Thế giới tuần qua - những tin tức nổi bật

(Baonghean.vn) - Triều Tiên diễn tập pháo binh quy mô lớn; Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân đến bán đảo Triều Tiên; Bầu cử Tổng thống Pháp: Lộ diện 2 ứng viên bước vào vòng cuối;... là những sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần qua.

1. Triều Tiên diễn tập pháo binh quy mô lớn

Lực lượng pháo binh Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Lực lượng pháo binh Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin, Triều Tiên đã tiến hành một cuộc diễn tập pháo binh quy mô lớn nhân kỷ niệm Ngày thành lập quân đội vào hôm 25/4. Có nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội Triều Tiên đã diễn tập bắn đạn thật với quy mô lớn tại khu vực gần thành phố Wonsan ở phía đông nước này. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.

Cùng ngày, trong dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập quân đội, Triều Tiên đã đưa ra cảnh báo Mỹ cần phải lựa chọn giữa việc đầu hàng về chính trị hoặc đầu hàng về quân sự. 

2. Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân đến bán đảo Triều Tiên

Tàu ngầm USS Michigan neo đậu tại cảng Busan (Hàn Quốc) vào tháng 12-2010.
Tàu ngầm USS Michigan neo đậu tại cảng Busan (Hàn Quốc) vào tháng 12/2010.

Yonhap dẫn lời các quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết, tàu ngầm hạt nhân USS Michigan của Mỹ sẽ tham dự vào cuộc tập trận gần khu vực bán đảo Triều Tiên dự kiến diễn ra vào cuối tuần này cùng nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson.

Tuy nhiên, nguồn tin này khẳng định, tàu ngầm USS Michigan sẽ không tham gia cuộc tập trận chung cùng nhóm tàu USS Carl Vinson mà chỉ hiện diện tại khu vực để gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bình Nhưỡng.

Tàu ngầm hạt nhân USS Michigan của Mỹ thuộc lớp tàu Ohio, được trang bị 150 tên lửa hành trình Tomahawk và có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 1.600km.

3. Bầu cử Tổng thống Pháp: Lộ diện 2 ứng viên bước vào vòng cuối

Ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen.
Ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen.

Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen và ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron là 2 cái tên có mặt trong vòng cuối cùng của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào ngày 7/5 tới.

Được đánh giá là một trong những cuộc đua khó đoán định nhất trong lịch sử khi có tới 30% số cử tri được khảo sát trước vòng bầu cử cho biết họ vẫn chưa quyết định sẽ bầu cho ai, kết quả cuối cùng của vòng bỏ phiếu thứ nhất là một thất bại nặng nề đối với đảng Cộng hòa Pháp và đảng Xã hội Pháp - hai đảng chính trị lớn và lâu đời đã thay phiên nhau cầm quyền trong suốt 60 năm qua.

4. Thổ Nhĩ Kỳ sa thải 9.000 cảnh sát liên quan tới âm mưu đảo chính

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ những người bị tình nghi có liên hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ những người bị tình nghi có liên hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải hơn 9.000 cảnh sát với cáo buộc có liên hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen, người được cho là chủ mưu đứng sau cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống ngày 15/7/2016.

Tính từ sau cuộc đảo chính thất bại đến nay, khoảng 40.000 người đã bị bắt giữ và 120.000 người đã bị sa thải hoặc cách chức, trong đó bao gồm nhiều binh sỹ quân đội, cảnh sát, giáo viên và công chức nhà nước. Tất cả đều bị cáo buộc có liên hệ với các nhóm vũ trang.

Đợt bắt giữ này diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan giành chiến thắng với số phiếu sít sao trong cuộc trưng cầu dân ý về việc gia tăng quyền lực.

5. “Lò lửa” Đông Bắc Á tăng nhiệt

Mỹ sẽ hoàn thành lắp đặt THAAD tại Hàn Quốc trong thời gian tới.
Mỹ sẽ hoàn thành lắp đặt THAAD tại Hàn Quốc trong thời gian tới.

