Góc suy ngẫm: Chuyện Công Phượng đi phát tờ rơi và ý thức trách nhiệm của các cầu thủ SLNA

(Baonghean.vn) - Bóng đá Nhật Bản tìm mọi cách để chiếm được cảm tình của người dân địa phương, còn SLNA, họ đang thực sự phung phí điều đó.

Những ngày qua, video, hình ảnh Công Phương đi phát tờ rơi quảng cáo tại Nhật Bản liên tục được đăng tải. Điều này khiến rất nhiều người bất ngờ…
Những ngày qua, video, hình ảnh Công Phương đi phát tờ rơi quảng cáo tại Nhật Bản liên tục được đăng tải. Điều này khiến rất nhiều người bất ngờ…

1. Liên đoàn bóng đá Việt Nam, công ty VPF cho đến chủ tịch, quan chức các CLB đã không ít lần sang Hàn Quốc, Nhật Bản học hỏi mô hình làm bóng đá của Liên đoàn bóng đá nước bạn và các CLB tại đây. Hầu như tất cả các thành viên tham gia chuyến đi đều thống nhất với quan điểm của ông Cao Văn Chóng – chủ tịch công ty VPF rằng: “Qua thời gian khảo sát và học hỏi mô hình của bóng đá Hàn Quốc và Nhật Bản, lãnh đạo các CLB của Việt Nam đã lĩnh hội được không ít những kinh nghiệm bổ ích, trong đó có công tác xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ.

Trong bóng đá, để chinh phục trái tim của cổ động viên, chuyên môn vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên, tại Hàn Quốc và Nhật Bản, các CLB tại đây còn rất chú trọng đến những công tác bên lề sân cỏ như làm từ thiện, các hoạt động mang tính nhân văn và trách nhiệm đối với xã hội. Từ đó, các cầu thủ và đội bóng chiếm được thiện cảm, sự yêu mến từ người dân địa phương.”

2. Nói về thiện cảm, sự yêu mến từ người dân bản địa của bóng đá Việt Nam, có ai vượt qua SLNA và hạnh phúc như SLNA với một lực lượng CĐV hùng hậu và cuồng nhiệt nhất cả nước. Truyền thống, bản sắc là cho các bậc đàn anh gây dựng, họ là những người chịu trách nhiệm tiếp nối. Tình yêu mà người hâm mộ dành cho họ, được thừa hưởng từ bề dày truyền thống và tinh thần bóng đá của quê hương. Nhưng có vẻ như họ vẫn chưa xứng đáng cho lắm với điều này.

Ai cũng biết, cầu thủ SLNA mỗi khi ra sân (bất kể sân tập hay thi đấu) dành khá nhiều thời gian cho đầu tóc, chải chuốt hình thức bề ngoài. Thậm chí, một số cầu thủ còn cho rằng mình là những ngôi sao của ĐTQG, được giới trẻ nước nhà hâm mộ, nên khi quay về CLB, dù thi đấu  như thế nào vẫn không ảnh hưởng đến thương hiệu cá nhân của họ.

3. Và có lẽ, những cầu thủ này cũng như đa số cầu thủ chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam không biết đến chuyện Nguyễn Công Phượng, cầu thủ được hàng triệu người Việt yêu mến (chẳng kém gì những Văn Quyến, Công Vinh) đang làm gì trên đất Nhật! Đó là phần việc mà các ngôi sao SLNA chưa từng nghĩ đến hoặc không bao giờ dám làm: phát tờ rơi quảng cáo cho trận đấu, một công việc dành cho những cầu thủ không được đăng ký vào sân.

Các CĐV xứ Nghệ không chê trách SLNA vì thành tích nghèo nàn, mà họ không hài lòng về thái độ, tinh thần thi đấu của các cầu thủ trẻ đang là những trụ cột của CLB.
Các CĐV SLNA đi giao vé tận nơi tại thủ đô Hà Nội trước trận đấu Hà Nội T&T - SLNA trên sân Hàng Đẫy.

Ở SLNA cũng như các đội bóng Việt Nam khác, các CĐV đang làm thay cầu thủ phần việc này. Mặc cho SLNA thi đấu bết bát, bạc nhược và thiếu linh hồn, CĐV xứ Nghệ vẫn nén nỗi buồn, lên kế hoạch kéo khán giả đến sân. Có những người còn bỏ học, nhịn ăn đi giao vé tận nơi, kết nối những trái tim yêu quê hương. Họ đang bỏ thời gian, tiền của đi kêu gọi khán giả đến sân ủng hộ CLB, giữ gìn hình ảnh cho cho chính các cầu thủ của đội bóng quê hương.

Thế đấy! Đừng học những gì quá to tát. Hãy học họ những điều rất giản đơn. Bóng đá Nhật Bản tìm mọi cách để chiếm được cảm tình của người dân địa phương, còn SLNA, họ đang thực sự phung phí điều đó.

Hoài Hoan

TIN LIÊN QUAN

Tin mới