Thế giới và tiếng bom

(Baonghean) - Thế giới tuần qua có không ít biến động ồn ào cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, dù là trên bàn hội đàm, trên chiến trường hay trong lòng cuộc sống thường nhật…

Nga không kích Syria, phương Tây sửng sốt
Thứ Tư, ngày 30/9, Nga tiến hành không kích lần đầu tiên tại Syria ngay sau khi có 162/162 phiếu ủng hộ tại Nghị viện và lời đề nghị chính thức từ Damas. Đây cũng như lời thông báo về sự "tái xuất" của Tổng thống Nga Putin trên chính trường quốc tế, khiến cho các nước phương Tây càng đau đầu hơn trước bài toán Trung Đông.
Tiêm kích Su-34 Fullback thả bom trong một cuộc tập trận. 	Ảnh: Ausairpower
Tiêm kích Su-34 Fullback thả bom trong một cuộc tập trận. Ảnh: Ausairpower
Trước Liên Hợp quốc, Tổng thống Nga Putin tuyên bố động thái của Nga nhằm góp phần vào cuộc chiến chống khủng bố nói chung của cả thế giới và cuộc chiến chống IS nói riêng tại Trung Đông. Theo đó, mục tiêu mà các máy bay chiến đấu Nga nhắm vào là các khí tài quân sự, trung tâm truyền tin, vũ khí và các mỏ dầu mà IS đang chiếm giữ. Tuy nhiên, phương Tây tỏ ra lo ngại về ý đồ của Nga khi một số thông tin thực địa cho thấy một kịch bản hiện trường không giống với những gì Nga tuyên bố.
Theo Đài quan sát nhân quyền tại Syria (OSDH), đợt không kích của Nga đánh vào các cứ địa của Mặt trận Al-Nosra, một nhánh của Al-Qaida tại Syria, và các căn cứ của nhóm Hồi giáo Ahrar Al-Sham. Cả hai nhóm này tạo thành xương sống của Jaysh Al-Fatah, liên minh phiến quân từng đánh bật quân của chính quyền Assad khỏi Idlib mùa xuân vừa qua. Một nhóm vũ trang khác có liên kết với Quân đội Syria tự do, nhánh phiến quân hài hoà và có khả năng được Mỹ trang bị tên lửa đối xe tăng, cũng bị Nga nhắm đến.
Tại Homs, không kích của Nga chủ yếu gây ra thiệt hại dân sự. Thủ lĩnh phe đối lập đang bị trục xuất Khaled Khoja đưa ra con số thường dân thiệt mạng bởi không kích Nga là 36 người. 
"Các mục tiêu IS gần nhất nằm chếch về phía Đông, cách khoảng 50 km. Không còn nghi ngờ gì nữa, mục tiêu của Nga là phe đối lập chống chính quyền Assad", một cố vấn của Quân đội Syria tự do thì khẳng định.
Đó không phải là một giả thiết vô căn cứ về mục đích xuất quân đến Syria lần này của Nga. Với sự hỗ trợ về mặt quân sự của Điện Kremlin, sự sống còn của Tổng thống Assad trước mắt sẽ được đảm bảo.
Hơn thế, theo phân tích của chuyên gia tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London, "quân đội chính quyền Syria sẽ lại có khả năng tiến lên và rất có thể sẽ đẩy lùi được quân IS ra khỏi Palmyre". "Nhất cử lưỡng tiện", nếu kịch bản đó xảy ra thì Nga không những vừa bảo vệ được chính quyền đồng minh của mình, vừa "lập công" trong cuộc chiến chống IS và chứng tỏ cho phương Tây thấy sức ảnh hưởng của Nga đối với các vấn đề quốc tế.
Khi phương Tây vẫn còn dè chừng trước sự hiện diện của Nga ở Syria thì sớm hơn ai hết, các cánh quân đối lập chống chính quyền Assad đã dự cảm được mối nguy hiểm từ "gấu Nga" đối với sự sống còn của mình. Không đợi Nga xuất kích, Quân đội hồi giáo, 1 trong 2 cánh phiến quân lớn mạnh nhất, đã tuyên chiến với binh sỹ Nga gửi đến Syria. Oussama Abou Zayed của Quân đội Syria tự do thì tuyên bố: "Syria sẽ là một Afghanistan thứ hai với họ".
Mỹ và Pháp, hai quốc gia dẫn đầu liên minh quốc tế chống IS, chỉ nhận được thông báo của Nga một giờ trước khi chiến dịch không kích được tiến hành. Không kịp trở tay trước động thái bất ngờ đó, phản ứng của hai nước này vẫn khá thận trọng và chỉ dần thể hiện rõ thái độ vài ngày sau khi đợt không kích diễn ra. 
"Chúng tôi rất băn khoăn rằng có vẻ như đó không phải là mục tiêu của Nga (nhắm vào IS), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không che giấu sự quan ngại trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga.
"Nếu mục tiêu là IS và Al-Nosra thì Nga sẽ được hoan nghênh. Nhưng nhắm vào phe đối lập và thường dân lại là vấn đề khác", Ngoại trưởng Pháp tuyên bố. 
Thứ Sáu, ngày 2/9, Nga tiếp tục không kích ở Syria và Tổng thống Putin tuyên bố trong hội đàm tại Paris rằng chiến dịch này còn tiếp diễn trong vài tháng tới đây. Lần này, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác trong liên minh chống IS đã lên tiếng yêu cầu Nga dừng tấn công các mục tiêu đối lập và tập trung vào IS. Theo họ, sự can thiệp của Nga đã đẩy cuộc giao tranh vùng Trung Đông lên một mức mới theo chiều hướng cực đoan.
Nổ liên hoàn ở Trung Quốc: hậu quả của mâu thuẫn nội tại
Trước thềm ngày Quốc khánh Trung Quốc (1/10), 18 vụ nổ liên tiếp diễn ra trong 2 ngày (30/9 và 1/10) ở tỉnh Quảng Tây, miền Nam nước này. Ít nhất 7 người chết, 51 người bị thương theo tin cung cấp bởi Tân Hoa Xã.
18 vụ nổ, trong đó vụ cuối cùng diễn ra vào lúc 8 giờ sáng (giờ địa phương), nhắm vào các mục tiêu khác nhau như bệnh viện, nhà tù, nhà ga, trại chăn nuôi, siêu thị, chợ, toà nhà hành chính địa phương, trung tâm phòng ngừa bệnh truyền nhiễm. Bom được giấu trong các bưu kiện, dẫn đến giả thiết cho rằng địa điểm nổ bom là do việc chuyển phát ngẫu nhiên của bưu điện.
Một vài quả bom trong số đó đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, ví dụ như một phần toà nhà sụp đổ là một trong những hình ảnh được đăng tải rộng rãi trong báo chí và trên mạng xã hội Trung Quốc những ngày qua. 
Ngay sau khi chuỗi sự việc diễn ra, người dân Trung Quốc nhanh chóng được kêu gọi không mở các bưu kiện mà họ nhận được, ngay cả khi đó là những bưu điện mà họ đang chờ. 60 bưu kiện bị nghi ngờ đã được thu thập bởi cảnh sát địa phương và được các chuyên gia kiểm tra kỹ càng.
Phần lớn các vụ nổ diễn ra tại huyện Liễu Thành, gần Thành phố Liễu Châu - đô thị lớn thứ hai của Quảng Tây. Truyền thông chính thống Trung Quốc cho biết một nghi phạm 33 tuổi đã được “nhận diện”. Theo một số nguồn tin, đối tượng này có tiền sử bị gửi đi cải huấn ở trại giáo dưỡng. 
Văn phòng châu Á của Ủy ban bảo vệ nhà báo cho biết, hiện nay truyền thông Trung Quốc được chỉ thị không đăng tải những thông tin quá chi tiết như “phóng sự đặc biệt, tường thuật trực tiếp, hình ảnh cận cảnh, tin tức thu thập và tổng hợp từ mạng xã hội”.
Chính quyền Bắc Kinh không bình luận hay xác nhận thông tin nêu trên. Tuy nhiên, điều có thể nhận thấy rõ là một số trang web đã đóng cửa ô thông tin về sự kiện nổ liên hoàn này, mà trang Sina là một ví dụ. 
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc chứng kiến những sự kiện như thế này. Vào tháng 11/2013, một người đàn ông đã gây ra một chuỗi nổ liên hoàn trước Toà nhà Đảng ủy tại Sơn Tây, khiến 1 người thiệt mạng. Tháng 6/2013 có 47 người thiệt mạng khi một người đàn ông tự thiêu bằng những bình đựng xăng ngay trong xe bus. Còn vào năm 2011, hơn 100 người chết trong chuỗi nổ bom liên hoàn do một người đàn ông gây ra với mục đích trả thù vợ cũ. 
Những lý do dẫn đến các vụ việc mang tính chất cực đoan như thế này ở Trung Quốc khá đa dạng, bên cạnh các lý do mang tính xã hội thì mâu thuẫn chính trị cũng là động cơ thường gặp. Hoạt động chống đối chính quyền Bắc Kinh tại khu tự trị Tân Cương chưa bao giờ thực sự lắng xuống trong những năm qua và vụ nổ bom liên hoàn lần này cũng được cho là có liên quan đến các phần tử ly khai người Duy Ngô Nhĩ. Không chỉ có nguy cơ căng thẳng và bạo lực giữa chính quyền với người dân tộc thiểu số, Bắc Kinh còn lo ngại về khả năng liên kết giữa các phần tử chống đối với các nhóm khủng bố quốc tế khác. 
Việc vụ nổ diễn ra trong thời điểm có những mốc sự kiện quan trọng như kỷ niệm 66 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc, 60 năm thành lập khu tự trị Tân Cương, Chủ tịch Tập Cận Bình trở về từ chuyến thăm Trung Quốc đã gây nên một cú sốc lớn cho cả đất nước này, đặc biệt là với các cơ quan chức năng. Đồng thời, sự việc này một lần nữa đặt lại dấu chấm hỏi về các mâu thuẫn nội tại trong xã hội Trung Quốc mà chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. 
Thục Anh 
(Le Monde)

Tin mới