Bất chấp sự phản đối quyết liệt từ phía Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc vẫn gấp rút hoàn tất việc lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Trong bối cảnh căng thẳng tại Đông Bắc Á ngày càng gia tăng liên quan tới vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên, những động thái về THAAD sẽ khiến “lò lửa” ở khu vực này tăng nhiệt mạnh.

Ngay trước khi THAAD cập cảng Hàn Quốc, Seoul và Washington đã tiến hành cuộc tập trận chung bắn đạn thật trên biển Hoàng Hải. Động thái nhằm thể hiện mối quan hệ liên minh chặt chẽ giữa hai nước chống lại Bình Nhưỡng và tiếp tục đẩy cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên tăng cao.

6. Bộ trưởng Tái thiết Nhật Bản từ chức vì lỡ lời

Ông Masahiro Imamura cúi đầu xin lỗi trước báo giới về phát ngôn thiếu suy nghĩ liên quan đến thảm họa sóng thần năm 2011. Ảnh: Getty Images
Ông Masahiro Imamura cúi đầu xin lỗi trước báo giới về phát ngôn thiếu suy nghĩ liên quan đến thảm họa sóng thần năm 2011. Ảnh: Getty Images

Ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ Tái thiết các khu vực bị thảm họa của Nhật Bản Masayoshi Imamura đã nộp đơn từ chức lên Thủ tướng Shinzo Abe. 

Nguyên nhân dẫn đến việc ông Imamura buộc rời khỏi chức vụ vì có phát ngôn rằng may mắn là thảm họa động đất và sóng thần hồi năm 2011 đã xảy ra ở khu vực Đông Bắc chứ không phải ở khu vực Tokyo. Mặc dù sau khi phát hiện lỡ lời, ông đã xin lỗi trước phóng viên, nhưng người dân và các doanh nghiệp ở khu vực phía Đông Bắc cảm thấy bị tổn thương nghiêm trọng. 

7.Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay Sơn Đông

Tàu sân bay Sơn Đông lớp Type 001A
Tàu sân bay Sơn Đông lớp Type 001A

Ngày 26/4/2017, Tổng công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc lớp Type 001A tại xưởng đóng tàu ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.

Type 001A là tàu sân bay đầu tiên được thiết kế và đóng hoàn toàn ở Trung Quốc. Lễ hạ thủy đã diễn ra lúc 9 giờ, ngày 26/4/2017. Sắp tới, tàu sân bay mới với tên gọi Sơn Đông sẽ bắt đầu thử nghiệm kỹ thuật và sau đó là chạy thử. 
Trước đó, tàu Type 001A được đưa ra khỏi đốc khô vào ngày 23/4/2017 vào dịp kỷ niệm 68 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc. 

8. 100 ngày đầu cầm quyền của ông Trump: Thực tế khác xa với kỳ vọng

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Dù những hành động trên đã thể hiện được phần nào sự quyết đoán trong chính sách đối ngoại tuy nhiên Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ dường như chưa làm được nhiều trong các vấn đề đối nội cũng như chưa giành được sự ủng hộ của người dân.

Theo các kết quả thăm dò dư luận mới nhất thì chỉ có khoảng 44% số người được hỏi ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong khi số người không ủng hộ lên tới 54%. Đây cũng là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất đối với một tổng thống đắc cử trong vòng 100 ngày cầm quyền đầu tiên kể từ khi các cuộc thăm dò được tổ chức trong nhiệm kỳ của Tổng thống Dwight Eisenhower những năm 1950-1960.

Điểm tích cực trong các cuộc thăm dò này là những người bỏ phiếu cho ông Trump vẫn hết lòng ủng hộ vị Tổng thống của mình. Có tới 93% số người được hỏi tin tưởng vào chính sách mà Tổng thống Trump đang thực hiện và chỉ có 7% lên tiếng phản đối.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới