Thế giới tuần qua - những tin tức nổi bật

(Baonghean.vn) - Anh chính thức kích hoạt quá trình rời EU, Cựu Tổng thống Hàn Quốc Pack Guen -hye bị bắt, Ivanka Trump chính thức được bổ nhiệm làm trợ lý cho cha tại Nhà Trắng, Triều Tiên lại thử động cơ tên lửa,.. là những sự kiện diễn ra trên thế giới đáng chú ý tuần qua.

1. Anh chính thức kích hoạt quá trình rời EU

Thủ tướng Anh Theresa May sau khi ký bức thư chính thức khởi động tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, tại London ngày 28/3. Ảnh:EPA/TTXVN
Thủ tướng Anh Theresa May sau khi ký bức thư chính thức khởi động tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, tại London ngày 28/3. Ảnh: EPA/TTXVN

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 28/3 đã ký lá thư lịch sử gửi Liên minh châu Âu (EU) về việc rời khỏi khối này sau 44 năm là thành viên. "Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu", bà May nói với các nhà lập pháp. "Đây là thời khắc lịch sử không có đường quay trở lại".

Cùng lúc đó, Đại sứ Anh tại Brussels Tim Barrow giao bức thư có chữ ký của thủ tướng Anh cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ngay khi bức thư này được chấp nhận, Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon của EU, quy định thủ tục để một thành viên rời khỏi khối liên minh, đã chính thức được kích hoạt. 

Quá trình đàm phán dự kiến kéo dài hai năm, đồng nghĩa Anh ra khỏi EU vào năm 2019. Bản sao lá thư của bà May sẽ được gửi đến các nhà lãnh đạo của tất cả 27 nước thành viên EU khác.

2. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Pack Guen-hye bị bắt 

Cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye rời khỏi tòa án trung tâm Seoul sau khi kết thúc phiên điều trần tối 30/3 - Ảnh: Reuters​
Cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye rời khỏi tòa án trung tâm Seoul sau khi kết thúc phiên điều trần tối 30/3. Ảnh: Reuters​

Rạng sáng 31/3, cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã chính thức bị bắt giữ sau khi Tòa trung tâm Seoul chấp thuận yêu cầu của phía công tố.

Bà Park bị cáo buộc tham nhũng, lạm dụng quyền lực và rò rỉ bí mật nhà nước cho bạn thân Choi Soon Sil - một người không có chức vụ gì trong chính phủ. Phía công tố đã yêu cầu bắt khẩn cấp bà Park do lo ngại các bằng chứng phạm tội có thể bị tẩy xóa. Bà Park bị phế truất khỏi chức tổng thống ngày 10/3, đồng nghĩa với việc bị mất quyền miễn trừ bị truy tố dành cho một tổng thống.

Cựu tổng thống Park sẽ phải chịu mọi sự kiểm tra và giờ giấc sinh hoạt như: phải thức dậy lúc 6h30 sáng và đi ngủ lúc 21h; bị hạn chế số lần thăm viếng nhưng được gặp luật sư không giới hạn. Trong ngày đầu tiên, bà Park sẽ được ăn một suất cơm trưa có giá 1.443 won (khoảng 30 nghìn đồng Việt Nam) gồm giá đỗ, kim chi, bắp cải hầm và rong biển.

3. Ivanka Trump chính thức được bổ nhiệm làm trợ lý cho cha tại Nhà Trắng

Ivanka đứng cạnh bố Donald Trump.
Ivanka đứng cạnh cha Donald Trump.

Theo tin từ tờ The New York Times, nữ doanh nhân Ivanka Trump sẽ đảm nhiệm vai trò nhân viên chính thức không lương tại Nhà Trắng.

"Chúng tôi rất vui vì cô Ivanka Trump đã quyết định đảm nhận vai trò chưa từng có của một đệ nhất tiểu thư và ủng hộ ngài tổng thống", Nhà Trắng nói trong một tuyên bố hôm thứ 4. “Với vai trò này, cô Ivanka sẽ có cơ hội dẫn đầu những sáng kiến mang lại những lợi ích chính sách thực sự cho công chúng Mỹ mà trước đây chưa từng có".

4. Trung Quốc yêu cầu Pháp điều tra về cái chết của một công dân

Người biểu tình Trung Quốc tập trung trước cửa một đồn cảnh sát ở Paris ngày 27-3. Ảnh: Xinhua
Người biểu tình Trung Quốc tập trung trước cửa một đồn cảnh sát ở Paris ngày 27/3. Ảnh: Xinhua

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28/3 cho biết, bộ này đã triệu tập một nhà ngoại giao Pháp sau vụ việc cảnh sát Pháp bắn chết một công dân Trung Quốc tại Paris vừa qua.

Hãng thông tấn Tân Hoa đưa tin, công dân Trung Quốc nói trên đã thiệt mạng vào đêm 26/3 sau một "vụ xô xát" với cảnh sát, sau đó vào tối 27/3, đã có khoảng 100 người từ cộng đồng người Trung Quốc tại Pháp tham gia vào cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở cảnh sát phía Đông Bắc Paris. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, Trung Quốc đã yêu cầu Pháp điều tra vụ việc và tiến hành các biện pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn cho công dân nước này tại Pháp. 

5. Triều Tiên lại thử động cơ tên lửa

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 27/3, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, Triều Tiên đã tiếp tục thử nghiệm động cơ tên lửa đạn đạo liên lục địa. Theo các quan chức Mỹ, đây là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang đẩy mạnh chương trình phát triển công nghệ hạt nhân, trong bối cảnh dư luận quốc tế tỏ ra quan ngại về các vụ thử tên lửa và hạt nhân của nước này.

Vụ thử động cơ tên lửa được cho là diễn ra vào đêm 24/3 vừa qua, là vụ thử động cơ tên lửa thứ 2 mà Bình Nhưỡng tiến hành trong tháng này. 

Trong vụ thử động cơ tên lửa đầu tháng 3, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố nước này đã phóng thử thành công động cơ tên lửa thế hệ mới, mang đẳng cấp quốc tế từ bãi phóng Tongchang-ri, mở ra một trang mới cho ngành chế tạo tên lửa.

6. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đắc cử Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết bà từ chức ở thời điểm hiện nay là để tham gia tranh cử chức Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong nhiệm kỳ tới. Ảnh: EPA/TTXVN
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga . Ảnh: EPA/TTXVN

Theo kết quả kiểm phiếu không chính thức, cựu Tổng Thư ký chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 26/3 đã giành được 772 phiếu của Ủy ban bầu (NEC) cử gồm 1.194 thành viên, vượt qua cựu Bộ trưởng Tài chính Tăng Tuấn Hoa và thẩm phán về hưu Hồ Quốc Hưng để trở thành nữ Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong đầu tiên.

Trước đó, 1.194 thành viên NEC đã tham gia cuộc bầu cử dưới hình thức bỏ phiếu kín (không ký tên). Ứng cử viên nào giành được đủ 601 phiếu sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này, trở thành Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong nhiệm kỳ 5 năm tới. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 1/7 tới.

7. Nga: Biểu tình lớn chống chính quyền tham nhũng

Hàng trăm người biểu tình ở Nga bị bắt hôm 26/3. Ảnh: CNN
Hàng trăm người biểu tình ở Nga bị bắt hôm 26/3. Ảnh: CNN

Ngày 26/3, hàng nghìn người trên khắp nước Nga đã xuống đường biểu tình chống tham nhũng và đòi Thủ tướng Dmitry Medvedev từ chức. Hơn 500 người bị câu lưu, trong đó có lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny.

Biểu tình diễn ra tại nhiều thành phố lớn ở miền đông nước Nga, như Novosibirsk (2.000 người), Vladivostok (700 người) v.v. Riêng tại thủ đô Moscow, theo cảnh sát, đã có ít nhất 7.000 người tham gia cuộc tuần hành tại một trong các trục đường chính.

Chính quyền địa phương tại Nga đưa ra nhiều lý do để cấm các cuộc biểu tình. Một số trường đại học tổ chức thi vào ngày này để cản trở sinh viên tham gia biểu tình.

Theo tổ chức BBC, có ít nhất 500 người đã bị cảnh sát bắt giữ. Phần lớn các vụ tuần hành là bất hợp pháp, vì ở Nga yêu cầu biểu tình phải xin giấy phép chính quyền. Cho dù biểu tình diễn ra ngay tại trung tâm thủ đô Matxcơva, các báo chí thân chính quyền hoàn toàn giữ im lặng.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới