Thế giới tuần qua: Kỳ vọng cho những mối quan hệ đối tác ở Trung Á và hậu bầu cử Mỹ

(Baonghean.vn) - Bất chấp căng thẳng giữa các thành viên, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải đã được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, đánh dấu việc Trung Quốc củng cố sức ảnh hưởng của mình ở khu vực Trung Á. Trong khi đó, tại Mỹ, bên cạnh những điện mừng được gửi tới ông Joe Biden, thì vẫn còn những e ngại, do ông Donald Trump vẫn tiếp tục cầm quyền tại Nhà Trắng trong 2 tháng nữa. Đây là những vấn đề quốc tế được chú ý trong tuần qua.

Củng cố tầm ảnh hưởng tại Trung Á

Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Quốc và Nga lãnh đạo, bao gồm 8 thành viên: Ấn Độ, Pakistan, và 4 quốc gia hậu Xô Viết là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. SCO được thành lập vào năm 2001 và hội nghị thượng đỉnh được tổ chức hàng năm.

Cuộc họp năm nay diễn ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường sự hiện diện tại khu vực và các nền kinh tế Trung Á đang lao đao bởi đại dịch Covid-19. Ngoài ra, quốc gia thành viên Kyrgyzstan đang vật lộn với cuộc nổi dậy, Armenia và Azerbaijan xung đột gay gắt, hay như tranh chấp biên giới vẫn tiếp diễn giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Hội nghị SCO là cuộc họp đa phương đầu tiên có sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kể từ khi xung đột bùng phát tại biên giới hai nước hồi tháng 5.

Bất chấp những bất đồng giữa các quốc gia thành viên, hội nghị thượng đỉnh SCO được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Ảnh: SCMP
Bất chấp những bất đồng giữa các quốc gia thành viên, hội nghị thượng đỉnh SCO được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Ảnh: SCMP

Do đó, trọng tâm của hội nghị lần này là củng cố đoàn kết, tăng cường hợp tác đa phương và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch. Giới quan sát nhận đinh, bất ổn chính trị ở Trung Á và xung đột giữa các thành viên sẽ không làm suy yếu khuôn khổ đa phương, vốn được tạo dựng để ổn định “tam giác quan hệ" Nga-Trung Quốc-Trung Á.

Hội nghị vẫn diễn ra bất chấp những xung đột, phản ánh sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của Trung Quốc.

Raffaello Pantucci, chuyên gia về các vấn đề Á-Âu tại Viện hoàng gia Liên hợp quốc ở London cho biết: Thực tế đây sẽ là dịp để củng cố “bàn tay” của Trung Quốc tại Trung Á. Bắc Kinh đã khai sinh ra SCO và sự tồn tại, phát triển liên tục của tổ chức phản ánh tích cực về nhiều mặt đối với Bắc Kinh. Do đó, bất chấp tất cả những xung đột, hội nghị vẫn diễn ra, phản ánh sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của Trung Quốc, hoặc ít nhất là sức hấp dẫn của tổ chức này, đã xây dựng và phát huy vai trò trên lục đại Á-Âu. 

Các nhà quan sát nhận định, vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong việc phục hồi kinh tế toàn cầu cũng có thể mở rộng ảnh hưởng của nước này trong khối. Artyom Lukin, phó giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông Nga cho biết: Vai trò của Trung Quốc vẫn sẽ rất quan trọng vì Trung Quốc là quốc gia SCO duy nhất có nền kinh tế tiếp tục phát triển, bất chấp đại dịch. Một động thái theo hướng phát triển này sẽ là thỏa thuận giữa Trung Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu - một khối kinh tế và thương mại do Nga dẫn đầu. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự đoàn kết tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ảnh: SCMP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự đoàn kết tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ảnh: SCMP

Hơn thế, trong bối cảnh Bắc Kinh và Moskva đều phải đối mặt với sức ép từ Mỹ, thỏa thuận này sẽ là một phần trong nỗ lực xây dựng một hệ thống tài chính và tiền tệ Á-Âu mới, nhằm chống lại hệ thống tài chính toàn cầu do đồng đô la Mỹ thống trị. 

Cũng tại hội nghị, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị Nga và các đối tác châu Á phản đối sự can thiệp của “các thế lực bên ngoài". Mặc dù ông Tập không nhắc đến Washington trong bài phát biểu của mình, nhưng tất cả đều ám chỉ tới Mỹ với nhiều thuật ngữ được nhắc tới như “chủ nghĩa đơn phương”, “virus chính trị”. Đây cũng là bình luận quốc tế đầu tiên của ông Tập kể từ khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra, và đưa ra trong bối cảnh các quan chức trong chính quyền Donald Trump đang tăng cường sức ép lên Bắc Kinh. 

Ngần ngại với kết quả bầu cử Mỹ

Trong tuần qua, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã gửi điện mừng ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ lần thứ 46. Thủ tướng Anh Boris Johnson miêu tả cuộc điện đàm giữa ông và ông Joe Biden là “sự trở về với những vấn đề truyền thống trong mối quan hệ giữa hai nước Anh và Mỹ”, sát cánh cùng nhau trong một số vấn đề như thúc đẩy dân chủ trên thế giới, tự do thương mại, an ninh chung, mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương…

Trên Twitter, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thông báo về cuộc điện đàm với ông Biden, trong đó tái khẳng định cam kết đối với liên minh Hàn-Mỹ, và thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, hai bên đều nhất trí sẽ sớm tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh. Hay như nhà lãnh đạo Nhật Bản Suga Yoshihide cũng đã điện mừng ông Biden, và nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương cũng như một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. 

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn chưa đi đến hồi kết bởi những kiện tụng pháp lý. Ảnh: CNN
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn chưa đi đến hồi kết bởi những kiện tụng pháp lý. Ảnh: CNN

Các đồng minh của Mỹ có lẽ không “làm phật ý” chính quyền của Donald Trump trong những tuần cuối cùng của ông tại Nhà Trắng.

Hầu hết đồng minh của Mỹ đều đã gửi thông điệp tương tự, bao gồm cả những lãnh đạo thân thiết với Trump tại Israel và Arab Saudi. Chỉ có vài quan chức trên thế giới lên tiếng về việc Tổng thống Donald Trump từ chối nhận thua và cáo buộc có gian lận bầu cử trên diện rộng nhưng không đưa ra bằng chứng xác thực. Giới quan sát lại đưa ra nhận định rằng, thời gian từ nay đến lễ nhậm chức của Tổng thống nhiệm kỳ mới còn khá dài, do đó các đồng minh của Mỹ có lẽ không “làm phật ý” chính quyền của Donald Trump trong những tuần cuối cùng của ông tại Nhà Trắng.

Erik Brattberg, Giám đốc chương trình châu Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế nhận định: “Ông Trump vẫn là tổng thống trong 2 tháng nữa, do đó ông ấy có thể hành động nếu bị chỉ trích. Đối với các nhà lãnh đạo châu Âu, việc công khai chỉ trích ông Trump bây giờ đơn giản là không mang lại lợi ích gì. Thay vào đó, họ sẽ đưa ra những tuyên bố ẩn ý và bày tỏ niềm tin cải thiện mối quan hệ dưới thời Joe Biden”. Có thể thấy, chẳng ai muốn hành động quyết liệt hơn khi ông Trump vẫn chưa bỏ cuộc. 

Không giống như nhiều nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn giữ im lặng. Lý do ở chỗ, đang xảy ra những tranh chấp, kiện tụng hậu bầu cử. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov còn đánh giá rằng, so với các nước quan trọng khác trên thế giới thì hệ thống bầu cử Mỹ “có lẽ là cổ xưa nhất” và hệ thống này “bóp méo đáng kể ý chí của người dân”. 

Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên xuất hiện tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, sau 1 tuần kể từ khi truyền thông công bố kết quả bầu cử. Ảnh: CNN
Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên xuất hiện tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, sau 1 tuần kể từ khi truyền thông công bố kết quả bầu cử. Ảnh: CNN

Điều đáng nói, mặc dù các phương tiện truyền thông phương Tây đã đồng loạt đưa tin về chiến thắng của ông Joe Biden, song Bộ Ngoại giao Mỹ lại chặn hàng loạt điện chúc mừng Tổng thống đắc cử Biden, theo lệnh của chính quyền Trump. Hàng chục điện mừng đã bị “kẹt lại”. Thậm chí, ông Biden điện đàm với nhiều lãnh đạo, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Canada Justin Trudeau, mà không được Bộ Ngoại giao hỗ trợ về hậu cần và phiên dịch. Do đó, đội ngũ của Biden liên lạc với chính phủ các nước mà không thông qua Bộ Ngoại giao Mỹ. 

Trong một động thái mới nhất, thay vì nhận thua, ông Donald Trump lại đưa ra nhiều kịch bản cho việc tiếp tục ở lại Nhà Trắng trong lúc suy nghĩ về tương lai sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cho biết, nếu đối thủ Joe Biden chính thức được xác nhận là người chiến thắng, ông có thể công bố kế hoạch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024 ngay sau đó. 

Tin mới