Thế giới tuần qua: Đề cao tính khoa học và trách nhiệm

(Baonghean) - Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vừa siết chặt lại quy định để đảm bảo chất lượng những bộ xét nghiệm kháng thể, trong bối cảnh một loạt các nhà sản xuất không có chuyên môn đã tham gia kinh doanh, tạo ra nguy cơ các bộ xét nghiệm kém chất lượng có mặt trên thị trường. Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã công bố kế hoạch gỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa, song vẫn giữ thái độ thận trọng; và cách ứng phó với Covid-19 ở Đức đang nhận được nhiều sự ngưỡng mộ. Đây là những vấn đề quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

Sự vô lương tâm lên ngôi

Dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành khắp nước Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với số người nhiễm và tử vong nhiều nhất thế giới. Thế nhưng, khi nhu cầu xét nghiệm kháng thể gia tăng, để phục vụ cho việc tái mở cửa của Mỹ, một loạt các nhà phân phối không có chuyên môn và những người môi giới trong lĩnh vực kinh doanh xét nghiệm kháng thể đã chen chân vào thị trường này. Hệ lụy để lại là rất lớn, mà nguy cơ lớn nhất là các bộ xét nghiệm kém chất lượng được rao bán, cho kết quả sai, dẫn tới việc có thể đưa mọi người quay trở lại cộng đồng, trong khi không hề hay biết là đã gây nguy hiểm với chính mình và cho người khác. 

FDA tuyên bố các nhà sản xuất bộ xét nghiệm phải gửi dữ liệu thẩm định chất lượng trong vòng 10 ngày. Ảnh: AP
FDA tuyên bố các nhà sản xuất bộ xét nghiệm phải gửi dữ liệu thẩm định chất lượng trong vòng 10 ngày. Ảnh: AP

FDA tuần vừa qua đã phải siết lại quy định để đảm bảo chất lượng những bộ xét nghiệm kháng thể. Theo đó, bắt đầu yêu cầu các nhà phát triển bộ xét nghiệm phải được cơ quan quản lý kiểm tra chất lượng. FDA cũng  đồng thời thừa nhận rằng, chính sách trước đó của họ đã tạo cơ hội gian lận.

Quy định chưa từng có tiền lệ của FDA đã “mở cửa” cho những nhà cung cấp đáng ngờ.

Quy định lỏng lẻo của FDA đưa ra hồi 16/3 cho phép các nhà sản xuất xét nghiệm kháng thể bán sản phẩm của mình mà không cần phải chia sẻ dữ liệu với cơ quan này để phê duyệt độ chính xác và cấp phép. Theo Reuters, điều này đã tạo ra kẽ hở để các nhà kinh doanh không có chuyên môn y tế muốn “nhúng chân” vào thị trường “nóng” này nhằm ráo riết quảng cáo, tìm người mua, và đẩy mạnh gia tăng số lượng. Quy định chưa từng có tiền lệ của FDA đã “mở cửa” cho những nhà cung cấp đáng ngờ.

Động thái của FDA đưa ra sau một báo cáo của hơn 50 nhà khoa học phát hiện ra rằng chỉ có 3/14 xét nghiệm kháng thể có trên thị trường cho kết quả đáng tin cậy, số còn lại có sự khác biệt đáng kể về chất lượng. Bộ xét nghiệm kháng thể được các quan chức chính phủ và y tế của Mỹ kỳ vọng sẽ là công cụ quan trọng để tiến hành xét nghiệm rộng rãi, từ đó xác định khi nào sẽ có thể “thở phào” dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường và mở cửa trở lại nền kinh tế. 

Nhân viên y tế sử dụng bộ xét nghiệm kháng thể nhanh ngay tại một sân vận động ở California. Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế sử dụng bộ xét nghiệm kháng thể nhanh ngay tại một sân vận động ở California. Ảnh: Reuters

“Mỗi bước đi của FDA trong cuộc chiến với Covid-19 là sự cân bằng giữa rủi ro và lợi ích”. 

Tiến sĩ Stephen Hahn, Ủy viên của FDA 

Việc giám sát sự phát triển của các bộ xét nghiệm ngay từ đầu đã bị gián đoạn, khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi FDA nới lỏng các quy tắc. Còn nhớ hồi cuối tháng 2, cơ quan này đã bị chỉ trích nặng nề khi xử lý quá chậm chạp để cấp giấy phép cho các công ty tư nhân đưa bộ xét nghiệm chuẩn đoán nhiễm virus ra thị trường. Còn bây giờ, FDA lại phải đối diện với việc phải chịu trách nhiệm quản lý khi đã cho phép các nhà sản xuất phân phối bộ xét nghiệm kháng thể quá nhanh mà không qua kiểm định chất lượng. Tiến sĩ Stephen Hahn, Ủy viên của FDA cho rằng: “Mỗi bước đi của FDA trong cuộc chiến với Covid-19 là sự cân bằng giữa rủi ro và lợi ích”. 

Trong tuyên bố mới đây, FDA cho biết chính sách ban đầu của họ tạo điều kiện linh hoạt cho các nhà sản xuất bộ xét nghiệm tự xác nhận chất lượng của mình, song “không có nghĩa là cho phép hành vi gian lận xảy ra”. “Chúng tôi đã phát hiện những hành vi vô lương tâm, chào bán những bộ xét nghiệm gian lận, và lợi dụng dịch bệnh để trục lợi trên sự lo lắng của người dân Mỹ”, FDA tuyên bố, và cho biết thêm họ đã có động thái ngăn chặn các công ty tiếp thị bộ xét nghiệm bất hợp pháp, bằng cách tịch thu và từ chối các bộ dụng cụ thử nghiệm ngay trong biên giới của Mỹ. 

