Thể thao học đường: Còn bị xem nhẹ

(Baonghean) - Giáo dục thể chất và phong trào thể dục, thể thao trong trường học góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của học sinh. Tuy nhiên, do thiếu cơ sở vật chất cũng như những bất cập trong giáo dục thể chất khiến thể thao học đường chưa được phát huy đúng tầm...

Thời gian qua, công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh tuy chưa có sự phát triển đột biến nhưng chương trình nội khoá luôn được 100% các trường thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Việc đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục thể chất, phát triển thể thao học đường không chỉ mang lại diện mạo mới trong công tác giáo dục toàn diện của Nghệ An mà còn tạo điều kiện để ngành thể thao của tỉnh có được nguồn dự bị đông đảo, chất lượng. 

Giao lưu bóng chuyền các trường THPT trên địa bàn huyện Tân Kỳ.
Giao lưu bóng chuyền các trường THPT trên địa bàn huyện Tân Kỳ.

Nhìn vào những con số thống kê của Hội khoẻ Phù Đổng (HKPĐ) toàn quốc - sân chơi lớn nhất của thể thao lứa tuổi học đường, có thể thấy thể thao học đường Nghệ An có sự tiến bộ rất lớn. Cụ thể như HKPĐ toàn quốc lần thứ VII năm 2008, đoàn thể thao học sinh Nghệ An giành được 23 huy chương (5 Vàng, 43 Bạc và 14 Đồng), xếp thứ 35/63 đoàn. Tới HKPĐ toàn quốc lần thứ VIII năm 2012, đoàn thể thao học sinh Nghệ An vươn lên giành được 79 huy chương (17 Vàng, 27 Bạc, 35 Đồng), xếp thứ 19/63 đoàn.

Tới Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2016 vừa qua, đoàn thể thao Nghệ An tiếp tục vươn lên, xếp thứ 13/63 tỉnh thành. Bên cạnh đó, không ít các tài năng thể thao Nghệ An có xuất phát điểm từ thể thao học đường, được phát hiện qua các kỳ Hội khỏe Phù Đổng, được bồi dưỡng chuyên nghiệp và đã đem về nhiều vinh quang như Nguyễn Thị Quyên, Nguyễn Thị Mơ (cầu mây), Nguyễn Thị Thanh (đá cầu), Lê Quang Hải (điền kinh)...

Thể thao học đường là nền tảng để tuyển chọn ra các vận động viên năng khiếu thể thao nhằm bồi dưỡng thành các VĐV chuyên nghiệp. Nhưng thực tế ở Nghệ An, nền thể thao học đường vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt phải kể đến việc thiếu sân chơi thể thao cho học sinh. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo: “Trong những năm gần đây, các trường đã có nhiều cố gắng xây dựng, sửa sang sân chơi, bãi tập cho học sinh. 100% trường có sân bãi để có thể tiến hành giờ học thể dục theo chương trình; một số trường đã có sân bóng đá mini. Số sân tổ chức được các hoạt động thể dục thể thao toàn trường đạt khoảng 80%”.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nhiều trường học còn thiếu sân bãi đúng quy cách cho công tác giáo dục thể chất. Như ở TP Vinh, trong số 11 trường THPT trên địa bàn thành phố (cả công lập và dân lập), mới chỉ có 5 trường có nhà đa chức năng phục vụ cho việc giáo dục thể chất. Còn lại các trường THPT khác, việc học thể chất diễn ra ngoài trời, ở sân thể thao hoặc sân trường; mỗi khi thời tiết không thuận lợi (như rét đậm, mưa gió...) thì việc học đành tạm hoãn… Theo thống kê, đến hết năm học 2015 - 2016, trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ có 49/539 trường tiểu học, 42/412 trường THCS, 25/91 trường THPT có nhà đa chức năng phục vụ cho các giờ học thể dục. 

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên thể dục cũng còn nhiều bất cập. Hiện nay, trong chương trình giáo dục từ tiểu học đến THCS, học sinh được học thể dục với rất nhiều môn như chạy ngắn, chạy bền, nhảy cao, nhảy xa, đá cầu, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông..., trong đó một số môn đòi hỏi nhiều sự khéo léo như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... cần giáo viên có chuyên môn sâu đảm nhiệm mới đạt được yêu cầu và tạo ra sự hứng khởi cho học sinh và hiệu quả của môn học.

Đội bóng đá THPT nam Nghệ An (áo sáng) thi đấu tại HKPĐ toàn quốc 2016.
Đội bóng đá THPT nam Nghệ An (áo sáng) thi đấu tại HKPĐ toàn quốc 2016.

Tuy nhiên, hiện nay, các trường chưa có giáo viên chuyên sâu cho các môn này mà một giáo viên phải dạy nhiều môn nên thiếu hiệu quả. Do vậy, các tiết học môn Thể dục trong tuần chỉ giúp học sinh thư giãn, giải tỏa áp lực học văn hóa chứ không thể coi là tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe đúng nghĩa. 

Thực tế là, hiện nay, ở rất nhiều trường học, do chương trình học các môn văn hóa nặng nề nên giáo dục thể chất bị coi nhẹ; thể dục luôn bị xem là môn phụ nên việc dạy, học và thi cũng chiếu lệ, khiến việc rèn luyện và nâng cao thể chất cho học sinh trở nên hình thức.

Thầy Lê Văn Sơn - Giáo viên môn thể dục Trường THPT Lê Viết Thuật, cho biết: “Trong chương trình chính khóa, môn Thể dục không còn cho điểm mà chỉ đánh giá nhận xét “đạt” hoặc “không đạt” khiến đa số học sinh thấy thể dục không cần thiết. Giờ học thể dục bị chuyển thành giờ ôn tập cho môn chính, môn thi tốt nghiệp, dù vào cuối năm, ngành Giáo dục đào tạo lại ra văn bản chỉ đạo các trường không được cắt xén giờ học các môn phụ, trong đó có môn thể dục”.

Để khắc phục những khó khăn trong việc phát triển thể thao học đường, thiết nghĩ cần thiết phải có sự chung tay của nhiều phía, từ ngành Giáo dục, ngành Thể thao đến các vị phụ huynh và bản thân các em học sinh. Vấn đề mấu chốt là làm thế nào để phân phối thời gian, khối lượng kiến thức học văn hoá cho hợp lý để các em học sinh có điều kiện theo đuổi niềm đam mê thể thao.

Các cơ quan chức năng cũng cần chú trọng hơn nữa các giải pháp về cơ chế, chính sách, tăng cường huy động nguồn lực xã hội để tăng cường cơ sở vật chất, đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông về ích lợi của thể thao học đường...

Minh Quân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới