Thế giới tuần qua - những tin tức nổi bật

(Baonghean.vn) - Tổng thống Trump thừa nhận đã chia sẻ thông tin với Nga; 'Vành đai, con đường' - tham vọng lớn của Trung Quốc; Tổng thống Pháp hội kiến với Thủ tướng Đức; Triều Tiên xác nhận phóng thử thành công tên lửa đạn đạo mới;... là những tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.

1. Tổng thống Trump thừa nhận đã chia sẻ thông tin với Nga

Nhà trắng bác bỏ thông tin Tổng thống Trump chia sẻ thông tin mật với Nga. Ảnh: AP
Nhà trắng bác bỏ thông tin Tổng thống Trump chia sẻ thông tin mật với Nga. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận ông đã chia sẻ thông tin về khủng bố với Nga, tuy nhiên ông biện hộ rằng ông “hoàn toàn có quyền” làm việc đó và việc chia sẻ là vì “lý do nhân đạo”.

Tổng thống Trump phản ứng trước các báo cáo của tờ Washington Post, vốn cho rằng ông Trump đã tiết lộ các chi tiết “tuyệt mật” về mối đe dọa từ nhóm khủng bố IS trong cuộc gặp hồi tuần trước với Ngoại trưởng Nga và đại sứ Nga tại Washington.

Tổng thống Mỹ được phép phân loại và chia sẻ thông tin mật bất kỳ thời điểm nào ông ấy muốn. Tuy nhiên, trên trang Twitter ngày 16/5, nhà lãnh đạo Mỹ không nói rõ liệu thông tin ông chia sẻ với phía Nga có mật hay không.

Ông Trump viết: “Là một Tổng thống, tôi muốn chia sẻ với Nga (tại cuộc gặp ở Nhà trắng đã lên kế hoạch công khai) những thông tin mà tôi hoàn toàn có quyền làm vậy, sự thật liên quan tới chủ nghĩa khủng bố và an toàn bay hàng không. Vì các lý do nhân đạo, thêm nữa tôi muốn Moskva tăng cường hơn nữa cuộc chiến chống IS và chủ nghĩa khủng bố”.

2. 'Vành đai, con đường' - tham vọng lớn của Trung Quốc

Bản đồ các tuyến kết nối trong chương trình
Bản đồ các tuyến kết nối trong chương trình "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc - Ảnh: Đồ họa CNN

Sáng kiến "Vành đai, con đường" được Trung Quốc lần đầu đưa ra năm 2013. Đây là dự án xây dựng qua hơn 60 nước, dựa trên ý tưởng hồi sinh Con đường tơ lụa từng kết nối Trung Quốc với Trung Á, châu Âu và xa hơn nữa.

Trong ngày 14 và 15/5, nước này đã tổ chức Diễn đàn Vành đai và Con đường, với gần 30 lãnh đạo trên thế giới. Đây là trọng tâm kế hoạch thúc đẩy quyền lực mềm của Trung Quốc. Credit Suisse Group dự báo Trung Quốc có thể rót hơn 500 tỷ USD vào 62 quốc gia trong 5 năm tới.

Mục đích chính của nó là giúp Trung Quốc duy trì tăng trưởng kinh tế thông qua thương mại. Bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các nước, họ sẽ tạo ra được đối tác thương mại cho chính mình. Tuy nhiên, việc này còn mang cả gia tăng ảnh hưởng của nước lớn. 

3. Tổng thống Pháp hội kiến với Thủ tướng Đức

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm15/5 đã tiếp đón thân mật tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Berlin
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm15/5 đã tiếp đón thân mật tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Berlin

Chiều tối 15/5 theo giờ địa phương, ông Emmanuel Macron đã đến Berlin hội kiến với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống Pháp.

Trong cuộc hội kiến này, ông Macron nhấn mạnh rằng việc hợp tác giữa Pháp và Đức cần những hành động thực tế hơn. Tân Tổng thống Pháp cũng hy vọng rằng Pháp và Đức sẽ vạch ra được một lộ trình cải cách Liên minh châu Âu (EU) trong vài tuần tới. 

Ông Macron mong muốn trong tương lai EU sẽ bớt quan liêu hơn và có khả năng tự bảo vệ tốt hơn. Đối với Pháp, việc thay đổi hiệp ước châu Âu trong việc cải tổ EU không phải là một điều cấm kỵ. 

Về phần mình, Thủ tướng Đức cho rằng đây là một thời khắc quan trọng của EU, và EU chỉ mạnh khi nước Pháp mạnh. Đồng ý với ý tưởng cải tổ EU và sẵn sàng thay đổi hiệp ước nhưng theo bà Merkel, trước hết các bên phải xác định mong muốn EU cải tổ điều gì sau đó mới bắt tay tiến hành các bước tiếp theo.

