Đầu năm nghe hịch Sông Lam Nghệ An

(Baonghean.vn)- Đầu xuân năm mới, Báo Nghệ An giới thiệu bài hịch hiệu triệu các cầu thủ Sông Lam Nghệ An của tác giả N@T.

Hỡi các cầu thủ xứ Nghệ!

Ta thường nghe,

Thành lập năm Kỷ Mùi tính đến năm Bính Thân, SLNA bước sang tuổi 37 và là đội bóng duy nhất chỉ tiến không lùi, chưa từng bao giờ xuống hạng. Gần 4 thập kỷ qua đã 2 lần giương cao Cúp vô địch, đó là chưa kể 2 lần đoạt Cúp quốc gia, rồi siêu Cúp. Các giải trẻ đánh đâu thắng đấy, tiến vào trong Nam nức lòng người Nam Bộ, tiến ra bắc khiến kẻ sĩ Bắc Hà ngã mũ kính phục. Nói đến đội bóng Áo Vàng là nói đến một tượng đài bóng đá, thể hiện khí phách của người xứ Nghệ. Năm xưa, nói đến bóng đá xứ Nghệ là nhắc những tên tuổi lẫy lừng như Ngô Xuân Quýnh, Văn Sĩ Chi, Thái Nguyên Bền, Lê Mai Tú. Kế tiếp là những cái tên Thanh Tuấn, Hữu Thắng, Phi Hùng, Quang Trường rồi Huy Hoàng, Văn Quyến, Công Vinh…. viết lên truyện cổ tích xứ Nghệ lừng danh. 

Ngày xưa, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ đẹp, lương bổng thấp nhưng các bậc tiền bối vẫn đội nắng và nóng ra sân miệt mài tập luyện từng động tác, lấy cần cù bù khả năng. Những cha anh năm nao đều hiểu, dân xứ Nghệ kỳ vọng vào đội bóng con cưng, bỏ họp chợ, gác công việc từ Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Đô Lương… kìn kìn đổ về sân Vinh cổ vũ cho đội bóng.

 


Các khanh phải nhớ, ngày trước nơi quê nghèo này Hữu Thắng ban đầu cũng chỉ là cầu thủ thuận chân trái bình thường như bao người khác. Nhờ luyện tập chuyên cần, biết đúc rút kinh nghiệm dưới tay 5-6 huấn luyện viên ngoại mà trở thành trung vệ tầm cỡ Đông Nam Á. Rồi Công Vinh cũng xuất thân từ giải trẻ Báo Nghệ An, mãi khổ luyện thành tài, trở thành tiền đạo ghi bàn hàng đầu của V-League, lương cao, lộc nhiều, nhà xe, vợ đẹp con khôn.Nay các khanh, khi chọn nghiệp “quần đùi áo số”, lấy sân cỏ làm nơi rèn binh, luyện tướng thì ngoài việc chuyên môn cũng phải hiểu sâu truyền thống cha anh. Đừng như “đàn gảy tai trâu”, cầm chén cơm mới là quên ngay chuyện cũ thì lấy đâu hào khí để ra sân chiến chinh.

Huống chi,

Các anh sinh ra ở một vùng quê mà bóng đá chính là môn thể thao số 1. Vẫn biết quê nghèo, cày lên sỏi đá nhưng Bắc Á vẫn chung tay vì niềm vui của mọi người chỉ cần “"Đá thật cho dân sướng, đá đẹp cho dân vui" còn thắng-thua đôi khi là chuyện ngoài sân cỏ. Khoác giày ra sân đá đẹp, đá thật là dân ta đã mến, đã yêu.  Sông Lam quê ta có khi đầy, khi cạn thì tình yêu ấy bao đời không đổi thay.

 Vẫn biết, chế độ đãi ngộ đội bóng quê ta chưa nhiều như các nơi nhưng khoác trên mình chiếc áo vàng thì lương thưởng, tiền lót tay đã gấp hàng chục lần bạn bè cung trang lứa mò cua, bắt ốc, lặn lội ngoài đồng ruộng.

Liệu rời trái bóng ra, phỏng các khanh làm nên được điều gì lớn lao không?. Hay để lòng dân oán trách, quay lưng với sân cỏ, khán đài trống vắng để rồi cầu thủ lâm vào cảnh  “trâu ơi, theo ta về đồng cỏ”.

Ấy thế mà,

Bao năm qua, người hâm mộ  xứ Nghệ tới bữa quên ăn, giữa trưa đã chen nhau vác thang công thành vào sân;  thấy đội bóng thua thì ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chấp nhận công việc trùng trùng kéo đến sân Gò Đậu, bao ngày hành thân trên “ngựa sắt” từ thành phố Hồ Chí Minh lên Gia Lai cỗ cũ. Than ôi, dù biết vạn thân này chịu bao gian khổ, họ vẫn cam lòng.   

Thế nhưng, năm Ất Mùi mới qua, SLNA trắng tay từ U11 đến đội 1 là sao?. Đang thắng ào ào như chẻ tre lại lâm vào cảnh “thua đúng quy trình và khả năng”. Bao giọt nước mắt đã rơi xuống sân Vinh và niềm tin bay theo gió.

Nhưng thôi,

Năm mới Bính Thân đã tới, Khỉ Vàng quê Choa ta có đôi lời hiệu triệu cánh cầu thủ bóng đá tỉnh nhà:

Ta bảo thật, các người từ quan đến quân cần đẩy cao hơn nữa tinh thần chuyên nghiệp, cống hiến hết mình cho bóng đá sạch, đừng ra sân kiểu “Em như ngọn cỏ phất phơ/Anh như con nghé nhởn nhơ giữa đồng” mà uổng công người hâm mộ kỳ vọng... Đá đấm không ra trò, sẽ tự hủy hoại đi danh tiếng CLB và chính sự nghiệp cầu thủ của chính mình.

Thế nên,

Nhân lúc, cầu thủ thành danh lũ lượt ra đi, buộc lòng đôn sức trẻ để thay thế, lấy niềm tự hào thay phần kinh tài hạn hẹp, biết “cái khó ló cái khôn” tham dự V-league 2016 với tâm thế “trâu he còn hơn bò khỏe”. Làm sao để người người như Phi Sơn, nhà nhà như Nguyên Mạnh, ra trận trên công dưới thủ chắc tay, làm rạng danh bóng đá xứ Nghệ cho thỏa lòng ước mong của người hâm mộ. Đừng có, chưa ra trận đã vào thế “tan đàn xẻ nghé”, trẻ ham hố chơi bời thì về già chỉ tủi nhục chìm đắm trong hối tiếc, lãng quên. 

Khi đó,

Tên tuổi và thành tích của các khanh bá tánh thiên hạ đều hay, dấu ấn được ghi tạc trong lòng người hâm mộ. Được thế, không chỉ các người sớm có nhà cao, cửa rộng mà mẹ cha, bà con láng giếng đều thơm lây.

Nay đất trời giao mùa, năm mới Bính Thân đang đến trước cửa nhà. Trong khoảng khắc giao thừa, Khỉ Vàng ta thay mặt người hâm mộ đứng nơi cổng Thành truyền hịch để các người thấu hiểu tấm lòng người hâm, bảo ban nhau siết chặt tay nhất tề đồng lòng quyết chí.

             Nay bố cáo làng trên, xóm dưới.

             Ai nấy đều hay!

                        N@T

Tin mới