thể đến dựa trên 4 yếu tố chính.

Thứ nhất, trong suốt năm 2020 và đầu năm 2021, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới và truy vết tốt hơn hầu hết các quốc gia, kể cả các đối tác trong Đông Nam Á.

Thứ hai, Việt Nam đang được hưởng lợi từ hơn 2 thập kỷ với tư cách là một chủ thể quan trọng trong thương mại và sản xuất toàn cầu.

Thứ ba, Việt Nam ít phụ thuộc vào ngành Du lịch hơn so với các nước láng giềng.

Thứ tư, dân số trẻ đang thúc đẩy nền kinh tế trong nước mạnh mẽ, trở thành một vùng đệm chống lại sự suy thoái toàn cầu.

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Michael Kokalari tại Công ty đầu tư VinaCapital cho biết, ông không thể nhìn thấy bất cứ mối đe dọa trực tiếp nào đến năng lực sản xuất của Việt Nam từ các nước láng giềng Đông Nam Á. Lấy ví dụ, tiền lương tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với tại Thái Lan, trong lúc những nút thắt cổ chai về logistics lại là vấn đề của Indonesia, còn chi phí cao và lực lượng lao động già hóa là thách thức đối diện Malaysia, chưa kể việc người Việt Nam làm việc rất chăm chỉ.

Bài viết của tạp chí INTHEBLACK cho rằng Việt Nam có vị thế thuận lợi để vượt qua những thách thức hiện nay (trái) và bài viết về triển vọng thu hút đầu tư vào Việt Nam trên trang Digitimes.
Bài viết của tạp chí INTHEBLACK cho rằng Việt Nam có vị thế thuận lợi để vượt qua những thách thức hiện nay (trái) và bài viết về triển vọng thu hút đầu tư vào Việt Nam trên trang Digitimes.

Theo quan điểm bài viết trên trang Asianews, trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, thì tin vui là Việt Nam thực sự đang thể hiện khả năng thực hiện đa nhiệm vụ của mình. Một trong những ví dụ minh chứng cho nhận định này là chiều hướng tích cực trong mối quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden. Hồi tháng 7, hai bên đã đạt thỏa thuận, theo đó xác nhận rằng Việt Nam bị ràng buộc theo các Điều khoản Thỏa thuận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế để tránh thao túng tỷ giá hối đoái của mình nhằm ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh và sẽ không để xảy ra bất kỳ sự phá giá cạnh tranh nào đối với đồng Việt Nam. Cam kết này được cho là sẽ tạo thuận lợi để phát triển quan hệ kinh tế song phương Việt - Mỹ trong thời gian tới.

Nhà kinh tế học Rajiv Biswas tại IHS Markit châu Á - Thái Bình Dương cũng cho rằng, kể cả khi Việt Nam đang nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm chủng, thì vẫn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nhờ những tiềm năng, thế mạnh cạnh tranh của mình.

“Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chi phí tiền tương sản xuất tương đối thấp của mình trong tương quan với các tỉnh duyên hải Trung Quốc, nơi tiền lương sản xuất tăng nhanh trong thập niên qua. Thứ hai, Việt Nam sở hữu lực lượng lao động tương đối lớn, có trình độ so với nhiều đối thủ cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á, khiến nó trở thành một trung tâm hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia chuyên sản xuất chế tạo”.

Nhà kinh tế học Rajiv Biswas

Đà Nẵng, thành phố lớn nhất ở miền Trung và là một trong những cảng quan trọng nhất của đất nước. Ảnh: nhandan.vn
Đà Nẵng, thành phố lớn nhất ở miền Trung và là một trong những cảng quan trọng nhất của đất nước. Ảnh: nhandan.vn

SỨC HÚT ĐẦU TƯ

Báo cáo của KPMG - nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất thế giới, với tiêu đề “Đầu tư vào Việt Nam: Vẽ lại đường chân trời, năm 2021 và xa hơn nữa” nêu, năm 2017, lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp 40% GDP của Việt Nam. Năm 2019, tổng vốn đăng ký là 17 tỷ USD, trong đó sản xuất chiếm 72%. Chính phủ đã ban hành các luật và quy định thuận lợi nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Phía KPMG cho rằng điều này có nghĩa “bất cứ điều gì liên quan đến người tiêu dùng Việt Nam” đều là cơ hội đầu tư, bên cạnh các lĩnh vực chẳng hạn như dịch vụ tài chính và phát triển bất động sản. Với thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, chuyên gia này tin các khu công nghiệp và hoạt động logistics sẽ thu hút các nhà đầu tư doanh nghiệp và cổ phần tư nhân, lý giải rằng đó là những lĩnh vực hấp dẫn và không giảm giá trị trong khủng hoảng Covid-19.

Còn trang thông tin công nghệ Digitimes có trụ sở tại Đài Loan mới đây cũng đưa ra khẳng định, bất kể những tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam hiện vẫn không ngừng thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp điện tử. Các công ty điện tử nước ngoài vẫn duy trì nhà máy tại miền Bắc dù dịch bệnh đang diễn ra. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm tới.

Việt Nam vẫn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn mặt gửi vàng trong thời điểm hiện nay. Ảnh minh họa: Tư liệu
Việt Nam vẫn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn mặt gửi vàng trong thời điểm hiện nay. Ảnh minh họa: Tư liệu

Trang Fitch Solutions cũng có đánh giá đánh giá tương tự, rằng trong bối cảnh Covid-19, Việt Nam vẫn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn mặt gửi vàng, xem là điểm đến để xây dựng cơ sở sản xuất, nhất là trong lĩnh vực điện tử. Khoảng 65% doanh nghiệp điện tử nước ngoài thiết lập cơ sở sản xuất ở các địa phương phía Bắc, trong khi khoảng 30% xây nhà máy ở miền Nam, số còn lại đứng chân ở miền Trung. Theo báo cáo của Công ty Tư vấn và Nghiên cứu công nghệ toàn cầu Technavio, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 19% trong giai đoạn 2020 - 2024, đạt giá trị 6,16 tỷ USD.

Có thể thấy, triển vọng kinh tế Việt Nam trong cái nhìn của cộng đồng quốc tế hiện vẫn khá lạc quan. Việt Nam cần nỗ lực và quyết tâm cao để sớm chiến thắng dịch bệnh, tranh thủ chiều hướng thuận lợi để tăng tốc cho nền kinh tế.

Tin mới