Thế giới và những cái lắc đầu

(Baonghean) - Thế giới không phải bao giờ cũng là sân khấu của sự đồng thuận, mà nhiều lúc còn là nơi các chủ thể kiên định khước từ những đề xuất và mong đợi, dù vì lý do này hay lý do khác.

Obama tới Hiroshima: Khước từ xin lỗi

Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt vòng hoa tại Công viên tưởng niệm hòa bình ở Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt vòng hoa tại Công viên tưởng niệm hòa bình ở Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: AP.

Hơn 7 thập niên đã trôi qua kể từ khi nước Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của 140.000 người và bắt đầu kỷ nguyên xung đột hạt nhân. Ngày 27/5, lại thêm một “lần đầu tiên” nữa, khi Obama trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đặt chân tới thăm Hiroshima, sánh bước cùng người đồng cấp đất nước Nhật Bản Shinzo Abe.

Chuyến thăm mang tính lịch sử cho thấy nỗ lực từ cả 2 phía Washington và Tokyo nhằm phô diễn quan hệ liên minh cấp cao giữa 2 quốc gia cựu thù và nối lại những nỗ lực gián đoạn nhằm xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Trước chuyến thăm, ông Obama tuyên bố đây là cơ hội để tái khẳng định cam kết theo đuổi hòa bình và an ninh của một thế giới nơi vũ khí hạt nhân không còn cần thiết. Tổng thống Mỹ cùng Thủ tướng Nhật đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân trước đài tưởng niệm, chia sẻ với những giọt nước mắt của các nạn nhân còn sống sót, nhưng tuyệt nhiên không một lời xin lỗi nào được thốt ra.

Suốt thời gian qua, thực tế đã có không ít tranh cãi xoay quanh việc liệu ông Obama có nên xin lỗi về vụ ném bom Hiroshima, hay vụ tấn công Nagasaki bằng quả bom nguyên tử thứ 2 chỉ sau đó vỏn vẹn 3 ngày hay không.

Cần chú ý rằng, ngay trước chuyến thăm của mình, vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã thẳng thắn tuyên bố khi đến thăm Hiroshima, ông sẽ tưởng niệm tất cả những nạn nhân thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng chắc chắn sẽ không cất lời câu xin lỗi về các vụ thả bom nguyên tử.

Tổng thống Obama an ủi một nạn nhân sống sót sau vụ ném bom Hiroshima. Ảnh: Getty.
Tổng thống Obama an ủi một nạn nhân sống sót sau vụ ném bom Hiroshima. Ảnh: Getty.

Đây là điều không khó hiểu, bởi phần đông người Mỹ từ lâu vốn xem 2 quả bom nguyên tử trên là cần thiết để chấm dứt cuộc chiến và cứu vớt thêm nhiều sinh linh khác, mặc dù lập luận này vẫn bị nhiều nhà sử học tỏ ý nghi ngờ và đa số người Nhật nhận xét là thiếu công bằng.

Hơn thế, ông Obama sẽ không xin lỗi về quyết định của người tiền nhiệm thời chiến là Harry Truman, bởi điều đó sẽ đồng nghĩa với việc phá vỡ một điều cấm kỵ suốt nhiều thập kỷ qua trong các chính quyền kế nhiệm tại Mỹ.

Vậy nhưng, như dư luận phỏng đoán, ông Obama vẫn thành công vận dụng hết vốn từ có thể để kêu gọi cùng nỗ lực hướng tới một thế giới vắng bóng vũ khí hạt nhân. Những từ ngữ này lần đầu được Tổng thống Mỹ đề cập trong một bài diễn văn năm 2009 tại Prague, giúp ông giành được giải Nobel hòa bình cuối năm đó.

7 năm đã trôi qua, nhưng thông điệp, hay cũng là giấc mộng của nhà lãnh đạo xứ cờ hoa đã vấp phải bức tường thực tế địa chính trị đầy gian truân. Giờ đây, một lần nữa tại Hiroshima, ông lại nhấn mạnh: “Chuyến thăm Hiroshima của chúng ta sẽ tái khẳng định tầm nhìn chung về một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Đối với nhiều người, vẫn còn đó một dấu hỏi lớn về những ảnh hưởng dài hạn từ chuyến thăm lịch sử của ông Obama tới thành phố từng hứng chịu đau thương 71 năm trước, nhất là khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông cũng đang rơi vào quỹ đạo đếm ngược chờ ngày kết thúc vào tháng 1 năm tới.

