Bóng đá Việt Nam: Bờ vực của sự tụt hậu

(Baonghean) - Trong khi các tuyển thủ không ngừng cháy hết mình để có những trận đấu fair - play thì bên ngoài sân cỏ lại xảy ra cuộc “hỗn chiến” từ “nóc nhà” VFF cho đến những bình luận của người hâm mộ trên các trang mạng xã hội. Một sự hỗn loạn chờ chực đẩy nền bóng đá Việt Nam đến bờ vực của sự tụt hậu...

Ba trận thua liên tiếp tại vòng Chung kết U23 châu Á tổ chức tại Doha, Qatar nên U23 Việt Nam phải về nước sớm là điều đã được dự đoán trước. Chúng ta may mắn khi giành được tấm vé tới Doha để tiếp tục cọ xát, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm để theo đuổi mục tiêu làm “Vua” tại vùng trũng “Đông Nam Á. Rõ ràng đẳng cấp là một khoảng cách mà đội tuyển của chúng ta chưa thể với tới vào lúc này khi tham gia các giải đấu mang tầm châu lục.
Để rút ngắn khoảng cách này, không chỉ cần sự cố gắng của các cầu thủ mà trước hết là tầm chiến lược của VFF với một kế hoạch phát triển bền vững và cả sự cổ vũ, những góp ý tích cực của người hâm mộ. Thế nhưng, sự sống của môn thể thao vua vẫn trôi qua trong hờ hững...
Các cầu thủ U23 Việt Nam ăn mừng bàn thắng trước U23 UAE.
Các cầu thủ U23 Việt Nam ăn mừng bàn thắng trước U23 UAE.
Trước hết phải nói đến những “đòi hỏi” mang tính thái quá của không ít người hâm mộ. Người ta đòi sa thải huấn luyện viên Toshiya Miura mà phủ nhận hết thảy những cống hiến của ông giành cho bóng đá Việt Nam. Ai mà chẳng muốn đội tuyển của mình đá “trên chân” mọi đối thủ, giành chiến thắng ở mọi trận đấu và hơn thế là mong muốn sự ủng hộ của người hâm mộ dù thắng hay thua. Bóng đá là thế. Khi huấn luyện viên Miura vừa sang Việt Nam, ông đã giúp đội U23 đi tiếp với ngôi đầu bảng ở ASIAD, vào vòng chung kết giải châu Á… Khi ấy, ông được tung hô như một trong những huấn luyện viên tài ba nhất của đội tuyển Việt Nam. 
HLV Miura.
HLV Miura.
Vậy mà, nhanh như trở bàn tay, cách nhìn về HLV thay đổi với những chê bai từ VFF, những lời sỉ nhục của người hâm mộ. Tại sao không nghĩ xem, nếu Miura làm theo những ảo vọng đó mà không có chính kiến của mình thì có xứng đáng của một vị thuyền trưởng hay không? Chắc rằng khi đó ông chẳng khác nào người “đẽo cày giữa đường”.
Chừng nào người hâm mộ bóng đá Việt Nam biết cách kiểm soát thái độ của mình, biết hài lòng với những gì đang có thì họ mới thực sự trở thành “cầu thủ thứ 12” của đội tuyển, bằng không họ chỉ là những người xem đá bóng đơn thuần mà thôi. Dù rằng, hợp đồng có thể kết thúc không tái ký, Miura cũng sẽ về Nhật nhưng ai sẽ là người đủ tài đức để dẫn dắt đội tuyển đáp ứng mọi mong muốn của người hâm mộ khi mà “ngôi nhà bóng đá” Việt Nam đang bị “dột” từ “nóc” VFF? 
Một nền bóng đá phát triển ắt phải có nền móng vững vàng và chiến lược rõ ràng chứ không phải kiểu xây nhà từ nóc và những mục tiêu manh mún để rồi nóc dột, móng lung lay, khiến bóng đá Việt Nam giống như một con bệnh trầm kha. Và khi đã bị bệnh thì rất cần một thầy thuốc giỏi để điều trị, phải rèn luyện để tăng sức đề kháng. Do đó, phải xác định, bộ máy VFF phải là những người có tâm, có tầm và việc cải tổ là điều cấp thiết; đào tạo bóng đá trẻ phải là nền tảng, V-League là gốc và đội tuyển mới là ngọn. 
Khát vọng về một nền bóng đá hùng mạnh là khát khao của các tuyển thủ quốc gia và mong mỏi cháy bỏng của người hâm mộ. Điều quan trọng là liệu những nhà quản lý bóng đá Việt Nam có cùng “chung chí hướng” hay không thôi?. Mọi người mong chờ một cuộc “cải tổ” từ VFF, một cuộc cải cách, đổi mới toàn diện cho một nền bóng đá vốn đã ở trong “vùng trũng” giờ chông chênh bên vực thẳm. 
Sơn Chu

Tin mới