Lý do yêu Sông Lam Nghệ An

(Baonghean.vn) - Đơn giản, đó là lý do tôi yêu đội bóng quê mình!
SLNA đã là một đội bóng chuyên nghiệp, một doanh nghiệp đã được cổ phần hóa. Thế mà tôi hay bất kỳ người dân xứ Nghệ nào cũng gọi là đội bóng quê hương, niềm tự hào quê hương. Thật kỳ lạ. Đội bóng quê tôi vốn bị miệt thị là “chém đinh chặt sắt”, đội bóng năm nào cũng phải bị mang tiếng nghèo, liên tục đối diện với nạn “chảy máu” nhân tài.
Cuộc thi Sông Lam Nghệ An - Niềm tự hào xứ Nghệ do Báo Nghệ An, CLB Sông Lam Nghệ An và Công ty CP giải trí VGG đồng tổ chức. Độc giả tìm hiểu cuộc thi tại đây.
Hình ảnh các cầu thủ SLNA tri ân người hâm mộ sau mỗi trận đấu đã trở thành nét đẹp. Ảnh: Trung Kiên
Hình ảnh các cầu thủ SLNA tri ân người hâm mộ sau mỗi trận đấu đã trở thành nét đẹp. Ảnh: Trung Kiên
Và không ít lần làm trái tim của những tín đồ bóng đá như chúng tôi đau nhói. Mục tiêu cầm chừng, vinh quang không hẹn ngày trở lại. Đội bóng nói là chuyên nghiệp, nhưng còn nhiều hạn chế và khuyết điểm. Mặc dù vậy, bằng một nhìn nhận khách quan nhất theo cảm nhận của tôi, nhiều điều ở SLNA luôn khiến tôi cảm thấy ấm lòng. 
Tôi là một nữ, và cũng không quá đam mê, cuồng nhiệt như các bạn nam. Nhưng không vì thế mà tình cảm tôi dành cho CLB SLNA và Hội CĐV SLNA ít hơn họ. Hiện đang làm việc tại Nhật Bản, tôi hiểu rất rõ một đội bóng chuyên nghiệp sẽ đối xử với các CĐV như thế nào?.
Với người dân xứ Nghệ, ở đâu có SLNA, ở đó có bóng dáng quê nhà.
Với người dân xứ Nghệ, ở đâu có SLNA, ở đó có bóng dáng quê nhà.
Nhiều năm trở lại đây, tôi có cảm giác rằng, không còn khoảng cách nào giữa CĐV và cầu thủ SLNA. Tất cả đều vì bóng đá và vì đội bóng quê nhà. Đa số cầu thủ và CĐV xem nhau như thành viên trong gia đình. Ở Nhật Bản, khi kết thúc trận đấu, BHL và tất cả cầu thủ chạy về phía cổ động viên để cảm tạ hoặc ăn mừng chiến thắng không còn là điều xa lạ. 
Còn ở Việt Nam, không nhiều đội bóng có được thói quen đó. Với SLNA, mọi thứ dần được thay đổi và hoàn thiện. Dù thắng hay thua, dù sân nhà hay sân khách, các cầu thủ và HLV đều chạy về phía CĐV đội nhà. Chính vì vậy mà nỗi buồn thua trận của các CĐV cũng phần nào được an ủi. Đôi khi, người ta đến sân cũng chẳng vì thắng thua, mà để cảm nhận được tình quê nên hành động đó nói lên rất nhiều điều. 
Thông qua báo chí, tôi còn biết đến những việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn của SLNA dành cho các CĐV thân yêu của mình. Năm 2013, CĐV Vương Thiên Bá – một CĐV trung thành và nhiệt tình của đội bóng không may qua đời vì tai nạn giao thông, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã dùng phần thưởng HLV xuất sắc nhất tháng của mình để thắp hương cho anh. 
Dù ở nơi nào, cổ động viên SLNA cũng là những người cuồng nhiệt nhất.
Dù ở nơi nào, cổ động viên SLNA cũng là những người cuồng nhiệt nhất.
Mới đây, HLV Ngô Quang Trường, HLV Nguyễn Đức Thắng, đội trưởng Trần Nguyên Mạnh và cầu thủ Quế Ngọc Hải cũng đã đến thăm, và động viên gia đình CĐV Kiều Tuấn Anh tại Nam Đàn không may tử nạn trên chiếc ô tô gia đình. 
Chưa hết, các cầu thủ xứ Nghệ còn lập một đội bóng phủi về tận các vùng quê xa xôi thi đấu, kêu gọi quỹ từ thiện lên đến hàng trăm triệu mỗi trận, giúp đỡ cho những hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Những việc làm nói trên khiến những người dân xa quê như chúng tôi vô cùng cảm kích và ghi nhận. Ở Nhật Bản, trách nhiệm của bóng đá đối với xã hội là vô cùng lớn. Và người dân bản địa nghĩ như thế nào về đội bóng trên địa bàn quyết định phần lớn đến tương lai, hướng đi của CLB đó. Đội bóng quê mình có thể chưa chuyên nghiệp theo cách đó, nhưng xuất phát từ tình cảm, với ý thức trân trọng những cầu thủ thứ 12, những hành động thầm lặng SLNA thể hiện sự quan tâm đến người hâm mộ có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. 
Tôi nghĩ rằng, không biết đến bao giờ thì bóng đá Việt Nam có thể tự nuôi sống mình. Nhưng hi vọng rằng những việc làm như trên sẽ tiếp tục được phát huy. Để SLNA không chỉ là một gia đình, SLNA còn là cầu nối cho những nhịp cầu yêu thương. 
Nguyễn Minh Hằng
(Diễn Tháp, Diễn Châu)

Tin mới