Nhiều người Nhật tỏ ý hài lòng về chuyến thăm của Obama, dù họ không nhận được lời xin lỗi về quá khứ đã lùi xa, nhưng đâu đó vẫn không tránh khỏi băn khoăn rằng liệu di sản của ông có được nhà lãnh đạo kế tiếp của nước Mỹ tiếp tục duy trì hay không. Điều họ muốn là ứng viên đắc cử chiếc ghế danh giá trong Nhà Trắng sẽ kế tục cả thái độ của người tiền nhiệm về vấn đề giải giáp hạt nhân trên toàn cầu.

WHO nói “không” với thay đổi địa điểm tổ chức Olympic

Nhân viên y tế chuẩn bị phun thuốc diệt côn trùng tại khu Sambadrome ở Rio, Brazil. Ảnh: AP.
Nhân viên y tế chuẩn bị phun thuốc diệt côn trùng tại khu Sambadrome ở Rio, Brazil. Ảnh: AP.

Zika đang là mối đe dọa với không chỉ riêng quốc gia nào trên thế giới, nhất khi loại virus quái ác này được cho là có liên quan đến bệnh “nhỏ đầu” - một di chứng bẩm sinh khiến đầu của trẻ phát triển một cách bất thường, tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới nhiều vấn đề nghiêm trọng cho thế hệ tương lai.

Brazil hiện được xem như “ổ dịch” lớn nhất, khi năm qua đã ghi nhận tới 1.300 trường hợp trẻ sơ sinh mắc chứng bệnh này. Bên cạnh những cơn đau đầu dai dẳng do suy thoái và chính trị rối ren, đất nước Nam Mỹ giờ đây lại gánh thêm sức ép khác khi 150 chuyên gia y tế lên tiếng kêu gọi trì hoãn hoặc đổi địa điểm tổ chức Thế vận hội thay vì diễn ra tại Rio de Janeiro như kế hoạch do lo ngại có thể khiến dịch bệnh thêm bùng phát và lây lan nhanh chóng.

Quan điểm của giới chuyên gia không phải không có cơ sở, bởi không ai có thể nói trước được rằng làn sóng vận động viên và người hâm mộ từ khắp nơi đổ về đây sẽ tránh được nguy cơ lây nhiễm loại virus ký sinh trên muỗi và mang theo mầm bệnh về nước.

Thậm chí, trong thư yêu cầu, các nhà nghiên cứu, chuyên gia còn đặt câu hỏi phải chăng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không muốn đề xuất trì hoãn hoặc thay đổi địa điểm tổ chức Thế vận hội là vì xung đột lợi ích giữa tổ chức này với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).

Một số vận động viên tuyên bố sẽ xem xét hoãn việc đến Brazil trước thềm Olympic Rio vì virus Zika. Ảnh: PA.
Một số vận động viên tuyên bố sẽ xem xét hoãn việc đến Brazil trước thềm Olympic Rio vì virus Zika. Ảnh: PA.

Phản hồi những yêu cầu này, WHO hôm 28/5 đã bác bỏ đề xuất của 150 nhà khoa học hàng đầu, khẳng định Thế vận hội sẽ “không làm thay đổi đáng kể” sự lây lan của virus Zika. Tổ chức này đưa ra quan điểm dựa trên việc đánh giá hiện tại quá trình lây lan virus Zika ở gần 60 quốc gia trên toàn cầu và 39 quốc gia châu Mỹ và quả quyết “không có lý do chính đáng nào về mặt y tế để trì hoãn hoặc hủy bỏ sự kiện thể thao này”, đồng thời chỉ gợi ý cách tốt nhất để giảm nguy cơ nhiễm bệnh là tuân thủ các khuyến cáo đi lại của ngành y tế.

Công bằng nhìn nhận, đề xuất của giới chuyên gia là sự thận trọng cần thiết trong bối cảnh WHO đã buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu trước sự bùng phát và lây lan nhanh ngoài tầm kiểm soát của dịch bệnh bắt nguồn từ đất nước Brazil. Với tốc độ và cường độ lây lan như hiện nay, người ta cho rằng khả năng Zika “có mặt” tại châu Phi chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng rất khó để hưởng ứng lời kêu gọi trên, vì khi thời điểm khai mạc Thế vận hội đã cận kề, di dời địa điểm hoặc hủy bỏ là nhiệm vụ gần như bất khả thi. Và nếu như không còn kịp để làm gì khác, WHO và IOC phải cân nhắc kỹ lưỡng, cốt sao để cân bằng giữa việc tổ chức sự kiện thể thao tầm cỡ hành tinh theo đúng kế hoạch, với áp chế những rủi ro đối với sức khỏe của cộng đồng, mà trọng tâm không chỉ là sức khỏe của các vận động viên mà còn là sự an toàn của những người đang ấp ủ kế hoạch tới Rio trước bóng đen lơ lửng mang tên Zika.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới