Thế giới tuần qua: Những hồi chuông cảnh tỉnh

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên trong lịch sử, tờ Thời báo New York đã dành nguyên trang nhất của một số báo để tưởng nhớ những nạn nhân tử vong do Covid-19, cho thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch đối với Mỹ nói riêng, thế giới nói chung. Còn tại Hàn Quốc, nước này đã ghi nhận nhiều ca nhiễm mới tại một số cụm dịch, khiến giới chức phải tái áp đặt một loạt biện pháp giãn cách xã hội. Đây là những nội dung đáng chú ý trong tuần qua.

BẢN CÁO PHÓ ĐẶC BIỆT

Thay vì các bài báo đi kèm hình ảnh đồ họa bắt mắt thường xuất hiện trên trang nhất của Thời báo New York (The  New York Times - NYT), thì số báo ngày 24/5 được lấp đầy bởi một danh sách dài, trang trọng, và kéo dài vào 3 trang trong số báo, được gọi là cáo phó về những người đã thiệt mạng vì đại dịch Covid-19 trên khắp đất nước.

Thời báo New York đã dành một trang báo cáo phó, tưởng nhớ nạn nhân Covid-19. Ảnh: The Guardian
Thời báo New York đã dành một trang báo cáo phó, tưởng nhớ nạn nhân Covid-19. Ảnh: The Guardian

Tờ báo có sức ảnh hưởng lớn ở Mỹ đã nhấn mạnh trong dòng tít: “Số người chết ở Mỹ đã gần 100.000 người, một mất mát không thể kể xiết”. Và cách tờ báo này đưa chi tiết về những người đã mất, khiến cả cộng đồng phải suy nghĩ. Trong giới thiệu ngắn ở đầu bài, có đoạn: “1.000 người ở đây chỉ đại diện cho 1%. Họ không chỉ là những cái tên trong một danh sách. Họ là chúng ta. Chỉ riêng các con số không thể đong đếm được ảnh hưởng của Covid-19 tới Mỹ, cho dù đó là số lượng bệnh nhân được chữa trị, số việc làm bị ảnh hưởng hay những sinh mạng bị tước đi”. 

NYT cho biết, trước đó họ đã dành thời gian nghiên cứu, làm thế nào để đánh dốc cột mốc 100.000 người tử vong. Họ đã thu thập những cái tên từ 1.000 bản cáo phó và giấy báo tử trên các tờ báo của Mỹ để nhấn mạnh số người thương vong trong đại dịch. Theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins, số người tử vong do dịch bệnh ở Mỹ là hơn 97.000 người, cao nhất thế giới.

Trong một bài viết cho Times Insider, Simone Landon, trợ lý biên tập đồ họa của NYT giải thích đây là cách cá nhân hóa thảm kịch khi độc giả và các nhân viên phát triển dữ liệu đã quá mệt mỏi vì những cập nhật liên tục về đại dịch. Landon đã dẫn đầu một nhóm nghiên cứu, tìm kiếm các cáo phó trên hàng trăm tờ báo Mỹ liệt kê Covid-19 là nguyên nhân cái chết, rồi lấy tên và các chi tiết cá nhân quan trọng nhất, miêu tả sự độc đáo của người qua đời. Ví như:“Alan Lund, 81 tuổi, Washington, nhạc trưởng với “đôi tai tuyệt vời nhất”.

Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 100.000 người đã thiệt mạng. Ảnh: TIME
Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 100.000 người đã thiệt mạng. Ảnh: TIME

Landon cho biết, nếu chỉ đặt 100.000 dấu chấm hoặc hình đính kèm trên một trang, thực sự không cho người đọc biết nhiều về những người đã mất, cuộc sống mà họ đã sống, và ý nghĩa cuộc đời của họ. Vì vậy đã nảy ra ý tưởng biên soạn cáo phó, và thông báo về cái chết của nạn nhân Covid-19 từ các tờ báo lớn nhỏ trên khắp đất nước. 

Tom Bodkin, Giám đốc sáng tạo của NYT cho biết, cách thiết kế đã được trình sớm, nhưng với cách trình bày trang nhất một tờ báo mà không có hình ảnh thì “đây chắc chắn là lần đầu tiên trong thế kỷ hiện đại và kể từ khi tờ báo xuất bản năm 1851”. 

Có những người nổi tiếng đã xuất hiện trong cáo phó đặc biệt của Thời báo. Chẳng hạn như “Joe Diffie”, 62 tuổi,  Nashville, ngôi sao ca nhạc giành giải Grammy, hay “Lila A.Fenwick”, 87 tuổi, New York, phụ nữ da đen đầu tiên tốt nghiệp Trường luật Harvard. Thế nhưng, đó không phải là đặc quyền dành cho một nhóm nhỏ có vị trí xã hội. Hàng trăm người dân bình thường khác cũng được giới thiệu theo cách trịnh trọng như thế trên Thời báo. Đó là “Myles Coker”, 69 tuổi, New York, người được giải thoát khỏi cuộc đời trong tù; là “Ruth Skapinok”, 85 tuổi, Roseville, người để đồ ăn trên tay cho đàn chim sau vườn; “Jordan Driver Haynes”, 27 tuổi, Cedar Rapids, chàng trai trẻ tốt bụng với nụ cười làm người khác say mê...

Nữ y tá tại một trạm xét nghiệm ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters
Nữ y tá tại một trạm xét nghiệm ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters

Tờ NYT cùng lúc đó đã chia sẻ trang nhất của mình trên Twitter và chỉ sau vài giờ đã nhận được 61.000 lượt tweet lại và hơn 116.000 lượt thích. Nhiều bình luận bên dưới bài đăng đã thể hiện sự đau buồn, thương tiếc: “1000 cái tên, một ngàn câu chuyện”, “Sốc và buồn”. Còn một biên tập viên của NYT chia sẻ: “100 năm nữa, khi nhìn lại, thế hệ sau sẽ hiểu những gì chúng ta đang trải qua”. Ngày 27/5 đánh dấu số người chết vì dịch bệnh ở Mỹ vượt 100.000 người. Con số cho thấy mức độ nghiêm trọng của Covid-19. 

ĐỀ CAO CẢNH GIÁC

Hàn Quốc đã nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội và chuyển sang tiến hành “phòng dịch trong cuộc sống hàng ngày” bắt đầu từ 6/5. Tuy nhiên ngay sau đó, cơ quan y tế nước này đã phát hiện một số ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm rất cao ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm tới gần một nửa dân số Hàn Quốc. Mới đây, ngày 28/5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, nước này ghi nhận thêm 79 ca nhiễm Covid-19, mức tăng cao nhất kể từ ngày 5/4.

Ca nhiễm tăng trở lại quốc gia Đông Bắc Á này do sự bùng phát cụm dịch ở phố Itaewon, Seoul và nhà kho của công ty thương mại điện tử Coupang ở Bucheon, tỉnh Gyeonggi, phía Tây Seoul. Hiện 69 ca nhiễm đã được ghi nhận tại nhà kho này. Tất cả các nhân viên tại cơ sở này đã tiếp xúc với bệnh nhân đều bị cách ly và cơ sở đã ngừng hoạt động. 

Nhà kho của Công ty Coupang ở Bucheon, Hàn Quốc trong ảnh chụp ngày 27/5. Ảnh: Reuters
Nhà kho của Công ty Coupang ở Bucheon, Hàn Quốc trong ảnh chụp ngày 27/5. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Y tế Park Neung-hoo cho biết, Hàn Quốc sẽ tái áp đặt một loạt biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đợt dịch Covid-19 mới. Tất cả bảo tàng, công viên và các triển lãm nghệ thuật tại vùng thủ đô Seoul sẽ bị đóng cửa lần nữa thêm 2 tuần, kể từ ngày 29/5 tới 14/6, trong khi các công ty được yêu cầu tái áp dụng các phương thức làm việc linh hoạt. 

Trước khi sự việc xảy ra, Hàn Quốc được thế giới ca ngợi là hình mẫu khống chế dịch hiệu quả mà không cần áp dụng những biện pháp phong tỏa chặt chẽ. Nhờ tích cực xét nghiệm, áp dụng công nghệ vào truy vết ca nhiễm bệnh, người dân hợp tác và tuân thủ cách biệt cộng đồng, Hàn Quốc nhanh chóng làm phẳng “đường cong” trên biểu đồ. Diễn biến tích cực này thúc đẩy chính phủ Hàn Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế, chuyển sang chiến lược “giãn cách trong cuộc sống thường nhật’’, hướng tới mục tiêu bình thường hóa xã hội, đặc biệt là mở cửa trở lại nền kinh tế.

Thế nhưng, khi bùng phát làn sóng dịch bệnh mới ở Hàn Quốc, bình luận viên Amy Gunia của Time cảnh báo, điều này cho thấy tất cả quốc gia, ngay cả khi từng kiểm soát được đại dịch, vẫn phải giữ cảnh giác. Thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), nơi đại dịch khởi phát, quyết định xét nghiệm toàn bộ 14 triệu dân sau khi ghi nhận ca nhiễm mới trong cùng khu dân cư.

Hàn Quốc đã nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội bắt đầu từ 6/5. Ảnh chụp tại một ga tàu điện ngầm ở Seoul vào ngày 18/5. Ảnh: Bloomberg
Hàn Quốc đã nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội bắt đầu từ 6/5. Ảnh chụp tại một ga tàu điện ngầm ở Seoul vào ngày 18/5. Ảnh: Bloomberg

Bất chấp những khó khăn trước mắt, giới chuyên gia vẫn bày tỏ tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc với hệ thống từng giúp họ thành. Son Young-rae, chiến lược gia dịch tễ học cấp cao của Chính phủ Hàn Quốc đánh giá: “Làn sóng dịch thứ hai là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Hàn Quốc đang vận hành một hệ thống giám sát và sàng lọc liên tục trong toàn xã hội, nên có thể ngăn dịch bùng nổ nhanh chóng như trước đây”. 

Tin mới