Những tấm gương "tài đức vẹn toàn" ở SLNA

(Baonghean) - “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”, đó là tấm băng rôn mà các CĐV xứ Nghệ phác họa về đội bóng của mình. Nhưng ở SLNA, điều khiến tôi tự hào không phải vì chữ “tài”, mà vì chữ “đức” đang được phát huy ở SLNA…

Sau khi giải nghệ, Như Thuật hiện đang là HLV phó đội U10 SLNA.
Sau khi giải nghệ, Như Thuật hiện đang là HLV phó đội U10 SLNA.

 Bóng đá là một môn thể thao đầy vinh quang nhưng nhiều cám dỗ. Những người đã xác định đi theo nghiệp quần đùi áo số, vì đặc thù phải không ngừng khổ luyện, mong tìm thấy thành công trên sân cỏ nên gần như không có nhiều cơ hội được tiếp cận với kiến thức văn hóa và một môi trường phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, có không ít những nhân tố tại đội bóng xứ Nghệ đã chứng minh cho điều ngược lại.

Cùng với những Văn Quyến, Như Thuật, Lâm Tấn, Văn Vinh… trung vệ Nguyễn Minh Đức là một trong những cầu thủ làm mưa làm gió tại VCK U16 châu Á năm 2000 diễn ra tại Chi Lăng với vai trò thủ quân. Kể từ đó đến nay, trung vệ sinh năm 1983 được xem là cầu thủ thành đạt nhất tại lò đào tạo SLNA. Nhìn cách Minh Đức thi đấu trong màu áo SLNA ở tuổi 33, nhiều người sẽ thắc mắc bí quyết nào khiến cầu thủ gốc Hưng Nguyên “trẻ mãi không già”. Đó là nhờ tác phong sinh hoạt điềm đạm, nghiêm túc và chuyên nghiệp. Trong sự nghiệp thi đấu, chưa bao giờ Minh Đức vướng phải bất kỳ một tiếng xấu nào. Đồng thời trên sân cỏ, cựu đội trưởng SLNA và ĐTQG là hậu vệ nhận ít thẻ vàng nhất của bóng đá Việt Nam với trung bình 1 – 2 thẻ vàng/ 1 mùa giải. 
Đó là những dấu ấn về mặt chuyên môn. Còn phía sau sân cỏ, Minh Đức là tấm gương chăm học. Sinh ra trong một gia đình hiếu học và không có truyền thống thể thao, nhưng do nhà quá gần sân Vinh, nên sức hút của bóng đá đã khiến con đường của cậu học sinh nhiều năm đạt danh hiệu học sinh giỏi Trường THPT Thái Lão huyện Hưng Nguyên rẽ sang một hướng khác. Năm 2000, khi tập trung cùng ĐT U16 Việt Nam, toàn đội đã vô cùng thán phục trước tinh thần hiếu học của đội trưởng Nguyễn Minh Đức. Chuyện rằng, đêm nào các HLV cũng thấy có ánh đèn sáng tại phòng của đội trưởng U16 năm đó. Hóa ra, hằng đêm, cứ sau 23h khi toàn đội đi ngủ thì Minh Đức vẫn chong đèn lên để học văn hóa đến 2 - 3h sáng nhưng đồng thời vẫn đảm bảo giáo án tập luyện. 
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, trung vệ sinh năm 1983 là cầu thủ có trình độ tiếng Anh tốt nhất tại SLNA theo nhận xét của các cầu thủ ngoại. Và trên thực tế, trong nhiều tình huống, anh là một “trợ lý ngôn ngữ” đắc lực cho HLV Ngô Quang Trường tại SLNA. 
Không chỉ có Minh Đức, Như Thuật cũng được mệnh danh là “chàng thư sinh đá bóng” với vóc dáng nhỏ con và tài năng xuất chúng. Ít ai ngờ trong thời gian thi đấu tại SLNA, Như Thuật là một đảng viên ưu tú. Đồng thời trong giai đoạn trước khi quyết định giải nghệ, với uy tín và sự công tâm, Như Thuật nhận nhiệm vụ đặc biệt tại đội bóng trong vai trò “thủ quỹ”, chấm điểm chia tiền thưởng cho các đồng đội. 
Tre già, măng mọc. Đó là quy luật của cuộc sống và trong bóng đá cũng không ngoại lệ. Thế hệ trẻ SLNA cũng đầy tài năng và họ vẫn luôn kế bước các bậc đàn anh, một trong số đó là thủ thành Nguyên Mạnh. Vì tập thể SLNA và người hâm mộ, đội trưởng SLNA sẵn sàng hy sinh tuần trăng mật quý giá của mình. Bộn bề trong thời gian lập gia đình, thủ môn người Đô Lương vẫn chịu khó theo học khóa Tiếng Anh giao tiếp để trau dồi kỹ năng cho bản thân. 
Nói đến bóng đá, nhiều người không có cảm tình với lối sống buông thả của giới cầu thủ. Nhưng với những tấm gương như Công Vinh, Minh Đức, Như Thuật hay Nguyên Mạnh thì chắc chắn nhiều người sẽ phải suy nghĩ lại. 
Trung Kiên

Tin mới