Liệu có bất công cho HLV Ngô Quang Trường?

(Baonghean.vn) - Thời gian gần đây, HLV Ngô Quang Trường liên tục phải hứng chịu những chỉ trích từ người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ, vì thành tích nghèo nàn của đội bóng. Liệu điều đó có quá bất công với chiến lược gia sinh năm 1972?

Lẽ dĩ nhiên, quân thất bại thì tướng phải chịu trách nhiệm, đội bóng thi đấu không tốt thì HLV phải "đứng mũi chịu sào". Nhưng thưởng phạt cũng phải đánh giá dưới nhiều góc độ và thật khách quan, chứ không phải quy chụp một cách cảm tính.

Mùa bóng năm nay, SLNA vẫn tiếp tục với nạn "chảy máu nhân tài" khi những trụ cột như Ngô Hoàng Thịnh, Nguyễn Quang Tình, Trần Đình Đồng chia tay SLNA về với miền đất mới. Cách đây 1-2 mùa bóng, việc chia tay với vài trụ cột không phải là vấn đề quá ghê gớm với đội bóng xứ Nghệ. Bởi mỗi năm trôi qua, lò đào tạo SLNA lại trình làng thêm những cầu thủ trẻ tài năng, tình trạng "tre chưa kịp già măng đã mọc", "sóng sau xô sóng trước", khiến nỗi lo thiếu hụt lực lượng chẳng bao giờ hiện hữu.

HLV Ngô Quang Trường.
HLV Ngô Quang Trường.

Tuy nhiên, mùa giải năm nay gió đã xoay chiều. Những khoảng trống mà Quang Tình, Hoàng Thịnh, Đình Đồng để lại không có người khỏa lấp một cách trọn vẹn. Quế Ngọc Hải bị treo giò một thời gian dài (bị cấm sau pha va chạm với Anh Khoa của SHB.ĐN); Phạm Mạnh Hùng phong độ đi xuống; Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Văn Vinh tuổi cao, lại hay chấn thương; Trần Đình Hoàng ở giường bệnh nhiều hơn ra sân; các cầu thủ trẻ như Cao Xuân Thắng, Đậu Thanh Phong, Nguyễn Phú Nguyên... quá non kinh nghiệm... Trong tay HLV Ngô Quang Trường là một tập thể vừa non-vừa yếu-vừa thiếu.

Có câu: "có bột mới gột nên hồ", với nhân lực như vậy thật khó để bất cứ HLV nào có thể làm nên chuyện. Từ hàng thủ cho tới hàng công đâu đâu cũng thấy vấn đề cả. Những sai lầm kiểu sơ đẳng như kiểu của Phạm Mạnh Hùng, Quế Ngọc Hải, Võ Ngọc Đức...thì đến những HLV tầm thế giới cũng phải lắc đầu, bó tay. Những lỗi cá nhân như vậy thì phải trách ở chính cầu thủ, hoặc có chăng là những người làm công tác đào tạo trẻ. HLV trưởng không phải là người chịu trách nhiệm về những lỗi kỹ thuật cơ bản đó. Với "bột" như vậy thì làm sao Quang Trường có thể "gột nên hồ" được.

Không ít nhà chuyên môn, người hâm mộ cho rằng chiến lược gia họ Ngô chính là nguyên nhân khiến SLNA đánh mất bản sắc. Cái bản sắc của đội bóng xứ Nghệ là lối chơi quyết liệt và máu lửa. Nhưng mùa giải năm nay, các học trò của ông Trường đã không thể hiện được điều đó trên sân. Thực ra đó không phải lỗi hoàn toàn ở HLV quê Hưng Nguyên, khi số đông cầu thủ SLNA "bỗng dưng" đánh mất lối chơi đó.

HLV Ngô Quang Trường trên sân đấu trận B.Bình Dương - SLNA, mùa bóng 2015. Ảnh: VTC.
HLV Ngô Quang Trường trên sân đấu trận B.Bình Dương - SLNA, mùa bóng 2015. Ảnh: VTC.

Sau sự cố ở mùa giải 2014, khi Đình Đồng vào bóng làm gãy chân Nguyễn Anh Hùng (Hùng Vương An Giang), và đặc biệt là vụ lùm xùm ở mùa giải vừa qua khi Quế Ngọc Hải vào bóng khiến cầu thủ Anh Khoa (SHB.ĐN) bị chấn thương rất nặng. Dù rằng những pha vào bóng đó chỉ là vô ý, nhưng dư luận đã công kích một cách thái quá đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lí thi đấu của các cầu thủ xứ Nghệ, mà đa phần là các cầu thủ trẻ. Vì thế, những pha tranh chấp bóng của các học trò HLV Ngô Quang Trường thường ít quyết liệt hơn trước. Chỉ cần một cú va chạm quyết liệt trên mức cần thiết, mọi mũi dùi chỉ trích lập tức đổ lên đầu cầu thủ đó.

Trong khi, những pha bóng tương tự của các cầu thủ ở đội bóng khác lại diễn ra trong sự dửng dưng của những nhà chuyên môn, người hâm mộ và cả đội bóng có cầu thủ là nạn nhân của các pha bóng quyết liệt như vậy. Minh chứng rõ nét nhất là 2 vụ việc các nhau vài ngày, bản chất sự việc giống nhau, nhưng cách giải quyết vấn đề lại hoàn toàn trái ngược nhau, đó là: vụ Quế Ngọc Hải khiến Anh Khoa (SHB.ĐN) bị chấn thương và vụ Dương Thanh Hào (HN.T&T) đốn gãy chân Abass (B.BD). Chính những hành xử như vậy đã khiến các cầu thủ SLNA chùn chân trong các pha tranh chấp.

Bên cạnh đó, một dấu hiệu nữa cho thấy, HLV Ngô Quang Trường không phải tác nhân chủ yếu khiến bản sắc SLNA khá nhạt nhòa trong mùa giải này. Rất nhiều cầu thủ trong đội hình có tư tưởng thi đấu "giữ chân", thậm chí là biểu hiện của sự "kiêu binh". Họ thi đấu chỉ cho "qua ngày đoạn tháng", chờ mùa giải hạ màn để chuyển sang đội bóng khác. Có khá nhiều cái tên được khán giả chỉ đích danh vì cách chơi "hồn Trương Ba da hàng thịt". Chính điều đó là một phần nguyên nhân khiến cho lối chơi của đội bóng xứ Nghệ thiếu quyết liệt và máu lửa.

Bóng đá Việt, đặc biệt là với những đội bóng kiểu SLNA, Đồng Tháp... HLV trưởng đôi khi chỉ là người "hữu danh vô thực" giữa một cơ chế nhùng nhằng. Trong những điều kiện như vậy, HLV trưởng thực chất là kẻ mang trên mình "quyền rơm vạ đá". Có nghĩa là, mọi quyết sách về chuyên môn phải chịu sự chi phối của một vài người khác, một vài người đó thậm chí chẳng hiểu gì về bóng đá, còn đội bóng thi đấu không đạt kết quả tốt lại đổ lên đầu HLV.

Vì sao, Nguyễn Hữu Thắng chia tay SLNA thì ai cũng rõ. Trong khi, hoàn cảnh Ngô Quang Trường "được vinh dự" ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng SLNA thì không phải ai cũng hiểu tường tận. Cho nên, đổ lỗi hoàn toàn ông Trường "trâu" vì "cuộc khủng hoảng" ở SLNA, phải chăng là quá bất công với vị HLV này?!

 Lê Thanh Hưng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới