Barca của Enrique hiệu quả hơn Barca của Pep

Pep Guardiola từng giành 7 danh hiệu chỉ trong 2 mùa giải đầu tiên dẫn dắt Barcelona. Kỷ lục tưởng như không thể xâm phạm đó bây giờ đã bị Luis Enrique đuổi kịp. Barca của Enrique chứng tỏ họ có quyền đứng ngang hàng với Barca vĩ đại của Guardiola.

Enrique sau 2 mùa dẫn dắt Barca: Pep cũng đến thế là cùng

"Enrique team" khó lường hơn "Pep Team"

Messi, Iniesta, Alves, Pique, Busquets, Mascherano vẫn còn đó. Về khía cạnh lực lượng, Barca của Luis Enrique không xáo trộn nhiều so với Barca của Pep Guardiola. Nhưng về mặt lối chơi, đã có một cuộc cách mạng ở Nou Camp. Thời Guardiola, Barca chơi thứ bóng đá đến “từ hành tinh khác”, với khả năng cầm bóng siêu việt của Messi - Xavi - Iniesta. Các đối thủ của Barca chỉ còn cách co cụm... chờ chết.
Đó là khi triết lý tiqui-taca đạt tới cảnh giới cao nhất, biến những trận cầu có Barca trở nên nhàm chán bởi thế trận một chiều. Nhưng mặt trái là Pep Team không biết chơi kiểu nào khác. Và họ đã không ít lần bất lực trước sự thực dụng đến tàn nhẫn của Mourinho. 
Barca của Luis Enrique không “một màu” như vậy. Trên nền tảng tiqui-taca, Luis Enrique thổi vào sự thực dụng, tính quyết liệt và hiệu quả như phong cách của ông thời còn thi đấu. Điểm nhấn của Barca hiện tại không còn nằm ở hàng tiền vệ mà ở bộ ba nguyên tử M-S-N phía trên. “Enrique Team” không lãng mạn bằng “Pep Team” nhưng thực dụng và khó lường hơn. Barca hiện tại biết chơi phòng ngự rình mồi, thậm chí “khổ nhục kế” để đối phương sa bẫy. 
Sự khác biệt điển hình giữa hai thời kỳ Pep Guardiola và Luis Enrique nằm ở Messi. Dưới thời Guardiola, ngôi sao người Argentina gánh cả đội bóng. Barca thiếu Messi không còn là Barca. Còn dưới thời Enrique, đó không phải đội bóng một người. Messi vẫn chơi rất hay nhưng thiếu anh, Barca còn có thể trông vào Neymar hay Suarez.
Barca của Enrique hiệu quả hơn Barca của Pep ảnh 2
Ở góc độ khác, có thể nói Luis Enrique đã đẩy Messi lên tầm cao mới khi trao cho số 10 vai trò tự do hơn, tác động nhiều đến lối chơi hơn. Nhờ đó Messi cũng hoàn thiện chính mình so với thời Guardiola. Một phần cũng bởi sự ra đi của Xavi và gánh nặng tuổi tác của Iniesta, tạo cơ hội cho Messi trở thành linh hồn trong lối chơi.
Cuộc chuyển giao vĩ đại
Xét về bối cảnh dẫn dắt Barca, Guardiola thuận lợi hơn nhiều Enrique. Pep nhậm chức vào năm 2008, thời điểm đỉnh cao của Xavi, Iniesta, Messi cộng thêm Busquets thăng tiến nhanh chóng. Bộ khung hoàn hảo đó sản sinh ra một thứ bóng đá chết chóc chưa từng có trong lịch sử, dựa trên sợi dây gắn kết của những người con La Masia.
Còn khi Luis Enrique lên nắm quyền vào năm 2014, tiqui-taca đã đi hết một chu kỳ thành công, và Nou Camp chìm trong hai năm mất phương hướng kể từ khi Pep rời đi. Trong bối cảnh đó, không ai nghĩ Luis Enrique lại tái hiện được giai đoạn vàng son của Guardiola (7 danh hiệu/2 mùa đầu). Sự xuất hiện của Neymar và Suarez, dưới bàn tay nhào nặn của Luis Enrique, đã hóa thành mũi đinh ba đáng sợ nhất trong lịch sử La Liga. Ba ngôi sao, ba cá tính, ba phong cách chơi bóng nhưng lại hòa hợp thành một khối thống nhất. Đó là thành công lớn nhất của Luis Enrique.

So sánh 2 năm đầu của Barca thời Guardiola và 2 năm đầu thời Enrique

So sánh 2 năm đầu của Barca thời Guardiola và 2 năm đầu thời Enrique
Barca của Luis Enrique, suy cho cùng, có được sự cân bằng tốt hơn so với thời Guardiola. Bằng chứng là họ ghi bàn nhiều hơn (2,85 bàn/trận so với 2,58 bàn/trận thời Pep) và phòng ngự chắc chắn hơn (0,72 bàn thua/trận so với 0,73 bàn thua/trận).
Song không thể phân định ai tài hơn ai giữa Luis Enrique và Pep Guardiola. Anh hùng gặp thời thế và thời thế tạo anh hùng. Nếu quay về năm 2008, một người như Pep sẽ phù hợp hơn Luis Enrique để xây dựng tiqui-taca huyền thoại. Còn thời điểm 2014, cá tính đột phá và sự quyết liệt của Luis Enrique lại phù hợp để vực dậy Barca hậu tiqui-taca./.
Theo bongdaplus
TIN LIÊN QUAN

Tin mới