Thế giới tuần qua: Đúng người, đúng thời điểm

(Baonghean.vn) - Ngày 20/1 theo giờ địa phương, tại Đồi Capitol, Washington D.C, ông Joe Biden đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Cơ quan chức năng của Na Uy phát đi cảnh báo về tình trạng người tử vong sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19 do 2 hãng Dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp phát triển. Đó là những vấn đề thế giới đáng chú ý trong tuần.

Khởi đầu mới

Lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden diễn ra giữa lúc nước Mỹ bộn bề khủng hoảng, nhưng bài phát biểu với 11 từ “đoàn kết’’ của ông truyền đi thông điệp khởi đầu mới đầy đổi mới và quyết tâm. “Đây là ngày dân chủ, ngày của lịch sử và hy vọng”. Đồng thời cho rằng, nước Mỹ đã bị thử thách một lần nữa và đã vươn lên để vượt qua. Thậm chí thông điệp về sự thống nhất và ổn định còn được tinh tế thể hiện trong trang phục lễ nhậm chức với gam màu chủ đạo là tím và xanh dương. Điều quan trọng, tân Tổng thống cho rằng, sự nghiệp dân chủ được tôn vinh và ý chí của người dân đã được lắng nghe và chú ý.

Lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden diễn ra tại tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters
Lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden diễn ra tại tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters

Khác với suy nghĩ của dư luận về một buổi lễ nhậm chức diễn ra trong không khí lộn xộn do những lo ngại sau vụ bạo loạn tại Đồi Capitol, khiến Thủ đô Washington luôn được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ, là một không khí hòa bình. Khoảnh khắc tân Tổng thống Joe Biden hoàn thành lời tuyên thệ được mô tả là giây phút thế giới thở phào.

Trong khi đó, người tiền nhiệm Donald Trump đã viết một lá thư cho Tổng thống Biden và để lại lá thư này tại chiếc bàn Kiên Định bên trong phòng Bầu dục. Nội dung bức thư không được tiết lộ, tuy nhiên, Tổng thống Biden tiết lộ “đó là một bức thư tử tế’’. Ba giờ trước Lễ nhậm chức của tân Tổng thống, ông Donald Trump đã rời Nhà Trắng, trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên sau hơn 150 năm, không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.

Ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã bắt đầu “gỡ rối” bằng cách ký 17 sắc lệnh hành pháp.

Không chỉ bức thư, điều dư luận mong chờ nhất là những gì sẽ xảy ra bên trong phòng Bầu dục, những thỏa thuận nào được thực hiện, những chính sách nào được công bố. Ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã bắt đầu “gỡ rối” bằng cách ký 17 sắc lệnh hành pháp nhằm giải quyết những vấn đề như đại dịch Covid-19, bất bình đẳng giữa các sắc tộc. Trong đó, nổi bật quyết định đưa Mỹ trở lại tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ngừng xây dựng bức tường biên giới với Mexico và đảo ngược tiến trình rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vốn đã được người tiền nhiệm Donald Trump triển khai. Hủy bỏ giấy phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, ra lệnh đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại mọi tòa nhà liên bang và khu vực liên bang, bắt buộc người nhập cảnh Mỹ cách ly ngay lập tức, đồng thời sẽ chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Tổng thống Joe Biden tuyên thệ trong lễ nhậm chức. Ảnh: AP
Tổng thống Joe Biden tuyên thệ trong lễ nhậm chức. Ảnh: AP

Còn nhớ, Tổng thống Biden bước vào chiến dịch tranh cử với khẩu hiệu “Tái xây dựng tốt hơn”, hướng đến hy vọng hồi sinh nước Mỹ sau thảm họa kinh tế. Kế hoạch tái sinh này dự kiến bao gồm hơn 6.000 tỷ USD trong một thập kỷ. Tuy nhiên, ưu tiên cấp bách của chính quyền Joe Biden vẫn là ứng phó với đại dịch Covid-19. Ông đã công bố kế hoạch trị giá 1,9 nghìn tỷ USD nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, tăng cường hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời cam kết sẽ tiêm chủng cho 100 triệu người trong 100 ngày đầu nhậm chức.

Tập trung trước tiên vào các vấn đề quốc gia, tuy nhiên, tân tổng thống không lơ là các chính sách ngoại giao. Việc sửa chữa những mối quan hệ với đồng minh bị suy yếu dưới thời người tiền nhiệm, đặc biệt với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Liên minh châu Âu (EU) là điều cốt lõi trong chính sách đối ngoại của ông Biden.

Nhiệm vụ “tái xây dựng” nước Mỹ khiến Tổng thống Biden đối diện với những thách thức không hề nhỏ. Song với những kỳ vọng về một chính trị gia nổi tiếng với sự bình tĩnh và đồng cảm, về chuyện “đúng người, đúng thời điểm”, giới chuyên gia, thượng nghị sĩ đều nhận định ông Biden sẽ trở thành “tổng thống cấp tiến nhất”.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã ký nhiều sắc lệnh hành pháp, đảo ngược lại tiến trình của ông Donald Trump. Ảnh: Reuters
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã ký nhiều sắc lệnh hành pháp, đảo ngược lại tiến trình của ông Donald Trump. Ảnh: Reuters

Cảnh báo tốc độ

Trong đà đẩy nhanh mọi tiến độ triển khai tiêm chủng vaccine chống Covid-19, một diễn biến khiến thế giới cần chững lại để xem xét, không phải cứ nhanh là tốt, thậm chí, mọi thứ dường như không được lạc quan. Đó là kể từ khi Na Uy bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine vào cuối tháng 12/2020, nước này đã có tới 33 ca tử vong trong số những người được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Nhóm tuổi được cho là có nguy cơ chịu rủi ro đã được hạ thấp từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi.

Na Uy đã tiêm ít nhất liều vaccine Covid-19 đầu tiên cho khoảng 42.000 người, tập trung ưu tiên cho những người được coi là có nguy cơ lây nhiễm cao, trong đó có người cao tuổi. Vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech là vaccine duy nhất được cấp phép ở Na Uy và tất cả các trường hợp tử vong đều liên quan đến vaccine này.

Sau khi đánh giá 13 trường hợp, cơ quan dược phẩm Na Uy cho biết, các ca tử vong đều liên quan đến “người cao tuổi bị rối loạn cơ bản nghiêm trọng” và “hầu hết đều gặp phải các tác dụng phụ đã được dự báo của vaccine, chẳng hạn như buồn nôn và nôn mửa, sốt, phản ứng cục bộ tại chỗ tiêm và khiến tình trạng bệnh nền của họ diễn biến xấu đi".

Những người cao tuổi Na Uy thuộc đối tượng được tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên. Ảnh: AFP
Những người cao tuổi Na Uy thuộc đối tượng được tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên. Ảnh: AFP

Giới chức Na Uy khuyến cáo các bác sỹ cần cân nhắc tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi lựa chọn tiêm cho ai, nhất là việc vaccine có thể gây rủi ro cho những người rất cao tuổi hoặc mắc bệnh nan y. 

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Na Uy không tỏ ra lo ngại, bởi họ tin rằng vaccine này có rất ít rủi ro, chỉ là ngoại lệ nhỏ đối với bệnh nhân có bệnh lý nền nặng. Giới chức Na Uy cũng khuyến cáo, các bác sỹ cần cân nhắc tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi lựa chọn tiêm cho ai, nhất là việc vaccine có thể gây rủi ro cho những người rất cao tuổi hoặc mắc bệnh nan y. Bloomberg đánh giá, đây là tuyên bố thận trọng nhất từ trước đến nay từ một cơ quan y tế châu Âu. Theo Viện Y tế công cộng Na Uy, đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng, thì tác dụng phụ của vaccine ở thể nhẹ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Do đó, “đối với những người có quỹ thời gian sống còn lại rất ngắn, hiệu quả của vaccine có thể là không đáng kể”.

Câu hỏi đặt ra, liệu vấn đề xảy ra như ở Na Uy có gây bất ngờ với thế giới không. Các chuyên gia cho rằng, không. Bởi, một chiến dịch tiêm chủng hàng loạt đều liên quan đến số lượng lớn người tham gia, và theo nguyên tắc chung, một số tác dụng phụ, bao gồm cả tử vong, đều được dự kiến. Hiện, Pfizer và BioNTech đang phối hợp với cơ quan chức năng của Na Uy để điều tra nguyên nhân các trường hợp tử vong. Phía Pfizer cho biết, các nhà chức trách Na Uy cho rằng, số lượng sự cố cho đến nay không đáng báo động, và phù hợp với kỳ vọng.

Kinh nghiệm của Na Uy không có nghĩa là những người trẻ tuổi hơn, khỏe mạnh hơn nên tránh tiêm chủng. Nhưng đó là một dấu hiệu ban đầu về những gì cần theo dõi khi các quốc gia bắt đầu báo cáo giám sát an toàn đối với vaccine. Na Uy không phải là một ngoại lệ, các trường hợp tử vong do tác dụng phụ cũng đã được báo cáo ở Vương quốc Anh và Mỹ.

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở thủ đô Oslo, Na Uy. Ảnh: Reuters
Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Thủ đô Oslo, Na Uy. Ảnh: Reuters

Những báo cáo của Na Uy đang được xem xét cẩn trọng. Tại châu Âu, mặc dù 2 loại vaccine Covid-19 đã được phê duyệt và thử nghiệm trên hàng chục nghìn người, bao gồm cả những tình nguyện viên ở độ tuổi 80 và 90. Nhưng độ tuổi trung bình của những người tham gia chỉ vào khoảng 50 tuổi. Do đó, phát hiện mới của Na Uy đưa ra cảnh báo rằng, vaccine Covid-19 có thể quá rủi ro đối với người cao tuổi và mắc bệnh nan y.

Việc triển khai vaccine một cách suôn sẻ sẽ rất quan trọng đối với bất kỳ nền kinh tế nào. Đó là một thách thức lớn cho các nhà lãnh đạo, những người nhận thức rõ mức độ quan trọng của chương trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Tin mới