Theo chính sách mới của FDA, các nhà sản xuất bộ thử nghiệm thương mại phải gửi dữ liệu và xin cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) trong vòng 10 ngày. FDA cho biết sẽ chia sẻ thông tin trên website của mình với những người mua bộ xét nghiệm tiềm năng như các tiểu bang và bệnh viện. FDA đang làm việc với Viện Y tế Quốc gia và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, đưa ra chỉ tiêu đánh giá cụ thể, để thẩm định các bộ xét nghiệm chuẩn bị được đưa ra thị trường, cũng như những bộ đang lưu hành.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ.
Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ.

Lãnh đạo bằng khoa học

Ngày 6/5 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công bố kế hoạch gỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, nhưng vẫn giữ thái độ thận trọng, theo sát tình hình để mọi chuyện không vuột khỏi tầm tay. Cách thức mà Đức ứng phó với dịch bệnh đã nhận được sự tán dương toàn cầu, mặc dù nước này áp đặt các lệnh hạn chế nhẹ nhàng nhất ở châu Âu. Những con số báo cáo đã minh chứng cho thành công của chính phủ nước này.

Trong khi hầu hết các nước khác chật vật, Đức trở thành hình mẫu về khả năng xét nghiệm Covid-19.

Đức là vùng dịch lớn thứ 7 trên thế giới với hơn 169.000 ca nhiễm, nhưng số người tử vong chỉ ở mức hơn 7.300, thấp hơn nhiều so với các vùng dịch khác trong châu lục và trên thế giới. Số ca nhiễm mới hàng ngày cũng đã giảm từ đầu tháng 4. Hệ thống y tế của Đức tốt đến mức các bệnh viện có thể tiếp nhận cả bệnh nhân từ những nước láng giềng. Trong khi hầu hết các nước khác chật vật, Đức trở thành hình mẫu về khả năng xét nghiệm Covid-19.

Đức đã tiến hành hơn 2 triệu xét nghiệm, tỷ lệ xét nghiệm trên dân số gần gấp đôi so với Mỹ. Chính phủ Đức đang đẩy mạnh tăng lượt xét nghiệm từ gần 900.000 lên 4,5 triệu mỗi tuần bằng cách huy động cả phòng thí nghiệm thú y. Đức cũng có mạng lưới dày đặc các bệnh viện và phòng thí nghiệm lâm sàng. Có khoảng 34 giường chăm sóc tích cực trên 100.000 dân, gấp đôi so với Pháp và gấp 3 lần so với Anh và Italy. Bên cạnh đó, với hệ thống chính trị liên bang, các bang ở Đức có nhiều quyền hạn tự thiết kế các biện pháp kiềm chế dịch, trong khi Chính phủ đóng vai trò điều phối. 

Thủ tướng Angela Merkel phát biểu trên truyền hình quốc gia về dịch Covid-19. Ảnh: DW
Thủ tướng Angela Merkel phát biểu trên truyền hình quốc gia về dịch Covid-19. Ảnh: DW

Việc so sánh giữa Đức và các nước khác trong nỗ lực chống dịch cũng đã dẫn đến tỷ lệ tín nhiệm của Thủ tướng Angela Merkel tăng vọt, làm lu mờ tất cả những gương mặt còn lại trong chính phủ liên minh. Ivana Kottasova, bình luận viên của CNN đánh giá: “Di sản của bà Merkel dường như đã được cứu vớt. Bà ấy thật đáng kinh ngạc. Mỗi khi có khủng hoảng, Merkel lại thể hiện tốt nhất”. 

Trong suốt quá trình ứng phó với Covid-19, Thủ tướng Merkel dựa vào chuyên gia từ các tổ chức nghiên cứu khoa học được tài trợ tốt, bao gồm những cơ quan y tế cộng đồng như Viện Robert Koch và mạng lưới đại học công lập. Các tổ chức này đang phối hợp chặt chẽ nhằm thiết lập hệ thống nghiên cứu toàn quốc. Chính quyền liên bang, dưới sự dẫn dắt của bà Merkel, đóng vai trò tập hợp. Gần đây, chính phủ đã tập hợp khoa y tế của các trường đại học trên cả nước thành một nhóm chuyên trách Covid-19. 

Sự trung thực đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục người Đức tiếp tục tuân thủ các quy định và giữ bình tĩnh giữa những luồng thông tin nhiễu loạn.

Thủ tướng Merkel công khai dựa rất nhiều vào chuyên môn của một vài chuyên gia. Sự trung thực này đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục người Đức tiếp tục tuân thủ các quy định và giữ bình tĩnh giữa những luồng thông tin nhiễu loạn. Gero Neugebauer, nhà khoa học chính trị nổi tiếng của Đức cho rằng, nền tảng khoa học của bà Merkel đã định hình phản ứng của bà trước cuộc khủng hoảng và giúp bà nâng cao uy tín. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Berlin hồi tháng 4. Ảnh: AFP
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Berlin hồi tháng 4. Ảnh: AFP

Cuộc chiến chống Covid-19 của Đức được đánh giá thành công dưới sự dẫn dắt của nữ thủ tướng 30 năm kinh nghiệm làm chính trị, xuất thân từ giới khoa học. Dù chưa rõ những thử thách nào đang chờ đợi phía trước, mà như bà Merkel nói: “Giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh đã ở lại phía sau, nhưng chúng ta vẫn chỉ đang ở điểm khởi đầu và nó sẽ còn đeo bám chúng ta lâu nữa”; song giới quan sát cho rằng, Thủ tướng Merkel sẽ được nhớ đến như một “nhà khoa học trưởng” - người lãnh đạo dựa trên khoa học và đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng. 

Tin mới