4. Triều Tiên xác nhận phóng thử thành công tên lửa đạn đạo mới

Tên lửa Triều Tiên bay từ khu vực phía tây rồi rơi xuống biển Nhật Bản (Ảnh: NHK)
Tên lửa Triều Tiên bay từ khu vực phía tây rồi rơi xuống biển Nhật Bản. Ảnh: NHK

Ngày 15/5, CHDCND Triều Tiên xác nhận bắn thử thành công một loại tên lửa đạn đạo tầm trung đất đối đất mới, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cỡ lớn.

Theo KCNA, tên lửa đã được phóng ở góc cao nhất nhằm đảm bảo an ninh cho các nước láng giềng. Tên lửa Hwasong-12 bay được 787km trước khi rơi xuống vùng biển gần Nga và đạt độ cao hơn 2.111km. KCNA cho biết vụ thử nhằm mục đích kiểm tra thông số kỹ thuật và chiến thuật của tên lửa đạn đạo mới được phát triển có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cỡ lớn. 

Theo kế hoạch, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ nhóm họp vào ngày mai, theo yêu cầu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, để thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất này của Triều Tiên./. 

5. Mỹ chỉ định công tố viên đặc biệt điều tra Nga can thiệp bầu cử

Ông Robert Mueller. Ảnh: Reuters
Ông Robert Mueller. Ảnh: Reuters

Bộ Tư pháp Mỹ vừa chọn cựu Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt giám sát cuộc điều tra liên bang đối với “nghi án” Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.

Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, cuộc điều tra sẽ nhắm tới cáo buộc "những nỗ lực của Chính phủ Nga nhằm tác động đến bầu cử Mỹ năm 2016, cùng các vấn đề liên quan".

Động thái này là nhằm xoa dịu làn sóng chỉ trích đang đổ dồn vào Tổng thống Trump và chính quyền sau khi ông bất ngờ sa thải Giám đốc FBI James Comey giữa lúc Comey đang giám sát cuộc điều tra mối liên hệ giữa đội ngũ tranh cử của Trump và giới chức Nga.

6. Mỹ điều thêm tàu sân bay áp sát bán đảo Triều Tiên

Tàu sân bay USS Ronald Reagan.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Ngày 18/5, Hải quân Mỹ đã điều động tàu sân bay USS Ronald Reagan áp sát bán đảo Triều Tiên để tiến hành tập trận cùng tàu sân bay USS Carl Vinson.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo thành công. Tên lửa đạt tầm xa hơn 700 km và vươn tới tầm cao hơn 2.000 km, cho thấy công nghệ chế tạo tên lửa của nước này đã đạt được bước tiến vượt bậc. Triều Tiên cũng tuyên bố tên lửa vừa phóng có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cỡ lớn và có khả năng tấn công nước Mỹ.

7. Nhà du hành vũ trụ Nga Viktor Gorbatko qua đời

Du hành gia Gorbatko (phải) và phi công Phạm Tuân khi hai người trở về Trái Đất sau chuyến bay vào vũ trụ. Ảnh: TTXVN.
Du hành gia Gorbatko (phải) và phi công Phạm Tuân khi hai người trở về Trái Đất sau chuyến bay vào vũ trụ. Ảnh: TTXVN.
Ngày 17/5, nhà du hành vũ trụ Viktor Gorbatko đã qua đời tại thủ đô Mátxcơva (Liên bang Nga). Theo thông tin từ cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga, ông đã nằm điều trị tại Bệnh viện Mandryk 2 tuần qua và từ trần tại đây. Lễ tang nhà du hành vũ trụ Gorbatko được tổ chức vào ngày 19/5 (giờ địa phương).

Ông Gorbatko sinh ngày 3/12/1934. Chuyến bay vũ trụ đầu tiên của nhà du hành này diễn ra vào tháng 10/1969 trên tàu vũ trụ Soyuz-7. Lần thứ hai, ông có mặt trên tàu vũ trụ Soyuz-24 và trạm quỹ đạo Salyut-5 vào tháng 2/1977. Chuyến bay thứ ba của ông diễn ra cùng với phi hành gia đầu tiên của Việt Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Tuân, vào tháng 7/1980 trên tàu vũ trụ Soyuz-37.
8. Quyền Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Lee Chang-jae từ chức
Quyền Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Lee Chang-jae đệ đơn từ chức.
Quyền Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Lee Chang-jae đệ đơn từ chức.

Ngày 19/5, quyền Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Lee Chang-jae đã đệ đơn từ chức. Quyết định này được đưa ra một ngày sau khi bộ này và các công tố viên tiến hành điều tra tham nhũng các quan chức trong nội bộ cơ quan Tư pháp.
Yonhap News dẫn lời ông Lee Chang-jae cho biết: “Tôi đã làm hết sức mình để duy trì luật pháp và trật tự với tư cách là một quyền bộ trưởng giữa bối cảnh khủng hoảng quốc gia. Tuy nhiên, tôi quyết định từ chức và tin rằng mình phải là người đầu tiên từ bỏ để có thể giành lại được niềm tin của người dân sau vụ việc gần đây”.

Tuyên bố của ông Lee được đưa ra sau một ngày văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in yêu cầu văn phòng công tố tiến hành một cuộc điều tra nội bộ tại cơ quan Tư pháp.
Thái Bình
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Tin mới