Thế giới tuần qua: Đằng sau những toan tính chính trị

(Baonghean) - Mỹ đang thúc đẩy chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, bằng cách áp nhiều mức thuế mới, kêu gọi các công ty trở về Mỹ. Nga đã trở thành vùng dịch Covid-19 lớn thứ hai trên thế giới, nhưng tỷ lệ tử vong chỉ dưới 1%, thấp hơn nhiều lần so với các nước khác. Đó là những vấn đề quốc tế được chú ý trong tuần vừa qua.

Thúc đẩy dịch chuyển chuỗi cung ứng

Ngày 14/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp nhiều mức thuế mới đối với các công ty Mỹ sản xuất hàng hóa ở nước ngoài, cũng là một trong những “động lực” để các công ty chuyển hoạt động sản xuất trở về Mỹ. Điều đáng nói nhất, động thái cho thấy chính quyền Mỹ đang đẩy nhanh dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và đặt ra những rào cản thương mại mới. Sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc đang nóng dần lên.

Chính quyền Tổng thống Trump nỗ lức tách chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Ảnh: Economic Times
Chính quyền Tổng thống Trump nỗ lực tách chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Ảnh: Economic Times

Mỹ muốn sử dụng đại dịch để tách Trung Quốc khỏi nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy sản xuất tại Mỹ và thiết kế lại nền kinh tế toàn cầu, với lý do rằng “bạn không thể để Trung Quốc là một phần của hệ thống vì cách hành xử của họ”. Tuy nhiên, mong muốn của Mỹ nhằm cô lập Trung Quốc, cả về kinh tế và chính trị là một vấn đề không hề đơn giản. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hơn thế, đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung Quốc khi Mỹ cùng nhiều các đồng minh đều đang phụ thuộc vào các sản phẩm giá rẻ và chuỗi cung ứng do Trung Quốc kiểm soát, đặc biệt là thuốc generic. 

Theo Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), hiện Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn thứ hai các loại dược phẩm sang Mỹ và nhà cung cấp lớn nhất các thiết bị y tế. Mỹ hiện nhập khẩu hầu như tất cả các loại thuốc kháng sinh thông thường và thuốc giảm đau không kê đơn từ Trung Quốc, cùng với các loại thuốc được sử dụng để điều trị HIV, trầm cảm, Alzheimer và các bệnh khác. Do đó, sự hạn chế của chuỗi cung ứng đi kèm với sự gián đoạn trong mạng lưới giao thông toàn cầu do đại dịch, và sự gia tăng nhu cầu các loại thuốc thiết yếu trên toàn thế giới, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của công dân Mỹ.

Trong một bài xã luận đăng trên báo điện tử của tờ Tân Hoa Xã, đã đưa ra một lời cảnh báo rằng: Nếu Trung Quốc trả đũa những tuyên bố của Mỹ về việc đổ lỗi cho Trung Quốc trước sự lây lan của dịch bệnh, bằng cách cắt giảm xuất khẩu dược phẩm, thì Mỹ sẽ chìm vào địa ngục của làn sóng Covid-19 mới.

Hiện nay, các nhà sản xuất Mỹ đã đáp ứng 70% nhu cầu được phẩm hiện tại. Tuy nhiên, việc xây dựng các cơ sở mới ở Mỹ có thể mất 5-8 năm, dấy lên nhiều lo ngại. Do đó, giới chức cần phải có phương án thực tế trước khi bắt đầu xem xét các lựa chọn thay thế.

Công nhân sản xuất găng tay y tế tại một nhà máy ở miền Đông Trung Quốc. Ảnh: AFP
Công nhân sản xuất găng tay y tế tại một nhà máy ở miền Đông Trung Quốc. Ảnh: AFP

Trong các khu vực mà Mỹ hiện đang nhắm đến, Trung Đông có thể là một sự lựa chọn hấp dẫn. Những quốc gia đối tác như Jordan hay Ai cập, vốn có nhiều tiềm năng về năng lực sản xuất dược phẩm. Cả hai quốc gia này đều có lao động giá rẻ. Bên cạnh đó, Mỹ đang nỗ lực tạo ra một liên minh bao gồm các đối tác tin cậy, mà giới chức nước này gọi đây là “mạng lưới thịnh vượng kinh tế”. Nó sẽ bao gồm các công ty và các nhóm xã hội hoạt động dựa trên một bộ tiêu chuẩn chung từ kinh doanh kỹ thuật số, năng lượng và cơ sở hạ tầng đến nghiên cứu, thương mại, giáo dục. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết đang hợp tác với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tiến lên phía trước.

Ngoại lệ trong dịch bệnh

Trong tuần qua, Nga chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng chóng mặt, số ca nhiễm mới trong ngày trên mắc 10.000 người, đưa Nga trở thành quốc gia có số người nhiễm bệnh lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Điểm khác biệt lớn của Nga so với các vùng dịch lớn khác trên thế giới nằm ở tỷ lệ tử vong. Theo Đại học Johns Hopkins, tỷ lệ tử vong ở Mỹ là 6%, ở Brazil là 7%, trong khi các nước Tây Âu như Italy, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha và Anh là trên 10%. Tuy nhiên, tại Nga, với hơn 2.200 người chết, tỷ lệ tử vong ở nước này chỉ 0,9%, khiến Nga trở thành ngoại lệ trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng tồi tệ từ dịch bệnh. Điều này lập tức thu hút sự chú ý của giới chuyên gia y tế và các nhà khoa học trên thế giới, khi muốn biết tại sao đại dịch lại không thể cướp đi sinh mạng của nhiều người Nga, như cách nó nó đã làm với nhiều vùng dịch lớn khác.

Tiến sĩ Elena Malinnikova, người phụ trách bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Nga đã đưa ra lời giải thích đơn giản rằng: Tỷ lệ tử vong ở Nga thấp là do phát hiện kịp thời những ca nhiễm, cũng như việc người Nga tự giác đến gặp bác sĩ ngay sau khi xuất hiện triệu chứng của bệnh. Trong khi đó, báo chí Nga thông tin rằng hơn 60% số ca nhiễm của nước này là ở thủ đô Moskva, nơi có dân số trẻ và khỏe mạnh hơn so với khu vực nông thôn. Kent Sepkowitz - bác sĩ và chuyên gia kiểm soát nhiễm trùng tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York nhận định: “Bất kể lý do gì, tỷ lệ tử vong cực kỳ thấp là điều khá bất ngờ. Và cần so sách các yếu tố khác nhau để hiểu rõ những gì đang diễn ra”.

Không ít nhân viên y tế của Nga đã cảm thấy quá tải do số người nhiễm mới tăng hàng ngày. Ảnh: TASS
Không ít nhân viên y tế của Nga đã cảm thấy quá tải do số người nhiễm mới tăng hàng ngày. Ảnh: TASS

Đại dịch bùng phát ở Nga cùng thời điểm với ở Brazil, song sự khác biệt giữa Nga và Brazil là rất lớn, đặc biệt trong xét nghiệm diện rộng. Nga đã xét nghiệm với mức hơn 41.000 người trên 1 triệu dân, trong khi con số này ở Brazil là hơn 3.500 người, còn tại Mỹ chỉ gần 31.000 người.

Xét nghiệm là một trong những lý do chính tạo nên sự ngoại lệ của Nga, nhưng bên cạnh đó còn có các yếu tố khác ảnh hưởng tới tỷ lệ tử vong là giới tính, độ tuổi, bệnh nền như bệnh tim, phổi mãn tính, tiểu đường và béo phì. Theo World Bank, Nga có 15% dân số trên 65 tuổi, trong khi tỷ lệ này của Italy khoảng 25% và ở Mỹ là 16%. Tỷ lệ người chết vì bệnh phổi ở Nga cũng tương đối thấp, 14,5/100.000 người, trong khi ở Brazil là 26,6. Tỷ lệ người béo phì ở Nga đứng thứ 70 trên thế giới, tương đương 23%, trong khi ở Mỹ đứng thứ 12 với 36%.

Nhiều ý kiến cho rằng, tuy những tỷ lệ trên của Nga thấp hơn nhiều so với quốc gia khác, nhưng nó không đủ để khiến tỷ lệ tử vong của quốc gia này thấp kỳ lạ đến như vậy. Các chuyên gia đánh giá, có thể sự khác biệt của Nga nằm ở cách tính ca tử vong do Covid-19. Họ đặt ra câu hỏi rằng, một người bị bệnh tim tử vong do nhiễm Covid-19, sẽ được Nga xác định nguyên nhân tử vong là gì? Một người tử vong do Covid-19 vẫn có thể được xác định bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Một nghiên cứu được công bố trên Financial Times ngày 11/5 chỉ ra số người chết thực tế ở Nga cao hơn 70% so với báo cáo. Ngày 12/5, Thứ trưởng Y tế Nga Tatyana Golikova phủ nhận ý kiến nước này đếm thiếu số ca tử vong. Ngày 13/5, Bộ Y tế Nga khẳng định luôn tuân thủ các nguyên tắc thống kê quốc tế trong việc phân loại ca tử vong liên quan tới Covid-19, đồng nghĩa với việc liệt kê mọi nguyên nhân dẫn đến tử vong.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Vladimir Shkolnikov, nhà nhân khẩu học tại Viện nghiên cứu nhân khẩu học Max Palnck cho rằng, tỷ lệ tử vong ở mức thấp kỷ lục của Moskva có thể là kết quả của sự xuất hiện “cơn bão” đại dịch muộn ở Nga. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ tử vong vẫn có thể tăng trong những tuần tới hoặc diễn biến dịch ở nước này đang có chiều hướng tốt dần lên giống như Áo, Phần Lan, Na Uy và Đức.

Với diễn biến phức tạp của Covid-19, Kent Sepkowitz - bác sĩ và chuyên gia kiểm soát nhiễm trùng tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York nhận định: “Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Nga và trên toàn thế giới được xác định không dựa trên một tiêu chuẩn chung theo thỏa thuận quốc tế, mà bởi những bản báo cáo từ các nhà chức trách - sản phẩm của toan tính chính trị”.

Tin mới